LINH DƯƠNG GIÁC


Dê rừng là tên gọi nhiều loài khác nhau : con Nguyên Linh (Gazella gutturosa), con Tạng Linh (Pantholops hodgsoni) con Ban Linh hoặc Thanh Dương

LINH DƯƠNG GIÁC   羚 羊 角
Cornu Antelopis.

Xuất xứ : Thần Nông Bản Thảo.
Tên khác: Cửu Vĩ Dương Giác, Thô Giác, Thô Dương Giác (Bản Thảo Cương Mục), Hàm Giác (Sơn Hải Kinh), Ma Linh Dương, Nậu Giác, Ngoan Dương Giác, Bàng Linh Dương, Cửu Vĩ Dương (Hòa Hán Dược Khảo), Sừng Dê Rừng (Dược Liệu Việt Nam).
Tên khoa học : Cornu Antelopis.
Họ khoa học : Họ Trâu Bò (Bovidae).
Mô Tả : Dê rừng là tên gọi nhiều loài khác nhau : con Nguyên Linh (Gazella gutturosa), con Tạng Linh (Pantholops hodgsoni) con Ban Linh hoặc  Thanh Dương (Naemorhedus goral)v.v..
Địa lý : Sống thành từng bày ở miền rừng núi Việt Nam, có nhiều ở các núi đá vôi đảo Cát Bà (Hải Phòng).
Thu hái, Sơ chế : Thu hoạch quanh năm.
Bộ phận dùng : Sừng. Chọn thứ nào đen, xanh, sừng đen là tốt.
Bào chế :
+ Dùng dũa hoặc  là mài mòn để lấy bột tán ra thật nhuyễn thì uống khỏi hại dạ dày (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
Mài lấy bột, hòa uống hoặc  cắt phiến sắc uống hoặc  mài lấy nước  cốt, hòa uống (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Bảo quản :
Thành phần hóa học :
+ Trong Linh dương giác có Calcium Phosphate, Kerratin (Trung Dược Học).
+ Trong sừng dê rừng có Calci Phosphat, Keratin, Chất hữu cơ... (Dược Liệu Việt Nam).
Tác dụng dược lý :
+ Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương : nước  sắc Linh dương giác ức chế hệ thần kinh trung ươngbiểu hiện bằng hạ hoạt động của thần kinh hướng vận động ở chuột nhắt cũng như giảm thời gian tác dụng của Barbiturates. Thuốc cũng ức chế cảm giác đối với Strychnine và Caffeine. Hoạt chất này không gây giãn cơ nhưng có 1 số đặc tính gây tê.
+ Tác dụng đối với điều hòa nhiệt độ : nước  sắc Linh dương giác làm hạ nhiệt độ đối với thỏ gây sốt bằng cách tiêm chế phẩm thương hàn hoặc  phó thương hàn. Hiệu quả này bắt đầu trong vòng 2 giờ và kéo dài hơn 6 giờ.
+ Tác dụng chuyển hóa : nước  sắc Linh dương giác làm tăng sức đề kháng đối với việc oxy giảm ở súc vật (Trung Dược Học).
Tính vị :
+ Vị mặn, tính hàn (Trung Dược Học).
+ Vị mặn, tính hàn (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
+ Vị mặn, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy kinh :
+ Vào kinh Can, Tâm (Trung Dược Học).
+ Vào kinh Can, Tâm (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
+ Vào kinh Can, Tâm, Phế (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng :
+ Bình Can, tức phong, thanh nhiệt, an thần (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+ Bình Can, tức phong, thanh nhiệt, giải độc hỏa, thanh thấp nhiệt (Trung Dược Học).
+ Bình Can, tức phong, thanh nhiệt, minh mục, tán huyết, giải độc (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
+ Bình Can, tức phong, thanh nhiệt, trấn kinh (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ trị :
+ Trị sốt cao, kinh giật, hôn mê, kinh quyết, sản giật, điên cuồng, đầu đau, chóng mặt, mắt sưng đỏ đau, ôn độc phát ban, ung nhọt (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
+ Trị sốt cao, co giật, kinh phong, động kinh, mắt sưng đỏ đau, gân thịt máy động (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Kiêng kỵ :
+ Không phải ôn dịch nhiệt độc và Can không có nhiệt : không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Không có nhiệt thịnh ở kinh Can: cần thận trọng khi dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Liều dùng : 0,1-0, 2g dưới dạng bột; 2-4g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị ngăn nghẹn không thông : Linh dương giác, tán nhuyễn, uống (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị sản hậu phiền  muộn, mồ hôi chảy ra : Linh dương giác, đốt, uống với nước  (Thiên Kim Phương).
+ Trị sản hậu ác huyết xông lên gây ra phiền  muộn hoặc  trong bụng cứ đau mãi: Linh dương giác, đốt tồn tính, hòa rượu uống, rất hay (Bản Thảo Cương Mục).
+ Trị co giật, uốn cong người kèm Can phong trong ôn bệnh : Linh dương giác, Câu đằng, sắc uống (Trung Dược Học).
+ Trị kinh giật do Can âm hư : Linh dương giác, Tang ký sinh, Long cốt, Mẫu lệ, sắc uống (Trung Dược Học).
+ Trị nhiệt thịnh khiến cho Can phong nội động, toàn thân co cứng, co giật, thấy dấu hiệu nhiệt như lưỡi khô nổi gai, mạch Huyền mà cứng: Linh dương giác phiến 4g, Tang diệp, Câu dằng, Cúc hoa, Phục thần, Trúc nhự đều 12g, Bạch thược 16g, Sinh địa tươi 24g, Xuyên bối mẫu 8g, Cam thảo 4g, sắc uống (Linh Dương Câu Đằng Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+  Trị Can hoả bốc lên gây chóng mặt, đầu đau. Mắt đỏ, sợ ánh sáng: Lih dương giác 4g, Thăng ma 3g, Hoàng cầm, Long đởm thảo, Quyết minh tử, Chi tử, Xa tiền tử đều 12g, Cam thảo 4g, sắc uống (Linh Dương Giác Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tham khảo :   
+  “Linh dương giác thuộc hành Mộc, cho nên nó vào Can cũng dễ, vì những gì đồng khí thì dễ tìm đến nhau. Can khai khiếu ở mắt, khi phát bệnh, mắt có khi có mộng thì Linh dương giác đều chữa được. Can chủ về phong, thuộc vào Can là cân, khi phát bệnh trẻ nhỏ thường bị kinh giản, phụ nữ có thai thì bị động kinh, Linh dương giác đều chữa được cả. Hồn là thần của Can, khi phát bệnh thì kinh sợ không yên, phiền muộn, mê sảng,dùng Linh dương giác có thể làm cho yên được. Huyết là vật chứa của Can, khi phát bệnh ứ tắc, đọng trệ, sinh ra ghẻ chóc, mụn nhọt, kiết lỵ : Linh dương giác có thể làm cho tan ra. Nói tóm lại, Linh dương giác là vị thuốc chuyên chữa về các bệnh của Can (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+  “Thỏ ty tử làm sứ cho Linh dương giác” (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+  “Linh dương ngủ đêm thường treo sừng lên cây mà ngủ, vì vậy, khi dùng chọn thấy thứ nào bóng mà nhọn nhỏ và có dấu mòn, cầm để vào tai nghe thấy hơi có tiếng u u là thứ thật (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+  “Sơn dương giác có vị mặn, tính hàn và có đặc tính giống như Linh dương giác nhưng yếu hơn. Sơn dương giác có thể dùng thay thế Lig dương giác  với liều 9-15g. Tuy nhiên, phải nấu 30 phút trước khi cho vào thuốc sắc”(Trung Dược Học).
+  “Thanh nhiệt hoặc  giải nhiệt độc thì Linh dương giác không mạnh bằng Tê giác, ngược lại, Linh dương giác lại có hiệu quả hơn trong việc giãn cơ và trừ phong. Trong những trường hợp hôn mê, sốt cao co giật, Linh dương giác và Tê giác thường được dùng chung” (Trung Dược Học).
+  “Sừng con Linh dương phần nhiều là 2 sừng, có màu vàng thẫm, hơi nhẵn bóng, đỉnh sừng hơi cong, có các khớp hình trôn ốc, rất cứng, dao cắt không vào được” (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+  “Linh dương giác và Tê giác đều có vị mặn, tính hàn. Cả 2 đều có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh. Linh dương giác thiên về Can kinh, vào khí huyết, công dụng chủ yếu là thanh Can, khứ phong, trấn kinh, thiên về Can. Tê giác vị đắng, thiên về Tâm kinh, chạy vào phần huyết, chuyên thanh Tâm, lương huyết, tán ứ, công dụng thiên về Tâm và huyết” (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
+  “Linh dương giác dùng vào các bệnh mụn nhọt thì không bằng Tê gíac nhưng nó lại có công dụng thanh Can, minh mục, trị mắt đỏ, có ghèn” (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
+ Linh dương giác và Tê giác đều là thuốc chủ yếu trị bệnh nhiệt. Nhưng Tê giác  mạnh hơn về thanh Tâm nhiệt để chỉ huyết, Linh dương giác mạnh về thanh Can nhiệt để tức phong (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+  Linh dương giác là yếu dược để chỉ kính, tức phong. Linh dương giác và Tê giác cùng trị nhiệt bệnh phát cuồng nhưng Tê giác vào Tâm là chính, thiên về lương huyết mạch, trị mê man, còn Linh dương giác vào Can là chính, thiên về tức phong, giỏi về trị co giật (Thực Dụng Trung Y Học).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét