MIẾT GIÁP


Ba ba Việt Nam gồm nhiều loài, phổ biến nhất là Ba ba Trionyx sinensis Weigmann, hay Amyda sinensis Stejneger, thuộc họ Ba ba (Trionychadae).



MIẾT GIÁP    

Carapax Amydae.



Xuất xứ : Bản Kinh.
Tên khác : Thần thủ, Hà bá tòng sự (Cổ Kim Chú), Thượng giáp, Hắc long y, Miết tân giáp (Hoà Hán Dược Khảo), Thượng giáp (Chứng Trị Yếu Quyết), Miết xác (Y Lâm Toản Yếu), Đoàn ngư giáp (Hà Bắc Dược tài), Miết cái tử (Sơn Tây Trung Dược Chí), Biết giáp, Sinh biết giáp, Chích biết giáp, Cước ngư giáp, Đoàn ngư giáp (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tên khoa học :  Carapax Amydae.
Họ khoa học : Ba ba (Trionychadae).
Mô tả : Ba ba Việt Nam gồm nhiều loài, phổ biến nhất là Ba ba Trionyx sinensis Weigmann, hay Amyda sinensis Stejneger, thuộc họ Ba ba (Trionychadae). Có con nhỏ, nhưng có con rất lớn. Hình tròn, bầu dục, giữa mặt lưng gồ cao lên,  mé bên lõm vào, lưng bụng đều có mai, đầu nhọn, cổ to thô, dài, môi nhô ra, ở khoảng môi có một đôi lỗ mũi. Mắt nhỏ, lỗ đồng tử hình tròn. Vùng dưới cổ không có cục thịt sùi ra như hạt. Cổ, đầu hoàn toàn có thể chui vào trong mai. Mai bụng lưng đều không có tấm dạng sừng mà có da mềm bao phủ, phía mặt lưng mầu lục chàm hoặc đen nâu, trên có lớp da ngoài hình thành u cục  thịt nhỏ, hiện ra những hàng dọc, mé cạnh mềm. Mặt bụng mầu vàng trắng, có ban mầu lục nhạt. Chi trước 5 ngón, chỉ mé trong 3 ngón có móng. Chi sau ngón giống như chi trước. Khoảng giữa ngón và móng có màng. Con đực mình tương đối lệch, đuôi tương đối dài, đoạn cuối lộ ra ở cạnh mai. Con cái ngược trở lại. Khoảng tháng 6-7, đẻ trứng.
Địa lý : Sống ở hồ ao, sông, ngòi, ...
Bộ phận dùng :  Mai. Dùng loại to, dầy, không có thịt nát, sạch sẽ, không mùi là loại tốt.
Mô tả dược liệu: Hình tròn trứng hoặc bầu dục, dài 10-20cm, rộng 7-15cm, mặt lưng hơi nhô lên, mầu tro nâu hoặc lục đen, đồng thời có nếp gấp và ban chấm mầu trắng tro hoặc vàng tro nổi nhô lên. Giữa mai có khớp đốt nhô lên không rõ, hai bên đều có 8 đầu xương sườn nhô ra, cả 2 bên phải, trái thấy 8 đôi răng nhô ra, mầu trắng. Dọc theo đường giữa cổ và đuôi, có dẫy xương sống nhô lên, 2 bên đốt sống có 8 rãnh sườn. Cứng, khí hơi tanh, vị mặn.
Thu hái, Sơ chế : Vào khoảng tháng 3-9, người ta bắt Ba ba, nhưng sản lượng cao nhất là các tháng 5-7.
Bào chế :
Theo Trung Y: Lấy một phần rượu bỏ vào hai phần tro bếp ngâm rồi gạn lấy nước trong, bỏ Miết giáp vào ngâm một đêm rồi nấu cho nhừ (Bản Thảo Cương Mục).
Ngâm nước, rửa sạch thịt da, phơi khô, dùng cát nóng sao vàng. Tẩm giấm (10kg dược liệu dùng 3kg giấm), rửa qua, phơi khô (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Trước hết cần làm sạch màng và thịt bằng các cách sau đây:
Luộc sôi 1 - 2 giờ (có người cho luộc làm mất chất). Ngâm nước phèn một đêm (lkg dược liệu dùng 20g phèn, đổ ngập nước, quấy cho tan) (cách này thường dùng tại Viện Đông y).
Ngâm nước vôi loãng (1kg dược liệu 20g vôi sống) 3 ngày, mỗi ngày thay nước 1 - 2 lần.
Sau khi ngâm, dùng bàn chải tre đánh sạch thịt màng tự nó sẽ rời ra từng mảng; rửa sạch, để ráo, tẩm nước gừng, để khô. Dùng cát nóng sao vàng, lại tẩm với giấm, để khô, rủa qua, sấy nhẹ hoặc phơi khô. Giã dập dùng vào thuốc thang.
Không nên để cả cái mai mà nướng trực tiếp lên than hồng (như nhiều nơi vẫn làm) rồi nhúng vào chậu giấm (3 lần) vì như vậy bị cháy và kém phẩm chất, hao nhiều (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
+ Ngâm nước rồi rửa sạch những gân thịt còn sót lại, phơi nắng và sương 3 ngày, dùng sống hoặc tẩm dấm nướng (hoặc sao) vàng dòn, hoặc nấu thành cao để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Bảo quản: để nơi khô ráo thỉnh thoảng đem phơi vì dễ bị sâu bọ ăn.
Thành phần hoá học :
. Colloid, Keratin, Iodine, Vitamin D (Chinese Hebral Medicine).
. Keratin (Dược Liệu Việt Nam).
Tác dụng dược lý :
. Miết giáp có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, vì vậy, làm tiêu được khối u, làm tăng Protid huyết tương, kéo dài thời gian tồn tại của kháng thể. Có tác dụng an thần (Trung Dược Học).
Tính vị :
. Vị mặn, tính bình (Bản Kinh).
. Vị mặn, tính hàn (Bản Thảo Tùng Tân).
. Vị mặn, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Vị mặn, tính hàn (Thực Dụng Trung Y Học).
Quy kinh :
. Vào kinh Can (Bản Thảo Cương Mục).
. Vào kinh Can, Tỳ (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Vào kinh Can, thận (Bản Thảo Hội Ngôn).
. Vào kinh  Phế, Can, Tỳø (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Vào kinh Can, Tỳ (Thực Dụng Trung Y Học).
Tác dụng, Chủ trị :
. Chủ tâm phúc trưng hà, kiên tích, hàn nhiệt, khứ bỉ, tức nhục, âm hộ lở loét, trĩ, ác nhục (Bản Kinh).
. Chủ sốt sét lâu ngày, lao ngược, bế kinh (Y Học Nhập Môn).
. Ích âm, trừ nhiệt, tiêu tán, là thuốc chủ yếu trị sốt rét, là thuốc trị âm hư, lúc nóng lúc lạnh, lao nhiệt trong xương (Bản Tảo Kinh Sơ).
. Dưỡng âm, tiềm dương, nhuyễn kiên tán kết. Trị lao nhiệt, nóng âm ỉ trong xương, sốt rét kinh niên, công phá báng, hòn cục, tắc kinh, trừ khối u ở mạn dưới sườn. (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Ích âm, trừ nhiệt, nhuyễn kiên, tiêu bỉ. Trị âm hư nội nhiệt, nóng trong xương, hư lao, ho, kinh phong do hư nhiệt, ứ huyết, trưng hà, bế kinh (Thực Dụng Trung Y Học).
Kiêng kỵ :
. Người bị âm hư Vị nhược hoặc không muốn ăn uống thường hay nôn oẹ thì đều kiêng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Âm hư, không có nhiệt, Vị hư nôn mửa, Tỳ suy, tiêu chảy, có thai: không dùng (Thực Dụng Trung Y Học).
Liều dùng :  16-40g.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị nóng âm ỉ trong xương (cốt chưng): Miết giáp, Sài hồ, Tri mẫu, Tần giao, Đương quy, Thanh hao, Ô mai, Địa cốt bì. Sắc uống, uống vào buổi sáng và tối, mỗi buổi một lần (Miết Giáp Thang - Thẩm Thị Tôn Sinh Thư) .
+ Trị lao phổi, có triệu chứng hư nhiệt, sốt về chiều, mồ hôi trộm: Ngân sài hồ 12g, Hồ hoàng liên 4g, Miết giáp 20g (sắc trước), Thanh cao 8g, Thần giao 8g, Địa cốt bì, Tri mẫu đều 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống (Thanh Cốt Tán – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
+ Trị sốt rét kéo dài, thời kỳ cuối của nhiều bệnh nhiễm có hội chứng Can âm bất túc (chân tay run giật, lưỡi khô mà trơn bóng, mạch Tế Sác Nhược: Mẫu lệ (sinh) 20g, Miết giáp 30g (đập vụn, sắc trước, Quy bản (sống, sắc trước)  40g, Chích thảo 20g, Can địa hoàng 20g, Bạch thược (sinh) 20g, Mạch môn 18g, A giao 12g (hoà vào thuốc uống), Hoả ma nhân 12g. Sắc uống (Tam Giáp Phục MạchThang – Ôn Bệnh Điều Biện).
+ Trị sốt rét kéo dài, lách to: Miết giáp (nung dấm) 40g (sắc trước), Hoàng kỳ, Binh lang, Bạch thược đều 12g, Bạch truật, Xuyên phác 4g, Sinh khương 3 lát, Táo 3 trái. Sắc uống (Miết Giáp Ẩm gia giảm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tham khảo :           
+ Miết giáp thiên về công kiên (công chỗ cứng) mà không tổn khí. Phàm các chứng bĩ ở trên dưới, trong ngoài đều dùng được nhưng nên tán bột, hoà vào uống, sắc uống thì không có tác dụng. Sách ‘Bản Thảo Phùng Nguyên’ cho rằng: Phàm các chứng nóng trong xương, lao nhiệt, mồ hôi tự ra đều dùng vị này. Thuốc có tác dụng tư hoả tại kinh Can, nung nghiền thành bột mịn trị chứng da thịt loét do bỏng lửa, nước sôi. Nếu khô thì trộn dầu mè bôi, ướt thì rắc bột khô sẽ hết đau (Bản Thảo Tân Biên).
+ Quy bản và Miết giáp cùng loại, công dụng gần giống nhau, nhưng Quy bản đi vào Thận để tư âm, Miết giáp vào Can để trừ nhiệt. Người Can Thận âm hư có hư nhiệt, phần nhiều cùng dùng cả hai vị này. Có điều là sức tư âm của Quy bản rất mạnh, còn Miết giáp lại có cái hay đặc biệt là công kiên tán kết (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Sài hồ sao với tiết ba ba (Miết huyết) thì sơ Can, không làm cho thăng đề Can dương, càng có sở trường về tư âm (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Miết giáp có tác dụng tư âm, tiềm dương, giống như Quy bản. Hai vị thường dùng chung. Tuy nhiên, Miết giáp chủ vào Cam, Tỳ, giỏi về thông hành huyết lạc, có tác dụng phá ứ, tán kết, có thể trị các chứng Can Tỳ thủng, kinh bế. Còn Quy bản vào phần huyết của Tâm Thận, có thể bổ huyết, chỉ huyết, dùng trị huyết hư, thắt lưng đau, băng lậu. Đây là chỗ khác nhau của hai vị. Miết giáp lại giỏi về sưu nhiệt tà ở phần âm, vì vậy, thường dùng trị ôn tà vào phần âm rất tốt (Thực Dụng Trung Y Học).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét