XUYÊN SƠN GIÁP


Tuy bề ngoài con tê tê giống con thằn lằn nhưng thực ra là một loài động vật có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa.

XUYÊN SƠN GIÁP    川 山 甲
Manis Pentadaclyla L.

Vì con vật hay đục núi và mình có vảy cứng như áo giáp do đó có tên xuyên sơn: xuyên qua núi.
Tên khoa học: Manis Pentadaclyla L
Họ khoa học : Họ Tê Tê (Manidae)
Mô tả: Tuy bề ngoài con tê tê giống con thằn lằn nhưng thực ra là một loài động vật có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa. Tê tê có thân dài, chân ngắn và thấp, đầu nhỏ nhọn, đuôi rất dài. Nếu cắt ngang đuôi, mặt cắt sẽ có hình bán nguyệt. Phần trên lưng, từ mũi đến đuôi con tê tê có phủ một lớp vảy hình vỏ. Lớp vảy này thực ra chỉ là những cụm lông dính bết vào nhau tạo thành. Vảy tê tê xếp  cái nọ đè lên cái kia giống như ngói lớp, thành từng dải dài, theo một trật tự rất phức tạp. Má, ngực, bụng tê tê không có vảy, chỉ lớt phớt một ít lông cứng. Da bụng tê tê trắng mềm. Lười là  một bộ phận kỳ lạ nhất của tê tê, hình con giun dài bằng nửa chiều dài của toàn thân con vật. Để bình thường lưỡi dài từ mõm cho đến hai chân sau.
Loài tê tê đuôi dài leo cây rất giỏi, sống trên cây và ngủ trong các hốc cây rỗng. Khi tê tê ngủ hoặc muốn tự vệ, nó cuộn mình lại ở phần dưới của mút đuôi có một mẩu thịt cài chặt vào một vảy ở lưng làm thành một cuộn tròn rất chắc và rất khó mở. Tê tê cận thị nhưng tai và mũi tinh. Nếu tê tê tóm được địch thủ nó dùng các chân ghì chặt đối thủ một cái rồi thả ra. Cái ghì này đủ bóp chết một con chó lớn. Tê tê có sức khỏe lạ thường, nó có thể kéo một người lớn và khỏe.
Tê tê tính rất hiền lành, chậm chạp. Nó ăn kiến và mối là những loài côn trùng phá hoại gỗ và cây cối trong rừng. Tê tê dùng vuốt phá vỡ các tổ kiến, tổ mối để bắt mối. Nhờ một thứ bột dính ở dưới lưỡi Tê tê có thể loại những đất cát ra khỏi thức ăn của nó một cách tài tình.
. Phân bố, thu bắt và chế biến
Tê tê là một loại động vật sống hoang dại ở các miền núi Việt Nam. Nó còn sống tại miền nam Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Đài Loan), Miến Điện, Ấn Độ, Xrilanca...
Có thể săn bắt quanh năm. Thường tê tê không đào lấy tổ để ở, mà đến những tổ của các con vật khác sau khi đã đào rộng thêm ra chút ít.
Khi thấy Tê tê, chỉ cần ném đất cát vào, hoặc xua chó đuổi, con vật tức khắc cuộn tròn lại, rất dễ bắt.
Bắt về giết chết, cắt sạch xương thịt, phơi khô là được cả bộ da. Nếu muốn lấy vảy không thôi thì hoặc cho vào nước sôi, vảy tự khắc rụng ra, rửa sạch, phơi khô, hoặc ngâm da trong nước vôi trong, da thịt sẽ nát ra, vẩy tơi ra, rửa sạch, phơi khô, có khi bắt được, cho ngay vào nồi luộc chín, vảy bong ra, rửa sạch, phơi khô.
Khi dùng làm thuốc, ít khi dùng sống; hoặc tẩm mỡ, tẩm dấm hay tẩm dầu mà rán. Có khi sao với cát cho vàng, rồi lấy ra, rây bỏ cát; vảy tê tê còn đang nóng, cho ngay vào bình chứa dấm (cứ 100kg vảy tê tê, dùng 40kg dấm) trộn đều, lấy ra, phơi khô mà dùng. Có khi người ta còn đốt ra than mà dùng.
Bộ phận dùng: vẩy. Vẩy cứng rắn, bóng, hơi thành hình tam giác, chính giữa dày, xung quanh mỏng, màu nâu nhạt hoặc nâu đen. Theo kinh nghiệm vảy ở đuôi tốt và có tác dụng nhiều hơn, cho nên vảy ở dưới đuôi có nhiều giá trị.
Thành phần hoá học: chưa rõ.
Tính vị:  vị mặn, tính hơi.
Quy kinh: Vào kinh Can và Vị.
Tác dụng: thông kinh lạc, trừ phong, hoạt huyết, tiêu thũng, xuống sữa.
Chủ trị: trị phong, tê cứng đau nhức, trị sốt rét do đờm tích, trẻ em kinh sợ, trị mụn nhọt, sữa không thông.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: mụn nhọt đã phá miệng, người hư nhược không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Dùng Xuyên sơn giáp thì có thể nướng phồng, đốt cháy, tẩm mỡ, giấm, nước tiểu trẻ em hoặc dầu mè, rồi nướng hoặc sao với đất, với bột hến (cáp phấn) tuỳ
từng trường hợp không bao giờ dùng sống (Bản Thảo Cương Mục).
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Lấy nước vôi lỏng (độ 5 lít nước với 20g vôi tôi rồi) ngâm 1 ngày. Lấy ra xóc rửa cho kỹ nhiều lần. Để khô, lấy cát rang nóng cho vảy Tê tê vào, sao cho phồng lên và vàng đều, đựng kín. Khi dùng tẩm giấm hoặc nước tiểu trẻ em tuỳ theo đơn, giã dập dùng trong thuốc thang hoặc tán bột với các thuốc khác
làm hoàn.
Tại Viện Đông y: rửa sạch, để khô, tẩm giấm, sao cho phồng và vàng đều (cách này thường dùng).
Bảo quản: tránh ẩm.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị tắc tia sữa: Xuyên sơn giáp, nướng, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, có thể cùng uống với một ít rượu  (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị tràng nhạc vỡ loét: Xuyên sơn giáp, đốt, nghiền nhỏ đắp vào (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+  Trị sữa không thông: Xuyên sơn giáp (sao vàng), Đương quy, Cát cánh, Thược dược, Mộc thông, Phục linh, Xuyên khung, Thiên hoa phấn. Các vị bằng nhau. Thái nhỏ, trộn đều. Mỗi lần dùng 50g hỗn hợp này, thêm 600ml nước, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị mụn nhọt: Xuyên sơn giáp 10g, Bạch chỉ 5g, Tạo giáp thích 8g, Hoàng kỳ 6g, Đương quy 6g, sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét