NGƯU TẤT


Cây thảo, cao khoảng 1m. Thân mảnh, hơi vuông, lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên lá dài 5-12cm, rộng 2-5cm.

NGƯU TẤT   牛 膝
Achyranthes bidentata Blume.

 Xuất xứ : Bản Kinh.
Tên khác :  Bách bội (Bản Kinh), Ngưu kinh (Quảng Nhã), Thiết Ngưu tất (Trấn Nam Bản Thảo), Thổ ngưu tất (Bản Thảo Bị Yếu), Hoài ngưu tất (Bản Thảo Tiện Độc), Hoài tất Thường Dụng Trung  Dược Danh Biện), Hồng ngưu tất (Giang Tây, Tứ Xuyên), Ngưu khái tất, Ngưu khắc tất (Thiểm Tây, Tứ Xuyên), Hoài ngưu tất, Xuyên ngưu tất, Ngưu tịch, Tiên ngưu tất, Thổ ngưu tất (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tên khoa học : Achyranthes bidentata Blume.
Họ khoa học : Giền (Amaranthaceae).
Mô tả : Cây thảo, cao khoảng 1m. Thân mảnh, hơi vuông, lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên lá dài 5-12cm, rộng 2-5cm. Hoa tự mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Hiện Việt Nam nhập giống Ngưu tất của Trung Quốc.
            Không nhầm với Cỏ xước (Achyranthes aspera L.)
Địa lý :  Chủ yếu trồng  ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Việt Nam còn phải nhập.
Thu hái, Sơ chế : Vào tháng 11, khi cây bắt đầu úa vàng. Rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận dùng : Thân rễ. Loại rễ to, dai, mềm, vết bẻ mầu vàng nâu là loại tốt. Thứ rễ không đều, cứng, vết bẻ mầu trắng tro, mạch nhiều gân là loại kém.
Mô tả dược liệu: Xuyên Ngưu tất hình trụ, tròn, dài nhưng hơi cong, phần trên lớn, có đầu rễ phình to, phần dưới nhỏ dần, dài 33-66cm, đường kính đầu rễ 0,7-2cm. Mặt ngoài mầu đen tro hoặc mầu vàng nâu, có nếp nhăn dọc và vết cắt của rễ phụ. Chất cứng, dai, khó bẻ gẫy, mặt bẻ mầu vàng nâu, có xen vào mạch gân mầu trắng tro hoặc mầu vàng, sắp xếp thành từng lớp hình vòng tròn. Càng lâu năm gân càng nhiều, rễ cứng, vằn tròn, ánh trắng. Không mùi, vị ngọt, hơi đắng (Dược Tài Học).
Bào chế :
+ Cắt bỏ thân, rễ tơ, bó từng nắm, phơi đến khi nhăn khô, xông bằng Lưu hoàng vài lần, cắt bằng đầu, phơi khô là được (Dược Tài Học).
+ Rửa sạch, phơi khô trong râm. Dùng sống hoặc tẩm với rượu hấp qua rồi dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Bảo quản : Để nơi khô ráo.
Thành phần hóa học :
+ Oleanic acid, a-L-Rhamnopyranoside (Chu Hòa, Trung Dược Chí 1987, 18 (4) : 161).
+Glucuronic acid,  Galactose, Galacturonic acid, Arabinose, Rhamnose, Glycine, Glutamic acid, Aspartic acid, Serine (Phương Tích Niên, Dược Học Học Báo 1990, 25 (7) : 528).
+ Oleanic acid, a-L-Rhamnopyranoside (Nikolov S, và cộng sự C A, 1992, 116 : 18355t).
+ Ecdysterone, Inokosterone (Tiểu Xuyên Tuấn Thái Lang, Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1971, 91 (10) : 29).
+ Rubrosterone (Hikino Hiroshi và cộng sự, C A 1972, 76 : 23177w).
+ Arginine, Threonine, Proline, Tyróine, Trytophan, Valine, Phenylalanine, Leucine (G Bish và cộng sự, J Indian Chem Soc, 1990, 67 : 1002).
Tác dụng dược lý :
+ Tác dụng đối với tử cung: Tác dụng của Ngưu tất đối với tử cung của súc vật có sự khác biệt đôi khi tùy thuộc vào tình trạng mang thai của súc vật. Nước sắc Ngưu tất  luôn gây nên sự co thắt tử cung đối với thỏ và chuột nhắt trong khi đó nó lại gây nên  thư giãn ở tử  cung không có thai của mèo và co thắt đối với tử cung mèo có thai. Ngưu tất dùng tại chỗ gây nên giãn xương cổ ở phụ nữ (Trung Dược Học).
+Tác dụng đối với vị trường: Nước sắc Ngưu tất ức chế nhu động ruột của chuột nhắt nhưng lại làm tăng co bóp ruột ở heo. Chích dịch Ngưu tất vào tĩnh mạch chó và thỏ làm tăng co bóp dạ dầy nhất thời (Trung Dược Học).
+ Tác dụng đối với tim mạch: Dù chích nước sắc hoặc dịch chiết acol của Ngưu tất cho chó, mèo và thỏ làm giảm huyết áp, ức chế sự giãn mạch của tim và ngoại vi (Trung Dược Học).
+ Tác dụng giảm đau: Chích dịch chiết Ngưu tất vào màng bụng chuột nhắt, gây nên trạng thái bong gân nhân tạo, thấy có tác dụng giảm đau yếu hơn của Morphin (Trung Dược Học).
+ Nước sắc Ngưu tất có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp Protein. Dịch chiết cồn Ngưu tất có tác dụng ức chế tim ếch cô lập, làm giãn mạch, hạ áp, hưng phấn tử cung có thai hoặc không có thai. Thuốc có tác dụng lwoin tiểu, làm hạ đường huyết, cải thiện chức năng gan, hạ Cholesterol máu (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Tính vị :
+ Vị đắng (Bản Kinh).
+ Vị chua, tính bình, không độc (Biệt Lục).
+ Vị chua, hơi cay, tính hơi ôn (Trấn Nam Bản Thảo).
+ Vị đắng, chua, tính bình (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Vị đắng, chua, tính bình (Đông Dược Học Thiết Yếu).  
Quy kinh :
+ Vào kinh Can, Thận (Bản Thảo Cương Mục).
+ Vào 3 kinh âm ở chân [Can, Thận, Tỳ] (Bản Thảo Hối Ngôn).
+ Vào kinh Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng :
+ Bổ Can, Thận, cường cân cốt, hoạt huyết, thông kinh, dẫn huyết (hỏa) đi xuống, lợi thủy, thông lâm (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Tư can, trợ thận, trục ứ huyết đi xuống (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Phá huyết,hành ứ, cường tráng gân cốt, tả hỏa, lợi niệu (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Chủ trị :
+ Dùng sống thì phá huyết, tiêu viêm, kinh nguyệt không đều, hạ bộ bị nhọt độc, tiểu gắt, tiểu buốt, dịch hoàn đau. Chế biến thì có tác dụng mạnh gân xương, trị đầu gối đau kông thể co duỗi được (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Kiêng kỵ :
+ Kỵ thịt trâu (Dược Tính Luận).
+ Có thai không dùng (Phẩm Hối Tinh Yếu).
+ Khí hư hạ hãm, đùi và gối sưng đau: đại kỵ (Bản Thảo Tùng Tân).
+ Tính của Ngưu tất thường giáng xuống mà không đưa lên, vì vậy phàm chứng nguyên khí bị hãm xuống, băng huyết, di tinh, hoạt tinh, theo phép phải cấm hẳn. Bệnh mộng tinh, di tinh mà dùng lầm Ngưu tất thì bệnh càng thêm nặng  (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Khí hư hạ hãm, di tinh, băng huyết, rong huyết, đau từ ngang lưng trở lên: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Trung khí hạ hãm, tiêu chảy do tỳ hư,  hạ nguyên không chặt, mộng tinh, hoạt tinh, kinh nguyệt ra nhiều, có thai: kiêng dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Di tinh, mộng tinh, tiêu chảy do Tỳ hư, có thai, kinh nguyệt ra nhiều: Kiêng dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Liều dùng :  6 - 20g.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị lao ngược lâu không khỏi: Ngưu tất (sống) 1 nắm, thái ra, sắc với 6 thăng nước, còn 2 thăng. Chia làm 3 lần uống (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị thình lình bị chứng trưng, trọng bụng đau như đá đâm, đau cả ngày đêm: Ngưu tất 2 cân. Dùng rượu 1 đấu, thêm ít Mật ong, chưng lên, để nguội. Mỗi lần uống 5 hợp đến 1 thăng (Trữu Hậu phương).
+ Trị lỵ, trường trùng, các loại lỵ mà lúc đầu trắng sau đó đỏ: Ngưu tất 80g, thái ra ngâm với 1 thăng rượu 1 đêm. Mỗi lần uống 1 ly, ngày 3 lần (Trửu Hậu phương).
+ Trị lãnh tý, chân và gối không có sức: Ngưu tất (tẩm rượu) 40g, Quế (bỏ vỏ) 20g, Sơn thù 40g. Tán bột. Mỗi lần uống 8g  với rượu ấm, lúc đói (Thánh Huệ phương).
+ Trị gân xương đau nhức, lưng đau, chân tay tê: Ngưu tất 8g, Đỗ trọng (sao nước muối) 8g, Hạ khô thảo 4g, Hương phụ (nướng với Đồng tiện) 4g, Phá cố chỉ (sao nước muối) 4g, Đào nhân (dùng nhục, nghiền nát) 2 trái. Sắc, thêm ít rượu, uống (Trấn Nam Bản Thảo).
+ Trị cước khí, không ăn uống được: Ngưu tất (tẩm rượu), Tế tân, Não sa, đều 40g. Tán bột. Mỗi lần uống 8g với rượu ấm. ngày 1 lần (Ngưu Tất Tán - Thánh Tế Tổng Lục).
+ Trị cước khí do can thấp: Ngưu tất, Nhục thung dung, Thiên ma, Mộc qua đều 1 cân, băm nát. Ngâm với  5 thăng rượu tốt 1 đêm, vớt ra, sấy khô, tán nhuyễn. Lấy rượu đã ngâm đó đun sôi cho đặc lai thành cao, hòa thuốc bột, làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. mỗi lần uống 30 viên  với rượu ấm, lúc đói, trước bữa ăn (Tứ Cân Hoàn - Phổ Tế phương).
+ Trị sốt rét, sau khi khỏi mà khí huyết suy yếu: Ngưu tất 8g, Đương quy , Trần bì đều 12g, ngâm vớí 1 bát rượu tốt 1 đê. Sáng sớm hôm sau, nấu còn 8 phân, uống ấm (Ngưu Tất Tiễn - Cảnh Nhạc Toàn Thư).
+ Trị kinh nguyệt không thông: Ngưu tất 20g, sắc, hòa với rượu nếp uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị sinh khó, thai chết không ra: Hồng hoa, Xuyên khung đều 6g, Ngưu tất 16g, Đương quy 12g, Nhục quế (để riêng) 4, Xa tiền tử 12g. sắc, hòa bột Quế vào, uống  (Thoát Hoa Tiễn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị kinh bế, bụng đau do kinh bế: Ngưu tất, Đương quy, Đào nhân, Diên hồ sách, Đơn bì đều 12g, Quế tâm, Mộc hương đều 6g. tán bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 12g với rượu ấm (Ngưu Tất Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Phòng chống bệnh bạch hầu: Ngưu tất tươi 7 phần, Cam thảo 3 phần. Sắc uống thay trà (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị tiểu buốt, sỏi đường tiểu: Đương quy 8g, Ngưu tất, Cù mạch, Thông thảo, Hoạt thạch, Đông quỳ tử  đều 12g. sắc uống ( Ngưu Tất Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị 2 chân yếu, mỏi, tê, đau do thấp nhiệt: Ngưu tất 12g, Hoàng bá 8g, Thương truật12g. Tán bột, trộn hồ làm viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g với nước Gừng và muối (Tam Diệu Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị thổ huyết, chảy máu cam: Ngưu tất, Đại giả thạch, Tiên hạc thảo, lượng bằng nhau. Trị chảy máu cam 100 ca, uống trung bình trên dưới 10 thang đều khỏi (Quách Trung, Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1984, 19 (7) : 305).
+ Trị tử cung xuất huyết cơ năng: Xuyên ngưu tất, mỗi ngày 30-45g, sắc uống. Trị 23 ca, uống liên tục 2-4 ngày hết xuất huyết. Trường hợp xuất huyết lâu ngày, uống tiếp thêm 5-10 ngày để củng cố kết quả (Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1982, 17 (2) : 86).
+ Trị lactoza niệu (Lactosurie): Ngưu tất 90-120g, Hạ rau cần 45-60g, sắc 2 lần, trộn đều, chia làm 2 lần uống. Uống 6 thang khỏi, 3 tháng thấy có kết quả. Trị 21 ca, kết quả khỏi 86% (Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1989, 6: 40).
Tham khảo :  
+ Ngưu tất thường dẫn thuốc đi xuống, gân xương đau nhức ở phía dưới, có thể gia giảm mà dùng. Nếu dùng Thổ ngưu tất, vào mùa xuân, hạ thì dùng lá, mùa thu, đông thì dùng rễ (Đan Khê Tâm Pháp).
+ Ngưu tất tính chuyên chủ đi xuống mà trơn khiếu, cho nên có khả năng dẫn mọi thứ thuốc đi xuống rất mạnh. Phàm bệnh ở hạ bộ như thắt lưng, đùi đều phải dùng đến nó. Tính nó chạy mà lại bổ được, mạnh phần âm, thêm tinh, là thuốc chủ yếu của Can, Thận. Nó lại có thể dẫn hỏa đi xuống, thật là loại thuốc để nén trọc khí xuống mà lọc sạch Thận khí  (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Vị thuốc này chỗ nào cũng có nhưng chỉ có Ngưu tất ở vùng Hoài Khánh tỉnh Hà Nam và vùng Xuyên Trung tỉnh Tứ Xuyên là tốt. Vì đất đai khác nhaunên tác dụng của thuốc cũng khác nhau. Hoài Ngưu tất rễ nhỏ mà dài; Xuyên Ngưu tất rễ thô mà to. Muốn bổ Can, thận, trị dầu gối đau thì dùng Hoài Ngưu tất hay hơn. Muốn trừ phong thấp, trị tê đau thì dùng Xuyên Ngưu tất hay hơn. Còn Tiên Ngưu tất, Thổ Ngưu tất chuyên về đi xuống, giáng thực hỏa, trị họng đau, miệng lưỡi lở loét, chân răng sưng đau do vị hỏa bốc lên đều có thể dùng được (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Ngưu tất có 2 loại: Hoài Ngưu tất có tác dụng bổ Can Thận, mạnh gân xương hơn và Xuyên ngưu tất có tác dụng thông lợi quan tiết, hoạt huyết, thông kinh hơn. Vì vậy, các chứng ứ huyết, trở trệ, kinh mạch không thông thường dùng Xuyên ngưu tất; Các chứng Can Thận suy, lưng đau, gối mỏi thường dùng Hoài ngưu tất (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét