ĐẠI HUYẾT ĐẰNG


Cây dây leo dài tới 10m, vỏ ngoài màu hơi nâu, thân cây cắt ra có chất nhựa màu đỏ như máu.

ĐẠI HUYẾT ĐẰNG     大 血 藤
Sargentodoxa cuneata (Oliv) Rehd. Et Wil.

Tên Việt Nam: Dây Máu, Dây Máu Người, Huyết Đằng.
Tên khác: Huyết đằng, Hồng đằng, Ngũ hoa thất, Ngũ hoa huyết thông, Đại huyết thông, Hoạt huyết đằng (Trung Qu?c Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa họcSargentodoxa cuneata (Oliv) Rehd. Et Wil.
Họ khoa học: Sargentodoxaceae.
Mô tả: Cây dây leo dài tới 10m, vỏ ngoài màu hơi nâu, thân cây cắt ra có chất nhựa màu đỏ như máu. Lá mọc cách, kép có 3 lá chét, cuống lá dài 4,5-10cm, lá chét giữa có cuống ngắn, các lá chét bên không cuống, phiến lá chét giữa hình trứng các lá chét bên hơi hình thận.
Hoa đơn tính, khác gốc, mọc thành chùm ở kẽ lá, thẳng xuống và dài tới 14cm. Hoa màu vàng hay vàng lục. Hoa đực có 6 lá đài, 6 cánh hoa hình sợi và 6 nhị. Hoa cái cũng có 6 đài, 6 cánh hoa và 6 nhị lép và nhiều lá noãn rời xếp xoắn ốc. Quả mọng hình trứng, khi chín có màu lam đen, xếp thành chùm. Ra hoa vào tháng 3,4 và quả vào tháng 7-8.
Phân biệt: Cần phân biệt với cây Kê huyết đằng (Milletia nitidabenth) (Xem: Kê huyết đằng).
Địa lý: Cây mọc hoang nhiều ở Lào Cai, Bắc Thái, Hoà Bình... trong núi cao hai bên khe.
Thu hái, sơ chế: Thân cây thường quấn vào cây cổ thụ khác, thân dây được thu hái quanh năm, chặt từng đoạn dài, để 3-5 ngày cho se bớt rồi rửa sạch xắt lát phơi khô. Có người khi chặt cho nhựa đỏ chảy vào thùng phơi khô để dùng mà không khai thác cả cây.
Phần dùng làm thuốc: Thân dây.
Tính vị: Vị đắng chát, tính ấm.
Tác dụng: Khử phong thấp, thông kinh lạc, lý khí hoạt huyết, tiêu sưng tán kết, kháng khuẩn tiêu viêm.
Chủ trị: Trị đau nhức gân xương do phong thấp, đau mỏi tứ chi, tay chân tê rút. Phù thủng. Huyết hư chóng mặt. Kinh nguyệt không đều, rong kinh. Chấn thương do té ngã, bị đánh đập. Viêm ruột thừa giai đoạn đầu. Trẻ con cam tích, giun đũa, giun kim.
Liều dùng: Dùng khô mỗi lần 15g - 30g, có khi tới 60g. Sắc hoặc ngâm rượu tán bột.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai cấm dùng.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị phong thấp đau nhức gân xương, mỏi tay chân, tê quắp:  Đại huyết đằng, Cẩu tích, Cốt toái bổ Ngưu tất, Tỳ giải mỗi thứ 20 gr, Bạch chỉ, Thiên niện kiện 6g sắc uống (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị thiếu máu chóng mặt, xây xẩm hoa mắt, đau tim, loạn nhịp tim: Đại huyết đằng 20g, Huyền sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Thảo quyết minh (sao) mỗi vị 15g, Tim sen 4g. Sắc uống (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị trẻ nhỏ cam tích, giun đũa, giun kim: Hồng đằng 15g tán bột ăn với đường đen (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị viêm ruột dư: Hồng đằng 60g, Hoàng cầm 15g, Bồ công anh, Tử hoa địa đinh đều 30g, sắc uống (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét