ĐẠI VĨ ĐAO


Cây thảo cao 0,4-0,6m, thân và lá phủ toàn lông nhám, có mùi hôi. Hoa tập hợp thành một xim bọ cạp.

ĐẠI VĨ DAO     大 尾 搖
Heliotropium indicum L.

Tên Việt Nam: Vòi voi, Đại vĩ diêu, Đền voi.
Tên khác: Đại vĩ đao, Cẩu vĩ trùng  (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Heliotropium indicum L (Heliotropium anisophyllum P, De. B).
Họ khoa học: Borraginaceae.
Mô tả: Cây thảo cao 0,4-0,6m, thân và lá phủ toàn lông nhám, có mùi hôi. Hoa tập hợp thành một xim bọ cạp. Hoa tím, đều, mẫu 5. Đài hình ống ngắn, mặt ngoài phủ lông mặt trong nhẵn. Tràng hình chuông ở phía trên, hình ống ở phía dưới, không có vảy ở họng tràng. Nhị 5, bầu 4 ô, mỗi ô một noãn. Quả gồm 4 hạch con. Có hoa quả vào mùa hè xuân.
Phân biệt: Có nơi dùng rễ Vòi Voi thay cho vị Độc hoạt (Heracleum michx) không thể được (Xem: Độc hoạt).
Địa lý: Cây mọc hoang trên các bãi đất hoang bờ ruộng, ven đường.
Thu hái, sơ chế: Thu hái toàn cây vào mùa hè thu. Phơi khô.
Phần dùng làm thuốc: Toàn cây hoặc rễ.
Tính vị: Vị đắng nhạt hơi cay, tính bình. Có độc.
Tác dụng: Tiêu viêm giảm ngứa, sát trùng, thông huyết.
Chủ trị: Trị tiêu chảy, lỵ, phong thấp sưng khớp, lưng gối nhức mỏi, đau họng, viêm phổi nhẹ, viêm tinh hoàn, nhọt sưng tấy, viêm da có mủ, đau bụng sau khi sinh.
Liều dùng: Ngày dùng 12-24g, sắc uống. Ngoài dùng cây tươi giã nát đắp.
Kiêng kỵ: Người già yếu cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, ỉa chảy lâu ngày, hai chân lạnh thì không nên dùng.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị vết thương sưng tấy : Vòi voi 12g -30g sắc uống, bên ngoài dùng thuốc giã dập, sao với giấm, trộn ít rượu, đắp vào nơi sưng tấy (Kinh Nghiệm Dân Gian).
+  Trị phong thấp khớp, đau nhức xương : Vòi voi khô 210g, Rễ Nhàu rừng 150g, Củ bồ bồ 120g, Cỏ mực 90g. Tán bột, làm thành viên to bằng hạt tiêu, mỗi lần uống 20-30 viên, ngày 2-3 lần (Kinh Nghiệm Dân Gian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét