HẮC DIỆN THẦN


Cây nhỡ, cao từ 1-1,5m, cành màu nâu nhạt. Lá mọc so le, phiến lá cứng, có cuống ngắn, hình trứng rộng, ở mặt trên màu xanh sẫm, ở dưới lá thường có những vết vẽ đen ngoằn ngoèo

HẮC DIỆN THẦN   黑 面 神
Breynia fruticosa (L) Hook F.


Tên Việt Nam: Sâu vẽ, Bọ mảy, Bồ cu vẽ (Bắc), Đẻ đọt, Dé bụi (Nam), Mạy hồ vài (Tày).
Tên khác: Thiết giáp tướng tuân,  Dạ lan trà (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa họcBreynia fruticosa (L) Hook F.
Họ khoa học: Euphobiaceae.
Mô tả: Cây nhỡ, cao từ 1-1,5m, cành màu nâu nhạt. Lá mọc so le, phiến lá cứng, có cuống ngắn, hình trứng rộng, ở mặt trên màu xanh sẫm, ở dưới lá thường có những vết vẽ đen ngoằn ngoèo, do một loại sâu bò để nhớt lại, khi khô có màu đen nên gọi là “Hắc diện thần”. Lá kèm hình tam giác nhọn. Cụm hoa màu xanh hình chùm mọc ở nách lá, gồm 5-6 hoa đực và 1-3 hoa cái, nằm trên các cành non có phủ lá bắc hình vẩy. Hoa đực có đài hình ống hay hình chuông, mép hơi lượn sóng, nhị 3. Hoa cái có đài loe rộng ra, có 6 thùy bằng nhau, bầu hình trứng nhọn đỉnh, 3 ô, mỗi ô chứa 2 noãn, vòi nhụy 3, hoàn toàn rời, chẻ đôi sâu, đầu nhụy nhọn. Quả nang hình cầu, màu đen nhạt. Hạt nâu 3, cạnh. Cây ra hoa từ tháng 4-9.
Địa lý: Cây mọc hoang khắp nơi, ở ven đường đồi trọc miền núi, nhất là ở trung du.
Thu hái, sơ chế: Thu hái quanh năm, rửa sạch phơi khô (Lá thường dùng tươi).
Phần dùng làm thuốc: Lá rễ.
Tính vị: Vị hơi cay. Tính lạnh.
Tác dụng: Hóa ứ, tiêu trệ, thanh nhiệt, thu liễm, giảm ngứa.
Chủ trị: Trị viêm trường vị cấp tính, viêm amiđan, viêm họng thanh quản, ngứa lở ngoài da viêm da do dị ứng, ngứa ngoài da, bỏng nóng.
Liều dùng: Rễ khô 15g-30g. Sắc uống. Bên ngoài dùng lá tươi đâm lấy nước rửa, bôi trị lở ngứa ngoài da.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị rắn cắn: nhai nuốt nước lá Bồ cu vẽ, còn bã đắp nơi vết đau (Kinh Nghiệm Dân Gian).
+ Muốn cầm máu, dùng lá sắc uống  (Kinh Nghiệm Dân Gian).
+ Trị lở loét, sâu quảng, dùng vỏ cây tán bột rắc vào  (Kinh Nghiệm Dân Gian).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét