Cây nhỡ cao chừng 3-4,5m. Toàn thân cây và lá khi bẻ có nhựa mủ màu trắng như sữa. Cành non vuông, gầy, màu nâu xanh nhạt, cành già hình trụ, đen nhạt có khía dọc, nhiều đốm bì khổng trắng.
DƯƠNG GIÁC NỮU 羊 角 扭
Strophanthus divaricatus (Lour) Hook Et Arn.
Tên Việt Nam: Sừng dê (hoa vàng), Sừng dê.
Tên khác: Dương giác ngẫu, Dương giác ảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên gọi: Vì quả của cây khi nở ra tạo thành như cặp sừng dê nên có tên.
Tên khoa học: Strophanthus divaricatus (Lour) Hook Et Arn (Strophanthus divergensgrah).
Họ khoa học: Apocyaceae.
Mô tả: Cây nhỡ cao chừng 3-4,5m. Toàn thân cây và lá khi bẻ có nhựa mủ màu trắng như sữa. Cành non vuông, gầy, màu nâu xanh nhạt, cành già hình trụ, đen nhạt có khía dọc, nhiều đốm bì khổng trắng. Lá mọc đối, hơi giống hình thìa, trên to dưới nhỏ, đầu nhọn dài 5-9cm, gân lá gồm 6-8 đôi không nổi rõ ở cả hai mặt. Cuống lá dài 3-8mm, gầy, trên có lòng máng. Hoa tự hình xim mọc ở ngọn cành, mang 1-3 hoa to, cuống hoa dài 1-1,5cm, đài hoa có 1 đôi lá bắc phụ mọc đối. Đài hoa màu xanh hay vàng xanh, tràng hoa hình phễu rộng, trên sẻ làm 5 cánh màu vàng, đặc biệt phía trên của cánh hoa hẹp lại thành hình sợi, bầu có ô một nửa bầu hạ. Quả khô gồm 2 đại dính vào nhau, đầu đại nhỏ nhưng tù, đại dài chừng 10-15cm, vỏ dầy cứng. Khi chín, nở ra nhiều hạt có cuống và chùm lông mịn dài.
Phân biệt:
1. Phân biệt với cây Sừng trâu (lá to) còn gọi là dây Vòi voi (Strophantus caudatus Kurz, Strophantus scandens Roem Et Schult) là cây nhỡ hay dây leo, cao 3- 8m. Cành non rất nhiều lỗ bì, có nhiều sẹo lá. Lá mọc đối hình bầu dục dài. Hoa đỏ mọc thành xim ở ngọn. Đài 5, ống ngắn, hình chuông. Tràng 5, bầu dục ở dưới, trên hẹo lại thành dải, ở gốc có hai vẩy. Nhị 5, dính ở họng tràng. Bầu 2 lá noãn riêng biệt, có nhiều hàng noãn. Quả đại 2, dài, đầu tù. Hạt có mào lông dài. Cây có hoa quả khoảng từ tháng 5-12. Toàn cây có mủ nhựa trong. Cây mọc hoang ở nhiều nơi, có độc, người miền núi dùng để tẩm tên độc. Dùng thận trong có thể nghiên cứu để trị bệnh tim.
2. Phân biệt với Cây sừng trâu (Strophantus robustus Pirre) Là cây nhỡ mọc leo. Cành non màu đỏ nhạt. Lá mỏng mọc đối, hình thuôn dài. Hoa đỏ mọc thành xim lưỡng phân ít hoa ở ngọn. Đài 5, nhọn, có vẩy tuyến ở gốc trong. Tràng 5, hình trứng ở dưới, trên hẹp lại thành dải, phía dưới có 2 vẩy nạc. Nhị 5 đính ở họng ống tràng, không lòi ra. Bầu hai lá noãn riêng biệt. Quả đại 2, đầu tù. Ra hoa tháng 3- 8, cây mọc hoang ở các tỉnh miền bắc, cây độc. Hạt dùng chữa bệnh tim, ngoài ra còn dùng Tẩm tên độc. Cần nghiên cứu thêm.
3. Phân biệt với cây Sừng bò (Tebernaemonana tonkinensis Pierre) đó là cây cao chừng 1m, có nhiều nhựa mủ trắng. Lá hình bầu, 2 đầu nhọn. Hoa trắng mọc thành xim. Đài 5 có lông ở mép, không có tuyến ở gốc trong. Tràng 5 ống dài, hơi phình ở đỉnh, có lông ở dưới bao phấn. Nhị 5 đính ở chỗ ống tràng, phình to ra, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn chia thành 2 thùy ở gốc. Bầu 2 lá noãn riêng biệt. Quả đại 2, đầu có mỏ, choãi ra như 2 cái sừng bò, chứa 2-3 hạt, giữa các hạt thắt hẹp lại. Có hoa quả từ tháng 5-10. Cây mọc hoang ở dưới rừng. Có thể trồng làm cảnh.
4. Do hình thái giống nhau có thể nhầm lẫn giữa hạt Sừng dê với hạt cây Mức hoa trắng. Cây này còn gọi là Thừng mực lá to, Mức lông, người Thổ gọi là Mộc vài (Holarrhena antidysenterica Wall). Đó là cây to có thể cao 12-15m. Cành già màu nâu nhạt, có nốt sần. Cành non có lông tơ. Lá to gần như không cuống, mọc đối. Hoa trắng mọc thành xim ngù ở kẽ lá hoặc ngọn cành. Quả là hai đại, cong màu nâu. Hạt có chùm lông. Toàn cây có nhựa mủ. Cây thường mọc hoang ở rừng núi ven đường, kinh nghiệm mỗi ngày uống 6g (bột vỏ cây) hoặc 0,5-3g (bột hạt) để chữa lỵ amip.
Địa lý: Cây mọc hoang khắp nơi, nhiều nhất ở Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh. Có ở sườn đồi, rừng thưa, trong bụi cây.
Thu hái, sơ chế: Hạt phơi hay sấy khô. Thu hái vào tháng 9-10, có khi dùng cả lá khô.
Phần dùng làm thuốc: Hạt (bỏ chòm lông, phơi khô).
Tính vị: Vị đắng, tính lạnh, có độc.
Tác dụng: Tiêu sưng, giảm ngứa, sát trùng.
Chủ trị, cách dùng: Chấn thương do té ngã hoặc bị đánh đập, lở ngứa. Dùng lá tươi sắc lấy nước rửa ngoài, hoặc giã đắp bên ngoài.
Liều lượng: Lá khô ngày dùng 3-6g dạng sắc hoặc thang uống.
Bảo quản: Thuốc độc, nên bảo quản và dùng cẩn thận.
Tham khảo: Hạt sừng dê hiện nay được dùng làm nguyên liệu chế thuốc chữa suy tim thay cho những loại thuốc tương tự chế bằng các hạt Strophantus khác trước đây phải nhập của nước ngoài. Tuy nhiên cây có độc, dùng phải cẩn thận. Cần nghiên cứu thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét