Bộ phận dùng: vỏ rễ (cây dâu non), vỏ khô tẩy trắng, dày, dài trên 15cm đã bỏ hết lõi, không mốc, không vụn nát là tốt.
TANG BẠCH BÌ 桑 白 皮
Cortex mori Albae Radicis.
Tên thuốc: Cartex Mori.
Tên khác: Tang căn bạch bì, Sinh tang bì, Chích tang bì, Phục xà bì, Mã ngạch bì, Yến thực tằm, Duyên niên quyển tuyết.
Tên khoa học: Cortex mori Albae Radicis.
Họ khoa học : Thuộc họ Dâu Tằm (Moraceae).
Bộ phận dùng: vỏ rễ (cây dâu non), vỏ khô tẩy trắng, dày, dài trên 15cm đã bỏ hết lõi, không mốc, không vụn nát là tốt.
Bào chế:
Theo Trung Y:
- Dùng dao đồng cạo hết vỏ vàng xanh, thái nhỏ, sấy khô (Lôi Công Bào Chích Luận).
- Tẩm mật ong sao.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Rửa qua, cạo sạch hết vỏ xanh và vàng ngoài, thái mỏng 2 - 3 ly, phơi khô (dùng sống).
- Sau khi phơi khô, tẩm mật ong sao vàng (1kg vỏ rễ tẩm độ 150g mật đã pha loãng 1/2 với nước).
+ Cạo bỏ vỏ mỏng bên ngoài, lấy phần trắng, đồ cho mềm đều, thái hoặc tước ra hoặc tẩm mật sao lên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Bảo quản: thứ tẩm mật sao không nên bào chế nhiều và để lâu.
Dễ mốc mọt nên cần để nơi khô ráo, thoáng. Nếu chớm mốc mọt có thể sấy hơi diêm sinh.
Thành phần hoá học: có Pectin, Amyrin, acid hữu cơ và một ít tinh dầu, tanin.
Tác dụng dược lý
+ Tang bạch bì có tác dụng giảm ho nhẹ, lợi niệu và gây tiêu chảy (Trung Dược Học).
+ Thuốc sắc và chiết xuất Tang bạch bì trong nhiều loại dung môi khác nhau đều có tác dụng hạ áp (Trung Dược Học).
+ Tang bạch bì có tác dụng an thần, giảm đau, hạ nhiệt và chống co giật nhẹ (Trung Dược Học).
+ Nước sắc Tang bạch bì có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ Flexner và nấm tóc. Thuốc chiết xuất nước nóng có tác dụng ức chế in vitro chủng JTC-28 tế bào ung thư tử cung khoảng 70% (Trung Dược Học).
Tính vị:
+ Vị ngọt, tính hàn (Bản Kinh).
+ Vị đắng chua, tính hàn (Y Học Khởi Nguyên).
+ Vị ngọt, hơi hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy kinh
. Vào kinh thủ Thái âm (Thang Dược Bản Thảo).
. Vào kinh Tỳ Phế (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Vào kinh Phế, Đại trường (Dược Phẩm Hoá Nghĩa).
. Vào kinh Phế (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng:
+ Tả Phế, hành thuỷ, thanh Phế, chỉ khái (Thực Dụng Trung Y Học).
+ Tả Phế hoả, thông tiểu (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ trị:
. Dùng sống: trị thấp.
. Tẩm sao: trị ho, bụng trướng đầy.
- Phế nhiệt biểu hiện như ho nhiều đờm và hen: Dùng Tang bạch bì với Địa cốt bì và Cam thảo trong bài Tả Bạch Tán.
- Nước tiểu ít hoặc phù: Dùng Tang bạch bì với Đại phúc bì và Phục linh bì trong bài Ngũ Bì Ẩm.
Kiêng kỵ:
+ Tục đoạn, Quế tâm, Ma tử làm sứ cho nó (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Kỵ sắt, thiếc (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Nếu trong Phế không có hoả tà và ho do phong hàn gây ra: không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Phế hư không có hoả, ho do hàn: không dùng (Thực Dụng Trung Y Học).
Đơn Thuốc kinh nghiệm:
+ Trị ung thư thực quản và bao tử: Tang bạch bì tươi, không bỏ vỏ ngoài, 30g, thêm giấm ăn 100ml, nấu 1 giờ, uống hết một lần hoặc chia làm nhiều lần uống (có thể thêm đường cho bớt chua). Trị 3 ca ung thư thực quản, 2 ca ung thư bao tử. Kết quả, có 4 ca bệnh thuyên giảm (Phúc Kiến Trung Y Dược Tạp Chí 1965, 3 : 23).
+ Trị ho do nhiệt đờm: Tang bạch bì, Địa cốt bì đều 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống (Tả Bạch Tán – Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết).
+ Trị phế quản viêm mạn: Tang bì, Tỳ bà diệp đều 10g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị cầu thận viêm cấp, phù nhẹ: Tang bì, Trần bì, Sinh khương bì, Đại phúc bì đều 6~10g, Phục linh bì 12g, sắc uống (Ngũ Bì Ẩm – Phương Tễ Học).
Tham khảo:
+ Công hiệu của Tang bạch bì là vào kinh thủ Thái âm, tả được dư nhiệt ở Phế, trị được các chứng ho, suyễn, phiền muộn, khạc ra đờm có lẫn máu, lợi được tiểu tiện, bớt khí nóng, tiêu được thuỷ thủng, bụng trướng. nó lại có thể bù cho nguyên khí người ta hư hao hoặc bất túc
+ Tang bạch bì là thuốc của kinh Phế. Dùng loại chích có tác dụng tả Phế hoả, chỉ khái. Dùng sống có tác dụng thanh Phế khí mà lợi thuỷ. Tang bạch bì và Phục linh bì đều có tác dụng lợi thuỷ nhưng Tang bạch bì tả Phế, trị thuỷ ở thượng nguyên còn Phục linh bì đạm thẩm, trị thuỷ ở phần dưới (Thực Dụng Trung Y Học).
+ Tang chi bì và Tang căn bì đều có tác dụng giáng áp rõ. Tang bì lại có tác dụng lợi niệu rõ (Thực Dụng Trung Y Học).
+ Tang bạch bì đều có tác dụng tả hoả nhưng Tang bạch bì tả hoả hữu dư ở trong Phế, Địa cốt bì tả hoả bất túc ở trong xương (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Tang bạch bì có thể chế làm chỉ khâu vết thương, thu miệng rất nhanh (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét