NAM QUA TỬ


Là hạt đã phơi khô của cây Bí ngô, còn gọi là Bí đỏ, Bí rợ (Cucurbita popo L) hoặc của cây Bí (Curcubita moschata Duch).

NAM QUA TỬ
Semen Moschatae.

 Xuất xứ : Bản Thảo Cương Mục.
Tên khác : Nam qua nhân (Khoa Học Đích Dân Gian Thảo Dược), Bạch qua tử (Đông Bắc Dược Dụng Thực Vật Chí), Kim qua mễ (Lục Xuyên Bản Thảo), Oa qua tử (Thiểm Tây Trung Dược Chí), Lâu qua tử (Thanh Đảo Trung Thảo Dược Thủ Sách).
Tên khoa học : Semen Moschatae.
Họ khoa học : Bí (Cucurbitaceae).
Mô Tả : Là hạt đã phơi khô của cây Bí ngô, còn gọi là Bí đỏ, Bí rợ (Cucurbita popo L) hoặc của cây Bí (Curcubita moschata Duch). Hạt to, dẹt, dài 15- 20mm, rộng 8-12mm, dầy 2-4mm, mầu trắng đến nâu trắng, hình trái xoan, một đầu nhọn, có vết của rốn và lỗ noãn cũ. Chung quanh hạt có một mép viền mỏng, rộng khoảng 1-2mm, mầu trắng đục hoặc trắng vàng. Lá mầm có một mặt phẳng, một mặt khum, mấu trắng nhạt. Rễ mầm hình tam giác. Vị béo, có dầu (Dược Tài Học).
Địa lý : Được trồng khắp nơi.
Bộ phận dùng :  Hạt.
Thu hái, Sơ chế : Lấy hạt, phơi khô, cất dùng.
Bào chế : Rửa sạch, phơi khô để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Bảo quản : Để chỗ khô mát.
Thành phần hoá học :
. Linoleic acid, Oleic acid, Palmatic acid, Stearic acid  (Dutta J và cộng sự, C A 1986, 105 : 149708f).
. Linoleic acid, Myristic acid  (Ermakov A I và cộng sự, C A 1982, 97 : 123957c).
. Triglyceride, Diglyceride, Monoglyceride, Sterol, Sterolester (Tsuyaki H và cộng sự, C A 1989, 110 : 133909q).
Tác dụng dược lý :
+ Tác dụng đối với sán bò, sán heo: Hạt bí ngô có tác dụng làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi của sán bò và sán heo còn hạt Cau lại có tác dụng làm tê liệt đầu con sán và những đốt chưa thành thuộc (Trần Chí Khang Trung Quốc Dược lý Học Báo 1980, 1 (2) : 124).
+ Tác dụng đối với sán móc: Cho chuột bị nhiễm sán móc, uống hột Bí ngô 1-3g, liên tục 28 ngày, có tác dụng làm giảm lượng ấu trùng của sán móc, tỉ lệ đạt 85,3% - 95,7% (Vương Lạc Sinh, Trung Thảo Dược Lý Dữ Ứng Dụng 1983 : 747).
+ Các nhà nghiên cứu Hungary cho thấy dịch ép chuẩn hạt Bí ngô được chứng minh trên lâm sàng có kết quả:
. Làm dịu bàng quang hoạt động quá mức và bị kích thích – là nguyên nhân gây nên tiểu són, tiểu rát và đái dầm ở người lớn tuổi.
. Phòng ngừa và điều trị rối loạn Lipid máu, làm chậm tiến triển của xơ vữa động mạch.
. Giảm các triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến, rõ nhất là làm giảm số lần tiểu ban đêm, giảm thể tích nước tiểu tồn dư, tăng tốc độ tối đa của dòng nước tiểu khi tiểu và cải thiện các triệu chứng chủ quan như khó tiểu, tiểu buốt, tiểu nhiều lần (Thuốc & Sức Khoẻ 2003, (245) : 30).
Tính vị :
. Vị ngọt, tính ôn (Thực Dụng Trung Y Học).
. Vị ngọt, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Vị bùi, béo, tính ấm (Dược Tài Học).
. Vị ngọt, tính ôn, không độc (Hiện Đại Thực Dụng trung Dược).
Quy kinh :
. Vào kinh Tỳ, Vị (Thực Dụng Trung Y Học).
. Vào kinh  Vị, Đại trường (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng :
. Sát trùng (Thực Dụng Trung Y Học).
. Sát trùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Là thuốc chủ yếu để diệt sán (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
Chủ trị :
. Trị sán bò, giun móc (Thực Dụng Trung Y Học).
. Tẩy trừ sán (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Trị sau khi sinh tay chân bị phù thũng, bệnh tiểu đường, có kết quả tốt (Trung Quốc Dược Dụng Thực Vật Đồ Giám).
. Trị doanh vệ không tốt, nuy hoàng (Tứ Xuyên Trung Dược Chí 1960).
. Kích thích sữa ra, trị sản hậu sau khi sinh bị thiếu sữa (Thanh Đảo Trung Thảo Dược thủ Sách).
Kiêng kỵ :
. Ít tác dụng phụ, duy chỉ có ăn nhiều là dễ tổn thương tân dịch (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều dùng :
. Bỏ vỏ, giã dập, dùng sống, 30 -60g.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
. Trị tắc tia sữa: Vỏ Phỉ tử, nghiền bột, uống – Sắc uống, có kết quả (Thực Dụng Trung Y Học).
. Trị sán:
+ Hạt bí ngô, bóc vỏ cứng, để nguyên màng xanh bên trong. Người lớn dùng 100g nhân (giã nát). Thêm 50-100g mật hoặc xi rô hoặc đường và trộn đều. Ăn lúc đói, hết cả liều này trong vòng 1 giờ, nằm nghỉ, 3 giờ sau, uống thuốc tẩy muối. Khi muốn đi tiêu, ngồi trong một chậu nước âm ấm cho sán dễ ra.
Trẻ nhỏ 3-4 tuổi, ăn 30g; 5 – 7 tuổi ăn 50g; 7 -10 tuổi, ăn 75g (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Hạt bí ngô để cả vỏ cứng, giã hoặc xay nhỏ, thêm 200ml nước, đun nhỏ lửa hoặc đun cách thuỷ trong 2 giờ, lọc qua gạc. Hớp bỏ lớp dầu trên mặt. Có thể thêm ít đường. Uống hết trong vòng 20-30 phút vào lúc đói (nên thụt tháo ruột trước). 2 giờ sau khi uống thuốc, uống một liều thuốc xổ (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Sáng sớm lúc đói bụng, ăn60-120g hạt Bí ngô (cả vỏ) [ nếu bỏ vỏ đi, chỉ ăn 40-100g thôi]. Hai giờ sau, uống nước sắc hạt Cau (trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, uống 30g, phụ nữ và đàn ông nhỏ con uống 50-60g, người to con uống 80g). cách chế: Cho hạt Cau với liều lượng trên vào, nấu với 500ml nước, còn 150-200ml. thêm dung dịch Gelatin 2,5% vào cho đến khi hết kết tủa (để loại hết Tanin đi), lắng gạn, lọc. Nấu sôi còn 150-200ml, uống. Nửa giờ sau sau khi uống hạt Cau, uống một liều thuốc tẩy (30g Magiê sulfate). Nằm nghỉ, khi muốn đi tiêu, ngồi vào chậu nước ấm, nhúng cả mông vào (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị sán móc: Nam qua tử, Thạch lựu bì đều 30g. sắc,  chia làm 3 lần uống, liên tục 2 ngày (Tứ Xuyên Trung Dược Chí 1960).
+ Trị sán móc: Nam qua tử 60-120g, bỏ vỏ, ăn sống, hoặc sao lên, tán bột. Ăn hết vào lúc sáng sớm, bụng đói. Sau khi ăn ½ giờ, lấy hạt Cau 60-120, Thạch lựu bì 30g, sắc uống. Hai giờ sau nếu không đi đại tiện được, dùng 6-9g Mang tiêu, hoà nước uống (Sơn Đông Trung Thảo Dược Thủ Sách).
+ Trị trẻ nhỏ có giun đũa: Hạt bí ngô 30g, Cửu thái diệp 30g, nước Trúc lịch 60g. Hoà chung uống (Hồ Nam Dược Vật Chí).
+ Trị nội trĩ: Nam qua tử 1kg, nấu lấy nước xông, mỗi ngày 2 lần, liên tục nhiều ngày (Lãnh Nam Thảo Dược Chí).
+ Trị doanh vệ không tốt, da mặt vàng úa: Nam qua tử, Hoa sinh nhân, Hồ đào nhân, sắc uống (Tứ Xuyên Trung Dược Chí 1960).
Tham khảo :  
. Nam qua vị ngọt, khí ấm, thể nhuận chất trơn, ăn thì khiến người ta bị khí trướng đầy, thấp sinh, cho nên sách ghiiằng vị thuốc này là hạ phẩm, là vật để ăn không đáng kể. Nói chung người bị cước khí không nên dùng. Ăn vào thì sinh ra thấp, khí bị ủng tắc, vàng da, thấp tý. Ăn Bí ngô cùng thịt dê tgì thấp sinh, khí ủng tắc, bệnh càng nặng hơn, chỉ có trường hợp bệnh Thái âm thấp thổ, miệng khát, lưỡi khô, uống mới có ích. Còn như sách kinh chép rằng nó bổ trung ích khí hoặc trong Vị tân dịch khô kiệt, được vị này thì tân dịch hồi, khí lại phục, gọi là bổ ích chăng? Nếu không thì khó mà lý giải được (Bản Thảo Cầu Chân).
. Nam qua thu hái sớm thịt quả non, có thể chống đói. Vị của nó ngọt, tính ôn nên chống được đói. Ăn chung với thịt Dê thì khí sẽ bị trệ. Loại thu hái muộn thì ngọt, tính mát, bổ trung tiêu,  ích khí, lại có thể làm bột để làm thành bánh, tẩm mật làm bánh ăn (Tuỳ Tức Cư Ẩm Thưục Phổ).
. (Ngày xưa) chủ trị của Bí ngô chỉ nói là bổ trung ích khí mà thôi, hạt ăn thì bị rụng tóc, người đời nay dùng làm rau, ăn nhiều thì bị ủng tắc, khí bị trệ ở hoành cách mô, đó là điều người xưa chưa biết đến bc
. Cách chung, dưa, bí khi chín đều rụng cuống, riêng Bí ngô khi chín thì cuống chắc, không rụng, người xưa từng dùng vào trong thuốc để giữ thai. Rất thần diệu (Ngô Tú Phong).
. Bí ngô, phần nhiều là hình cầu, dẹt, mới đầu màu xanh lục, sau đổi sang màu vàng cam, trong ruột chứa rất nhiều hạt hình bầu dục dẹt. Bí ngô ngọt, ôn, hay ích khí no lâu, ăn nhiều có thể làm cho người ta đầy hơi sinh ra thấp. Hạt Bí ngô có tác dụng sát trùng, có thể tẩy được sán. Núm bí ngô cứng, không thể  long ra được, người xưa đã từng dùng để cho vào thuốc giữ thai (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét