SƠN DƯỢC


Loại dây leo có 1-2 rễ củ mập, hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30-50cm, có thể đến 1m, ăn sâu xuống đất.

SƠN DƯỢC    山 藥
Dioscorea persimilis Prain et Burkill.

Xuất Xứ : Bản Kinh.
Tên Khác : Chư dự, Chư thự dự ( Sơn Hải Kinh ), Thự dự, Sơn vu ( Bản Kinh ), Chư thư, Ngọc duyên, Nhi thảo, Tu thúy ( Ngô Phổ Bản Thảo), Sơn chư (Biệt Lục), Duyên thảo (Kiêm Các Uyển), Vương liễu ( Tạp Yếu Quyết), Thự dược  (Thanh Dị Lục ), Hoài sơn dược ( Ẩm Phiến Tân Sâm), Sơn thự, Sơn dự, Ngọc thảm, Ngọc duyên, Nhi thảo, Thự dư, Dư tử, Thự dự, Dự dược, Thự lương, Ngân điều đức lý, Bạch cưu thi ( Hòa Hán Dược Khảo), Sơn dược, Hoài sơn dược, Khảo sơn, Sao sơn dược, Hoài sơn dược (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển),   Xà vu (Triết Giang Trung Dược Thủ Sách), Dã sơn đậu ( Giang Tô Thực Dược Chí), Sơn bản truật ( Quảng Tây Trung Dược Chí), Bạch điều ( Tứ Xuyên Trung Dược Chí), Cửu hoàng khương, Dã bạch thự (Hồ Nam Dược Vật Chí), Lậu tử thử, Phật chưởng thử ( Dược Tài Học), Bạch dược tử ( Hàng Châu Dược Thực Chí), Củ mài, Khoai mài (Dược Liệu Việt Nam).
Tên Khoa Học Dioscorea persimilis Prain et Burkill ( Dioscorea oppositaThunb.)
Họ Khoa Học  : Họ Củ Mài (Dioscoreaceae).
Mô Tả : Loại dây leo có 1-2 rễ củ mập, hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30-50cm, có thể đến 1m, ăn sâu xuống đất. Thân dài, nhỏ, dài trên 3m, nhẵn, không lông, thường mang những củ ngắn, nhỏ, ở kẽ lá.Lá đơn, mọc đối hoặc  so le, hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn, dài 8-10cm, rộng 6-8cm, , cuống lá dài 1,5 - 3,5cm, gân lá hình lưới, tỏa ra từ gốc. Cụm hoa hình chùm, ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, mầu vàng, hoa đực và hoa cái  khác gốc, bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau, cụm hoa đực dài 40cm, cụm hoa cái cong, dài tới 20cm. Dưới đất có củ, phần trên nhọn, phần dưới có hình như chiếc dùi cui, dài khoảng 30 - 65cm, đường kính khoảng 7-10cm. Vỏ ngoài mầu nâu, vỏ mỏng và sù sì, mọc nhiều rễ phụ, mặt cắt ngang không đều, mấu trắng hoặc  trắng vàng, có nhựa, không mùi.
Mùa hoa : tháng 5-7; mùa quả : tháng 8-10.
Địa Lý : Tại Trung quốc, có nhiều vùng trồng như Hà Bắc, Sơn Đông cho đến Quảng Tây nhưng ở Hà Nam có sản lượng cao nhất, chất lượng cũng tốt nhất. Sơn dược ít thấy ở Việt Nam nhưng Việt Nam có nguồn dự trữ Củ mài tự nhiên tương đối lớn. Những  vùng có Củ mài là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng sơn và Bắc Thái. Ở miền Nam có nhiều ở Tây nguyên ( Gia Lai, Kon Tum, Đắc lắc, Lâm Đồng), Quảng Nam Đà Nẵng, Bình định, Phú Yên, Khánh Hòa và Sông Bé.
Phân Biệt :  Có nhiều loại Sơn dược khác nhau. Ngay tại Trung quốc có nhiều loại có tên như : Thái cốc, Thiết côn, Đại bạch bì, Tiểu bạch bì... trong đó loại Thái cốc có sản lượng cao nhất.
Tại Việt Nam bên cạnh Củ mài được chế biến thành Hoài sơn, còn có nhiều loại khác cho củ ăn được như Dioscorea Glabra Roxb.D. Pyrifolia Kunth; Dioscorea Decipiens Hook ; D. Intempestiva Var. Chevalierii. Prain et Burkill ; D. Intempestiva Prain et Burkill, D.Hamiltoni Hook ;  D. Brevipetiolata Prain et Burkill ;  D. Kratica Prain et Burkill. Những  loại này không chế biến thành Hoài sơn.
Thu Hái : Trồng Củ mài khoảng 10-12 tháng thì có thể thu hoạch được. Vào tháng 12-1 ( ở Trung quốc thường thu hoạch sau tiết Sương giáng), tốt nhất vào Thu Đông, vào đầu xuân, lúc cây tàn lụi, chỉ còn lại dây mang những chùm quả khô. Rễ Củ mài mọc dài cắm xuống đất vì vậy đào rất vất vả. Khi đào phải nhẹ tay, dùng thuổng nhỏ hoặc  dao nậy từng ít đất một để bộc lộ dần rễ củ. Củ mài làm thuốc cần được chế biến ngay không nên để tươi lâu quá 3 ngày, củ sẽ bị hỏng thối.
Phần Dùng Làm Thuốc : Thân rễ ( Rhizoma Dioscoreae).
Mô Tả Vị Thuốc : Thân rễ khô  có hình viên trụ, chính giữa hơi phình lớn, 2 đầu hơi nhỏ. Thường cắt thành đoạn dài khoảng 12-15cm, đường kính khoảng 15-19mm, Thuốc có mầu trắng sữa, trơn láng, có phấn, đôi khi phơi bầy những khe nhăn nhỏ và những điểm mầu nâu nhạt. 
Bào Chế : 
+ Củ Sơn dược, sau khi đem về, rửa sạch đất, ngâm vào nước sôi, dùng mảnh tre mỏng cạo vỏ ngoài, cạo xong cho vào sấy Lưu huỳnh (Cứ 100kg Hoài sơn, dùng 0,5kg Lưu huỳnh), sấy khoảng 8-10giờ. Khi nước  bốc hơi đi, củ sẽ mềm, đem phơi hoặc  sấy khô. Nếu thấy vỏ ngoài củ đã khô cứng thì ngưng phơi hoặc sấy mà cho ngay vào khay sấy Lưu huỳnh, đậy nắp lại để sấy. Sấy Lưu huỳnh 24 giờ, nước  bốc đi, Hoài sơn lại mềm. Khi đó lại đem phơi hoặc  sấy khô, khi thấy vỏ ngoài đã khô mới thôi. Làm  đi làm lại 3-4 lần cho đến khi khô hẳn là được. Khi sấy khô, lửa không nên nóng quá, dễ cháy hoặc  biến thành rỗng ruột. Trong quá trình chế biến củ phải phơi, sấy nhiều lần để củ khô đều cả trong lẫn ngoài thì phẩm chất mới tốt. Nếu sốt ruột muốn cho củ khô ngay thì sẽ bị hiện tượng trong ướt ngoài khô, nước  chưa bốc đi hết, trong giữa củ sẽ bị nát. Chế biến theo cách trên thành phẩm gọi là ‘Mao Sơn Dược’ (Trung Dược Đại Từ Điển).
            Ở tỉnh Tứ  Xuyên có cách chế biến đơn giản hơn như sau : Đem củ về, cho vào bể ngâm ( cứ 100kg Sơn dược tươi thì cho 1kg Lưu huỳnh với lượng nước  ngập củ là được. Ngâm 1 ngày 1 đêm vớt lên, rửa sạch, để khô, dùng Lưu huỳnh sấy cho tới khi giữa củ mềm là được. Sấy xong lại đưa vào bể ngâm 1 ngày, phơi rồi sấy bằng than là được (Trung Dược Đại Từ Điển).
            Cách bào chế đơn giản là : Rửa sạch, thái phiến, dùng sống hoặc  sao với cám ( Đông Dược Học Thiết Yếu).
            + Theo kinh nghiệm xuất khẩu của Việt Nam :
Muốn có Hoài sơn hình dáng đẹp để xuất khẩu, cần chế biến kỹ theo trình tự sau :
   1- Sấy Lưu huỳnh lần thứ  I : Sau khi gọt vỏ, đem xếp Củ mài vào lò sấy thưa và đan nhau để cho hơi Lưu huỳnh tỏa đều trên dược liệu ( cứ 100kg Củ mài, dùng 2kg Lưu huỳnh). Sấy 2 ngày 2 đêm, cần ủ lại 1 đêm rồi phơi nắng nhỏ hoặc  sấy nhẹ cho khô. Đem ngâm nước  lã 2 ngày 2 đêm rồi rửa sạch và phơi nắng đến khô.
   2-  Sấy Lưu huỳnh lần 2 : Xếp Hoài sơn vào lò sấy như lần trước rồi đốt Lưu huỳnh 1 ngày 1 đêm ( 100kg củ dùng 1kg Lưu huỳnh), đến khi dược liệu mềm như chuối, đem ủ trong vại, đậy bằng bao tải có nhúng nước. Đợi 1 ngày 1 đêm. Đem củ ra sửa cho đều rồi đặt lên ván mà lăn cho đến khi 2 đầu dược liệu lõm vào, đem phơi hoặc  sấy nhẹ cho gần khô, sửa và lăn lại lần nữa cho có hình dáng đẹp, mặt ngoài nhẵn bóng rồi phơi thật khô. Nhúng nhanh vào nước, dùng giấy nhám đánh cho bóng.
   3- Sấy Lưu huỳnh lần thứ 3 : trước khi đóng vào thùng, lại sấy Hoài sơn 1 lần với Lưu huỳnh nữa ( 100kg Củ mài dùng 200g Lưu huỳnh, sấy trong 1 ngày 1 đêm) rồi phân loại :
. Loại nhất  : 4 khúc.                  . Loại bốn  : 10 khúc.
. Loại nhì    : 6 khúc.                  . Loại năm : 12 khúc.
. Loại ba     : 8 khúc.            . Loại sáu  : 14 khúc.
            ( cho 500g trọng lượng ).
Hoài sơn tốt phải có mầu trắng bóng, không vàng, chất củ rắn chắc, không xốp, không có vết lỗ chỗ, không bị sâu mọt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Bảo Quản : Thuốc dễ bị mọt mốc vì vậy cần thường xuyên kiểm tra. Đậy kín để tránh ẩm.
Thành Phần Hóa Học :
+ Saponins, Choline, d-Abscisin II, Vitamin C, Mannan, Phytic acid (Trung Dược Học).
+ Trong Hoài sơn Trung quốc có Saponin, Muxin, Allantoin, Acid Amin, Acginin, Cholin, Maltaza, Vitamin C (5mg%) , d-Abcisin II,  Mannan, Acid Phytic (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trong Củ mài Việt Nam có 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75 chất đạm. Xét về mặt dinh dưỡng, Củ mài là 1 nguồn dự trữ rất quý, có giá trị dinh dưỡng cao, đứng hàng thứ 3 sau gạo và bắp (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Tác Dụng Dược lý :
   * Tăng đồng hóa và hướng sinh dục ( Gonodotrope) :  Thí nghiệm trên chuột cống trắng còn non, có cân nặng 45-60g, gồm cả đực và cái, cho ăn Hoài sơn dưới dạng bột với liều 20g/kg liên tiếp trong 28 ngày, lô chuột đối chứng cho ăn bột gọa. Đến ngày cuối cùng, cân lại trọng lượng chuột, giết chuột, bóc tách tử cung, buồng trứng ở chuột cống cái và tinh hoàn, tiền liệt tuyến, cơ nâng hậu môn ở chuột cống đực, cân tươi ngay trọng lượng các cơ quan trên và tiến hành so sánh trị số trung bình của lô dùng thuốc với lô đối chứng. Kết quả thí nghiệm cho thấy : với liều lượng dùng trên , Hoài sơn thể hiện các tác dụng sau :
  . Trên chuột cái  còn non : trọng lượng tử cung tăng 1 cách đáng kể so với lô chứng là 66% ( P< 0,001), còn đối với trọng lượng buồng trứng tuy có tăng (17,5%) nhưng không có ý nghĩa về mặt sác xuất thống kê.
   . Trên chuột cống đực, Hoài sơn còn có tác dụng làm tăng trọng lượng cơ nâng hậu môn 1 cách có ý nghĩa, so với đối chứng tăng 372% ( P< 0,001).
   . Đối với trọng lượng cơ thể chuột ( cả cái lẫn đực), Hoài sơn đều không có ảnh hưởng rõ rệt.
Căn cứ vào những kết quả trên cho thấy Hoài sơn có tác dụng làm tăng đồng hóa và hướng sinh dục trên chuột cống đực.
Dioscorea Batatas có khả năng tăng cường tác dụng của nội tiết tố sinh dục nam. Dịch chiết Hoài sơn làm tăng trọng lượng tuyến tiền liệt và túi tinh của súc vật thí nghiệm. Chất Mucin tồn tại trong Hoài sơn sau khi bị phân giải cho chất Protid và Hydrat Carbon, có tính chất bổ. Men có trong Hoài sơn ở nhiệt độ thích hợp (45-50o) có khả năng thủy phân chất đường rất lớn, trong Axit loãng trong 3 giờ có thể tiêu hóa 3 lần trọng lượng đường (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).        
Tính Vị :
. Vị ngọt, tính ấm ( Bản Kinh ).
. Tính bình, không độc ( Biệt Lục).
. Vị ngọt, tính mát mà nhuận ( Dược Tính Loại Minh).          
. Loại sống thì tính mát, loại chín thì mát mà ấm ( Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
. Vị ngọt, tính bình (Trung Dược Đại Từ Điển).
Quy Kinh :
+ Vào kinh Phế, Tỳ và Thận (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Vào kinh thủ thái âm [Phế] (Thang Dịch Bản Thảo).
+ Vào kinh thủ túc thái âm huyết phần  [Phế Tỳ] kiêm vào kinh túc thái âm kinh phần khí [Tỳ] ( Đắc Phối Bản Thảo).
+ Nhập Phế quy Tỳ ( Y Học Trung Trung Tham Tây Lục).
+ Vào kinh Tỳ, Phế và Thận ( Trung Hoa Nhân  Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
Tác Dụng :
. Bổ Tỳ, ích khí, trưởng cơ nhục, uống lâu ngày tai mắt đều rõ ( Bản Kinh ).
. Sung ngũ tạng, trừ phiền  nhiệt, cường âm ( Biệt Lục).
. Bổ ngũ tạng, thất thương, khứ lãnh phong, chỉ yêu thống, trấn tâm thần, bổ Tâm khí bất túc ( Dược Tính Luận).
. Ích Thận khí, kiện Tỳ Vị, chỉ tả lỵ, hóa đờm dãi, nhuận bì mao (Bản Thảo Cương Mục).     
. Bổ Thận, ích tinh ( Bản Thảo Kinh Độc).
. Bổ Tỳ, dưỡng Vị, sinh tân, ích Phế, bổ Thận, sáp tinh ( Trung Hoa Nhân  Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
. Kiện Tỳ, bổ Phế, cố Thận, ích tinh (Trung Dược Đại Từ Điển).
Chủ Trị :
+ Trị đầu phong, mắt hoa, hư lao, gầy ốm ( Biệt Lục).
+ Dùng sống giã nát đắp trị mụn nhọt, sưng độc ( Đan Khê Tâm Pháp).
+ Trị tiêu chảy lâu ngày không cầm, ho suyễn do Phế hư, di tinh do Thận hư, đới hạ, tiểu nhiều, tiêu khát thể hư nhiệt ( Trung Hoa Nhân  Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
+ Trị tiêu chảy do Tỳ hư, lỵ lâu ngày, hư lao, ho, tiêu khát, đới hạ, tiểu nhiều (Trung Dược Đại Từ Điển).
Kiêng Kỵ :
. Dùng Tử chi làm sứ, sợ Cam toại ( Bản Thảo Kinh Tập Chú).
. Dùng Nhị môn đông ( Mạch môn, Thiên môn) làm sứ ( Thang Dịch Bản Thảo).
. Không ăn chung với miến ( Bản Thảo Cầu Chân).
. Có thấp nhiệt thực tà : không dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
. Có thực tà, không dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
Liều Dùng :   12 - 24g.
Đơn Thuốc Kinh Nghiệm :
+ Bổ hạ tiêu hư lãnh, tiểu nhiều, tích tổn, không có sức : Thự dự, tán nhuyễn, cho vào hũ, lấy rượu chưng, uống lúc đói ( Thánh Huệ phương ).
+ Trị Tỳ Vị hư yếu, không muốn ăn uống : Sơn vu (dược), Bạch truật đều 40g, Nhân sâm 1,2g. Tán bột, trộn với hồ làm hoàn. Ngày uống 8-12g với nước  cơm, lúc đói ( Sơn Vu Hoàn - Thánh Tế Tổng Lục).
+ Trị thấp nhiệt hư tả : Sơn dược, Thương truật, lượng bằng nhau, làm hoàn, uống với nước  cơm ( Tần Hồ Kinh Nghiệm phương).
+ Trị cấm khẩu lỵ : Sơn dược khô, 1/2 sao hơi vàng, 1/2 để sống, tán bột, uống với nước  cơm ( Bách Nhất Tuyển phương ).
+ Trị ngực bụng hư nhiệt, tay chân quyết lãnh hoặc  uống phải thuốc có tác dụng đắng, sáp, mát, hễ ăn vào là ói, không muốn ăn uống, Tỳ Vị hư yếu : Sơn dược, độc vị, tán bột. 1/2 sao chín, 1/2 để sống, uống với nước  cơm ( Phổ Tế phương ).
+ Trị thủng độc : Sơn dưọc, Tỳ ma tử, Gạo nếp, lượng bằng nhau, tẩm nước , quết nhuyễn, bôi ngoài ( Phổ Tế phương).
+ Trị các chứng phong huyễn vựng, ích tinh tủy, tráng Tỳ Vị : Thự dự phấn ngâm với rượu gạo tốt hoặc  thêm Sơn thù, Ngũ vị tử, Nhân sâm, ngâm rượu uống ( Sơn Dược Tửu - Bản Thảo Cương Mục).  
+ Trị tiểu nhiều, tiểu không cầm : Sơn dược ( bỏ vỏ, dùng nước  Bạch phàn nấu qua, sấy lửa cho khô), Bạch phục linh ( bỏ vỏ đen ), lượng bằng nhau. Tán bột, uống với nước  cơm ( Nho Môn Sự Thân ).
+ Trị đờm khí thở suyễn : Sơn dược, giã nát, lấy 1/2 chén, thêm 1/2 chén nước  mía, trộn đều, chưng lên uống ( Giản Tiện phương ).
+ Trị vú kết hạch, các chứng đau lâu ngày, cứng mà không vỡ mủ : Sơn dược, Xuyên khung, giã nát, hòa với đường bôi bên ngoài ( Bản Kinh Phùng Nguyên ).
+ Trị ghẻ lở, nứt nẻ : Sơn dược, mài ra cho sền sệt, đắp vào trên miệng nhọt ( Nho Môn Sự Thân ).       
+ Trị di tinh, tiểu nhiều, bạch đới : Sơn dược, Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Khiếm thực, Táo nhân, Kim anh mỗi thứ 12g, Viễn chí, Ngũ vị tử đều 6g, Cam thảo 4g. Sắc uống. ( Bí Nguyên Tiễn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị phế quản viêm mạn  ( do Tỳ, Phế hư ) hoặc  lao phổi thể âm hư :
   . Sơn dược ( sống ) 100 - 200g, sắc uống như nước  trong ngày ( Nhất Vị Thự Dự Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
   . Hoài sơn 16g, Đảng sâm 16g, Mạch môn, Phục linh, Bách hợp đều 12g, Hạnh nhân, Chích thảo, Bối mẫu đều 10g, sắc uống  ( Hòa Phế Ẩm - Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng ).
+ Trị tiểu đường :
            .Hoài sơn 20g,  Hoàng kỳ, Sinh địa đều 16g, Mạch môn, Thiên hoa phấn đều 12g, sắc uống ( Sơn Dược Tiêu Khát Ẩm - Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
            . Sơn dược 24g, Hoàng kỳ, Cát căn, Thiên hoa phấn, Tri mẫu đều 12g, Kê nội kim 8g, Ngũ vị tử 6g. Sắc uống ( Ngọc Dịch Thang -  Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
            . Sơn dược 32g, Phúc bồn tử, Mạch môn, Thiên hoa phấn đều 12g. sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tham Khảo :
+ Sơn dược được thổ khí và hòa khí của mùa xuân, vì vậy vị ngọt thì bổ Tỳ, ích huyết, ấm bình thì bổ Can, Thận, vì vậy chữa được những chứng bệnh nói trên (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Sơn dược chính là  1 vị thuốc đại bổ Tỳ âm, vì vậy chủ trị hoàn toàn ở trung thổ như chữa thương trung ( Tỳ Vị bị tổn thương), bổ hư yếu, thì tà khí hàn nhiệt tức khắc phải tiêu diệt, hơn nuẵ có tác dụng bổ trung mà được khí lực, làm da thịt nẩy nở, mạnh được phần âm, do đó có tác dụng sáng tai mắt, nhẹ cơ thể...( Bản Thảo Sùng Nguyê ).
+ Sơn dược núi, củ tươi rất nhiều nhựa và dẻo dính, giỏi điều bổ Thận tinh lại giỏi ích Tỳ huyết, trợ Phế khí nữa. Hễ thuốc thuộc loại tốt ( thượng phẩm) đều là  những món ăn thường dùng chứ không phải đem ra chữa bệnh, thế mà người ta góp nhặt những vị thuốc thượng phẩm như vị này ( Sơn dược) và Nhân sâm, Thục địa, A giao, Thỏ ty tử, Sa uyển tật lê...hợp lại 1 bài để chữa đại bệnh, không biết rằng có bệnh mà không tìm cách chữa bệnh cho gấp, làm cho nguyên khí ngày 1 hao mòn, dần dà rồi phải chết. Nếu chỉ chữa bằng cách bổ dưỡng, cũng như lúa gạo là món ăn bổ Tỳ nhất, người Tỳ hư cứ bắt buộc phải ăn cho bổ thì lẽ tất nhiên là không thểbổ được. Vậy mà các danh y như Tiết Lập Trai, Trương Cảnh Nhạc, Phùng Sở Chiêm khởi xướng ra trước, bây giờ họ lại bị nhiễm thành thói quen, làm hại biết bao nhiêu mà kể ( Bản Thảo Kinh Độc).
+ Sơn duợc vẫn  là 1 món ăn, cổ nhân  dùng vào tễ thuốc, cho là có tác dụng bổ Tỳ, ích khí, trừ thấp, nhưng xét ra thì mầu trắng vào Phế, vị ngọt vào Tỳ, khí ấm mà lại bình, chính là bổ âm khí của Tỳ và Phế, vì vậy nhuận được da lông, sinh được da thịt, nếu ăn kèm với miến thì không bổ ích gì. So với Hoàng kỳ, vị ngọt ấm bổ khí dương , Bạch truật vị đắng, tao, bổ Tỳ dương thì khác nhau xa.Hơn nữa, Sơn dược tính sáp, trị được bệnh di tinh, vị ngọt hơi mặn lại hay ích Thận, cường âm. Bài Lục Vị (Địa Hoàng Hoàn) , sở dĩ dùng Sơn dược làm tá cho Địa hoàng là thế. Ngoài ra, có tác dụng thấm thấp nên chữa được tiêu chảy, có tác dụng tiêu độc nên dùng để đắp vào ung nhọt, nhưng tính của Sơn dược rất hòa hoãn do đó phải dùng nhiều mới có kết quả. Dùng làm thuốc tư âm nên để sống, dùng vào thuốc bổ Tỳ, Phế nên sao vàng và chọn thứ mầu trắng chác là tốt (Bản Thảo Cầu Chân).
+ Thự dự vị ngọt, tính bình , nấu ăn bổ cho Tỳ và Thận, điều hòa nhị tiện, mạnh gân xương, làm đầy vóc dáng, thanh hư nhiệt. Muốn đỡ sương mù, nên trồng cho nhiều. Dái củ gọi là Linh dư tử, công dụng cũng như củ. Những  bệnh thủng trướng, khí trệ không nên dùng ( Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ).
+ Thự dự chữa chứng huyết tý rất thần hiệu. Trong chương ‘Huyết Tý Hư Hỏa’, Trọng Cảnh dùng bài ‘Thự Dự Hoàn’ để chữa phong khí bách tật, bây giờ người Vân Nam bị bệnh cước khí, họ giã nhỏ củ Thự dự tươi đắp vào ống chân rồi băng vải lại, khoảng 1 giờ cảm thấy nóng và ngứa là khỏi” ( Chương Thái Viêm).
+ Sơn dược được khí xung hòa của đất, bẩm thụ hòa khí của mùa xuân ví như người quân tử có đức tính vàng ngọc, đi đâu cũng được, chỉ vì tính chậm nên không dùng nhiều thì không kiến hiệu. Chứng nguy, hư nhiều dùng Sơn dược khó có công hiệu ngay vì Sơn dược tính hòa hoãn, chậm chạp ... Cho vào trong thuốc tư âm thì nên dùng sống, cho vào trong thuốc kiện Tỳ thì nên sao, cho vào trong thuốc dưỡng Vị, bồi bổ nguyên khí thì nên hấp trên nồi cơm, rồi thái mỏng, phơi khô, sao vàng. Thứ chín thì khí trệ, thứ ướt thì trơn hoạt, chỉ có thứ khô thì dùng làm thuốc ( Dược Phẩm Vâïng Yếu ).
+ Sơn dược sản xuất ở Hà Nam là tốt, vị ngọt, có chất nước  là  được khí của thổ thấp, có công năng bổ Tỳ, cũng bổ Tỳ âm nhưng Sơn dược sắc trắng là  được kim khí trong đất, cho nên vừa bổ Tỳ vừa ích Phế. Sơn dược sắc trắng, vị chua cho nên bổ Tỳ mà ghé vào Can, Phế “ ( Bản Thảo Vấn Đáp).
+ Sơn dược là yếu dược trị hư lao, có công năng kiện Tỳ Vị, bổ Phế, Thận. Vị ngọt, tính bình, không hàn, không táo. Hễ Tỳ hư, tiêu chảy, ho do Phế hư, di tinh, hoạt tinh, do Thận hư đều có thể trị được. Gần đây, Trương Tích Thuần cho rằng Sơn dược có công năng cứu được hư thoát, dùng trong chứng suyễn, ra mồ hôi, hơi thở ngắn trong chứng suy nhược quá, tiêu chảy...rất hiệu nghiệm, có thể dùng để tham khảo. Tuy nhiên Sơn dược vị sáp mà thiên về bổ béo, đối với Tỳ hư thấp thịnh mà đầy trướng thì không nên dùng” ( Trung Dược Học).                    
+ Sơn dược vị ngọt, tính bình, giầu chất dịch đặc, bổ nhưng không trệ, ôn nhưng không nhiệt, bổ được Tỳ khí lại ích được chân âm của Vị, là vị thuốc hòa bình nhất dùng để bổ trung khí. Tăng sức cho Tỳ Vị, bồi thổ sinh kim, lại trị hư lao, vì vậy trong bài ‘Thự Dự Hoàn’ có Sơn dược. Vì có tính thu sáp giữ vững được chân âm của Thận, điền kín hạ khiếu mà chữa di tinh, vì vậy trong bài ‘Thận Khí Hoàn’ có vị Sơn dược” ( Đông Dược Học Thiết Yếu).          
+ Sơn dược và Sinh địa đều là vị thuốc dưỡng âm, ích tinh, cố âm hư... bệnh di tinh thường hay phối hợp dùng. Nhưng Sơn dược vị ngọt, tính bình, công năng thiên về ích khí, bổ Thận, dưỡng Vị, lại kiêm nhuận Phế, chỉ khái, tư Thận, sáp tinh. Còn Sinh địa vị ngọt, đắng, mát, công năng thiên về lương huyết, tư bổ Thận âm, lại kiêm dưỡng huyết, bổ Can, cầm máu” ( Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét