Cây có màu trắng thu liễm các vết thương nên goị là Bạch liễm.
BẠCH LIỄM 白 薟
Ampelopsis serijanaefolia Bung.
Xuất xứ: Bản Kinh.
Tên khác: Bạch thảo (Bản Kinh), Bạch căn, Thỏ bạch, Côn lôn (Biệt Lục), Miêu nhi noãn (Bản Thảo Cương Mục), Kinh thảo (Hoà Hán Dược Khảo).
Tên khoa học: Ampelopsis serijanaefolia Bung.
Họ khoa học: Vitaceae.
Tên gọi: Cây có màu trắng thu liễm các vết thương nên goị là Bạch liễm.
Phân biệt
1. Có nơi người ta dùng Cây bạch liễm (Ampolopsis japonica (Thunb) Makino) thế cho cây.
2. Cần phân biệt với cây chìa vôi (Cissus modeccoides Planch) họ Ampelidaceae cũng được gọi tên Bạch liễm (Xem: Bạch phấn đằng).
Địa lý: Bạch liễm có ở Quảng đông, Đông giang bác la (Trung Quốc), vị này hiếm thấy ở Việt Nam.
Thu hái, sơ chế: Đào rễ phơi khô vào tháng 2 đến 8 mà dùng.
Phần dùng làm thuốc: Dùng rễ nào ngoài bằng cái trứng gà ngoài đen nhánh, trong sắc trắng vị đắng là tốt.
Mô Tả dược liệu: Củ Bạch liễm hình tròn, lớn bằng quả trứng gà mấy quả dính liền với gốc cây, hai đầu củ hơi nhọn, ở ngoài màu đen trong trắng, vị đắng, thường bổ dọc làm đôi. Có nơi hay lấy củ khoai lang làm giả mạo, cũng cần phân biệt với củ Bạch cập (củ này có 3 nhánh cứng mịn và trong).
Bào chế: Ngâm củ Bạch liễm 1 đêm, ủ mềm, xong rửa sạch sắc lát phơi khô, không sao tẩm gì cả. thường tán bột dùng làm hoàn tán.
Tác dụng : Tả hỏa, tán kết, sinh cơ, chỉ thống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tính vị: Vị đắng ngọt, tính bình hơi lạnh, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Chủ trị: trị ôn ngược, lỵ ra máu, tiêu ra máu, trĩ nội, xích bạch đới, sưng ung ở hạch cổ, đinh nhọt, phỏng lửa, phỏng nóng.
Liều dùng: Dùng từ 3 – 9g. Dùng ngoài tùy thích, tán bột xức nơi đau, bào chế, phơi khô rồi dùng không sao.
Bảo quản: Để nơi khô ráo đậy kín trong chum lọ, dưới có lót vôi sống, bễ bị mốc mọt.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Bỏng lửa bỏng nước: Bạch liễm tán bột bôi vào (Ngoại Đài Bí Yếu Phương).
+ Phong thấp gân rút sưng đau, duỗi co khó khăn dùng Bạch liễm hai phần. Thục phụ tử 1 phần, tán bột uống với rượu, lần uống 3 phân ngày 2 lần, có cảm giác nóng chạy trong người là tốt, liên tục 10 ngày lúc uống cử thịt heo và thức ăn lạnh (Thiên Kim Phương).
+ Ăn vào nghẹ ở cổ dùng Bạch liễm, Bạch chỉ hai vị bằng nhau sắc uống 2 lần 2 chỉ (Thánh Huệ Phương).
+ Đồ sắt, tre, thép chích vào nghẹn họng: Bạch liễm, Bán hạ ngâm nước sôi hai vị bằng nhau uống lần nửa chỉ với rượu, ngày 2 lần cũng có thể trị gai chích vào trong thịt (Thánh Huệ Phương).
+ Bài trên có thể trị được chứng đinh nhọt mới phát (Thánh Huệ Phương).
+ Phát bối mới phát, lấy bột Bạch liễm hòa với nước sát vào (Trửu Hậu Phương).
+ Mặt sinh ra giống như gai châm, sần sùi như bột phấn, dùng Bạch liễm 2 phân, Hạnh nhân nửa phân, chất trắng ở phân gà 1 phân nghiền nhỏ trộn mật với nước bôi lên (Trửu Hậu Phương).
+ Các chứng sưng viêm dùng Bạch liễm, Xích tiểu đậu, Vương thảo, tán bột lòng trắng trứng gà bôi vào (Dược Tính Phương), có bài lại dùng 2 phần Bạch liễm, 1 phần Lê lô, tán bột trộn rượu bôi vào ngày 3 lần (Đào Ẩn Cư Phương).
+ Mũi nổi lên những hạt thịt đỏ nhỏ dùng Bạch liễm, Bạch thạch chi, Hạnh nhân mỗi thứ nửa lượng tán bột trộn lòng trắng trứng gà dán vào, tối bôi lên sáng rửa đi, sẽ lành từ từ (Ngự Dược Viện Phương).
+ Nước trong lỗ tai sinh ra lở loét: Bạch liễm, Hoàng bá 2 vị bằng nhau nghiền nhỏ bôi với dầu mè (Đàm Dã Ông Phương).
+ Thai chết lưu, dùng Bạch liễm, Bán hạ sống, 2 vị bằng nhau, tán bột trộn nước làm viên bằng hạt ngô đồng, uống 50 viên với bài du bì thang (Bảo Mệnh Phương).
+ Các loại lở loét không thu miệng lại: Bạch liễm, Xích liễm, Hoàng bá, mỗi thứ 9g sao tán bột. Khinh phấn 3g, dùng nước sắc của hành rửa xức vào (Thụy Trúc Đường Phương).
Tham khảo: Bạch liễm có chất thanh nhiệt và tán kết, thường dùng làm thuốc chữa mụn, thuốc uống trong ít bài dùng đến (Bách Hợp).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét