NGÔ CÔNG


Con Rết giống con Cuốn chiếu nhưng to và dài hơn nhiều. Thân dẹt, dài tới 13cm, hay hơn, chừng 20 đôi chân.

NGÔ CÔNG    蜈  蚣
Scolopendra morsitans L.

Xuất xứ : Bản Kinh.
Tên khác : Tật lê (Nhĩ Nhã), Thiên long  (Bản Thảo Cương Mục), Xích túc ngô công (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Bách cước (Dược Tài Học), Bách túc trùng, Thiên túc trùng (Sơn Đông Dược Dụng Động Vật).
Tên khoa học : Scolopendra morsitans L.
Họ khoa học : Rết (Scolopendridae).
Mô Tả : Con Rết giống con Cuốn chiếu nhưng to và dài hơn nhiều. Thân dẹt, dài tới 13cm, hay hơn, chừng 20 đôi chân.
Địa lý : Thường sống hoang dại nơi ẩm.
Bộ phận dùng : Dùng cả con hoặc bỏ đầu, bỏ chân.
Thu hoạch, Sơ chế :
Bào chế : Theo Trung Y:  Dùng Ngô công thì lấy mùn cưa hoặc mọt trong gỗ cùng sao cho mùn  cưa cháy đen, bắc ra sàng bỏ mùn cưa, lấy dao tre cắt bỏ chân và vảy  mà dùng (Bản Thảo Cương Mục).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
+ Bào chế để dùng ngoài: dùng ngoài thì để cả con.
+ Ngâm rượu 90o càng lâu càng tốt để trị mụn nhọt.
Làm cao dán ngoài thì đun sôi dầu và sáp ong rồi cho bột ngô công tán nhỏ  vào quấy đều lên. Cho vào lọ rộng miệng để nguội, hoặc có thể phối hợp với con  bọ hung, đồng lượng, cả hai con đều tán bột, nấu như trên.
1 + Bào chế để uống: rửa sạch, bỏ đầu, đuôi và chân. Tẩm rượu để mất mùi  hôi, rồi lại tẩm gừng, sao với gạo nếp (gạo đã tẩm ướt) khi gạo vàng đều  là được hoặc gói vào lá sen rang lên, khi lá sen vàng là được. Sau đó tán  bột đựng lọ kín.
Ghi chú: loại dùng làm thuốc có thể ăn được. Bắt được thì lấy nước nóng già đổ vào cho nó đái, mửa, ỉa, rửa nhiều lần như vậy, rồi muối như cá để ăn.
Bảo quản: để nơi khô ráo, kín. Tránh làm gẫy, tránh ẩm, nát, sâu bọ.
Thành phần hóa học :
+ Toàn con Rết có 2 loại nọc độc giống như nọc độc của con ong, tức là giống như chất Histamin và Protid tán huyết. Ngoài ra, còn có Delta-Hydroxylysine, Taurine, acid amin, dầu mỡ, Cholesteron (Trung Dược Học).
+ Formic acid, Delta-Hydoxylysine, Histidine, Arginine, Ornithine, Lysine, Glycine, Alanine, Valine, Tyrosine, Leucine, Phenylanine, Serine, Taurine, Glutamine(Trung Quốc Dược học Động Vật Chí 1983 : 87).
+ Myrisitc acid, Palmitic acid, Oleic acid, Linoleic acid, Arachidic acid, Palmitoleic acid (Xích Trình), Trung Thảo Dược 1992, 23 (2) : 104).
Tác dụng dược lý :
. Tác dụng chống co giật: Ngô công và Toàn yết cùng dùng với liều lượng bằng nhau, có tác dụng chống cơn co giật do Strychnine trên chuột thực nghiệm (Trung Dược Học).
. Tác dụng kháng khuẩn: Ngô công có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với trực khuẩn lao và nấm ngoài da (Trung Dược Học).
. Có tác dụng kháng hoạt tính ung thư  (Trung Dược Học).
. Có tác dụng tiêu viêm (Trung Dược Học).
Độc tính:
. Thuốc gây tán huyết, choáng, dị ứng. Lượng nhỏ hưng phấn cơ tim, lượng lớn gây tê liệt tim, ức chế trung khu hô hấp (Trung Dược Học).  
Triệu chứng ngộ độc: Nôn mửa, nuốn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mỏi toàn thân, mạch chậm, hồi hộp, khó thở, tụt huyết áp, hôn mê.
Giải độc:
. Phượng vĩ thảo, Kim ngân hoa đều 100g, Cam thảo 20g. Sắc, chia 2 lần  uống. Cách 4 giờ uống 1 lần, ngày uống2 thang.
. Mạch chậm, khó thở: cho dùngNhân sâm, Phụ tử, Ngũ vị tử, cam thảo đều 10g, sắc, chia 2 lần uống. 4 giờ uống 1 lần, ngày 2 thang  (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
Tính vị :
+ Vị cay, tính ôn (Bản Kinh).
+ Vị cay, tính hơi ôn (Ngọc Thu Dược Giải).
+ Vị cay, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy kinh :
+ Vào kinh túc Quyết âm Can (Bản Thảo Cương Mục).
+ Vào kinh Can, Tâm (Y Lâm Soạn Yếu Thâm Nguyên).
+ Vào kinh Can (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng, Chủ trị :
+ Trị phong, trấn kinh. Dùng trong trị kinh phong, co giật, phong đòn gánh. Dùng ngoài giải độc rắn cắn, trị vết rắn cắn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Kiêng kỵ :
+ Các chứng như miệng khô, khát, phụ nữ có thai: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều dùng : 1,5 – 3g hoặc 2-4 con.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị  trẻ em cấp kinh (kinh giật cấp tính): Ngô công (bỏ chân, sao vàng), Đơn sa, Khinh phấn. Tán nhỏ, mỗi lần dùng 1,2 phân uống với nước sôi (Vạn Kim Tán - Thánh Huệ Phương).
+ Trị trúng phong liệt mặt: Toàn yết 3g, Bạch phụ tử 10g, Bạch cương tằm 10g. Tán bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3g với rượu (Khiên Chính Tán – Dương Thị Gia Tàng Phương).
+ Trị trẻ nhỏ co giật, uốn ván, động kinh, liệt mặt: Ngô công, Toàn yết, Chu sa, lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 0,5 – 1,5g với nước ấm (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị uốn ván: Ngô công, Nam tinh (chế), Phòng phong, Bong bóng cá, lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần uống 2-4g với rượu (Ngô Công Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị uốn ván: Khương hoạt, Xuyên khung, Đại hoàng, Bán hạ, Phòng phong, Xuyên ô (chế), Cương tằm, Nam tinh (chế), Bạch chỉ đều 10g, Ngô công 3 con, Thuyền thoái 10g, Bạch phụ tử 12g, Toàn yết 10g, Thiên ma 10g, Cam thảo 10g. Sắc lấy 600ml nước. Thêm Hổ phách, Chu sa mỗi thứ 3g, tán bột. Chia làm 3 phần. Mỗi lần uống 1 phần với 200ml nước sắc. Cách 6-8 giờ uống một lần (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị liệt mặt, trẻ cấm khẩu không bú được: Ngô công 1 con (1-2g), Cam thảo 3g. Tán bột, uống với nước đun sôi để nguội (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị mụn nhọt, chốc lở, vết rắn cắn: Rết sống 8 phần, Muối ăn 2 phần, ngâm vào dầu mè trong 2 tuần, lấy dầu đó bôi lên mụn nhọt, vết thương (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị trẻ nhỏ bị kinh phong: Toàn yết 3g, Ngô công 4,5g, Cương tằm 6g, Câu đằng 12g, Chu sa 3g, Xạ hương 0,1g. Tán bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3g (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Trị mụn nhọt, vết thương sưng: Ngô công sống 2 con, ngâm vào 500ml cồn 75%, thêm ít Hồng hoa, ngâm trong 7 ngày. Lấy rượu này bôi lên vùng sưng. Theo dõi 600 ca, kết quả tốt (Trung Tây Y Kết Hợp Đích Tạp Chí 1988, 9 : 566).
+ Trị viêm hạch lâm ba hàm mặt: Khoa răng hàm mặt bệnh viện Hữu Nghị Bắc Kinh dùng Ngô công sao vàng, tán bột. Người lớn uống 3-9g, trẻ nhỏ giảm liều, sắc uống. Đã theo dõi 226 ca, có kết quả nhất định (Xích Y Sinh Tạp Chí 1979, 10 : 16).
+ Trị lao khớp: Ngô công 6g, Toàn yết 9g, Thổ miết giáp 9g. Tán bột. Mỗi lần uống 3g chung với trứng gà (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị ung thư gan sưng đau: Ngô công, tán bột. Mỗi lần uống 1,5-3g chung với trứng gà (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị ung thư dạ dày, thực quản: Ngô cong 20 con, Hồng hoa 6g, ngâm với 500ml rượu trắng 60o trong 26 ngày. Uống với nước sôi nguội (tiẻ lệ 6 : 4) hoà loãng (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị mụn nhọt, áp xe vú: Rết (liều kượng không giới hạn), ngâm vào rượu hoặc cồn 90o trong 2 tuần. Dùng để bôi ngoài da (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Tham khảo :     
+ Câu đằng, Bạch cương tàm tính rất bình mà sức thuốc lại nhẹ, dùng cho chứng phong co giật nhẹ; Toàn yết tính bình, sức thuốc cũng mỏng manh, dùng cho chứng co giật tương đối nặng; Ngô công tính mạnh, sức thuốc mạnh, dùng cho chứng co giật nặng, nếu rất nặng thì đồng thời dùng cả Toàn yết và Ngô công. Dùng Toàn yết mà không chặn được phong, dùng Ngô công thường có hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý có trường hợp nên dùng hoặc không nên dùng. Có trường hợp nên dùng hay không nên dùng: kinh phong biểu hiện bằng nhếch mép chép miệng là nặng nhất, trường hợp này nên dùng Ngô công, còn co giật thường nên dùng Toàn yết cũng có thể được. Ngô Công tính mãnh liệt, dữ dội, có thể làm cho huyết dịch hóa táo (ráo nóng), cho nên bất đắc dĩ mới dùng, trúng bệnh thì thôi, không được dùng liên tục (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Hai loại Ngô công và Toàn yết: Ngô công chống co giật, giảm đau mạnh nhưng có độc mạnh, vì vậy, dùng uống thường dùng Toàn yết, còn Ngô công thì dùng ngoài nhiều hơn  (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét