ĐẠI TOÁN


Cây thảo, thân hành gồm nhiều hành con, thường gọi lá ánh tỏi xếp lợp lên nhau. Lá phẳng, mỏng, có rãnh dọc, hình dãi gân song song.

ĐẠI TOÁN    大 蒜
Allium sativum Linn.

Tên khác: Huân, Huân thái, (Bản Thảo Cương Mục) Thiên sư hồ (Hòa Hán Dược Khảo), Toán đầu, Đại toán đầu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển, Tỏi (Việt Nam).
Tên khoa học: Allium sativum Linn.
Họ khoa học: Amaryllidaceae.
Mô tả: Cây thảo, thân hành gồm nhiều hành con, thường gọi lá ánh tỏi xếp lợp lên nhau. Lá phẳng, mỏng, có rãnh dọc, hình dãi gân song song. Hoa tự xim co ngắn, giống như tán, hoa màu trắng hoặc hơi hồng. Quả nang có 3 ngăn.
Địa lý: Có khắp nơi trong Việt Nam, cây được trồng làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng thân hành vào mùa Đông xuân. Có nhiều ở Phan Rang.
Phân biệt: Khác với cây Tỏi độc, có tên khoa học Colchicum autumnale L., thuộc họ Liliaceae., Cây này chưa thấy ở Việt Nam, dùng nó để trị bệnh Gut (Thống phong), dùng nhiều hoặc lâu sẽ bị ngộ độc.
Thu hái, sơ chế: Thu hái vào mùa đông. Phơi khô cất dùng.
Phần dùng làm thuốc: Thân hành (củ).
Tính vị: Vị cay thơm nồng. Tính nóng.
 Tác dụng: Giải cảm, tiêu độc, sát trùng, trị đàm, lợi tiểu.
Chủ trị: Trị lỵ Amip, Giun kim, Trúng độc cá, cua, Phù thũng, cước khí.
Liều dùng: 3 - 9g hoặc 1 - 3 củ. Dùng loại nguyên 1 củ gọi là Độc toán càng tốt.
Kiêng kỵ: Âm hư có nhiệt cấm dùng.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị chứng quan cách bụng căng đầy, bí tiểu, bí đại tiện: Tỏi củ đốt chín, bỏ vỏ, lấy bông bao lại, đút vào hậu môn thì thông khí (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Vết thương dao đâm chém làm độc (nhiễm trùng): Tỏi 1 thăng bỏ tim, 4 thăng nước nấu nhừ ăn và uống cho ra mồ hôi là khỏi (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị đau răng:Tỏi loại 1 củ nướng chín xắt ra đắp vào nơi đau (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị viêm quầng (đơn độc), màu sắc thay đổi không thường, phát từ chân đến mắt cá: Tỏi giã nát đắp dầy lên, khi khô thì thay (Trửu Hậu Phương).
+ Trị sốt rét: Tỏi để trên than nướng cháy, uống mỗi lần 1 muỗng với rượu. Muốn giản tiện hơn, dùng Đào nhân nửa cân để trên huyệt Nội quan rồi lấy Tỏi giã nát đắp lên, buộc lại, nam tả, nữ hữu (Trửu Hậu Phương).
+ Trị huyết nghịch làm đau tim: Tỏi sống giã nát, hoà với nước uống 2 thăng (Trửu Hậu Phương).
+ Trị họng sưng đau:  Tỏi nhét vào trong mũi và tai, ngày thay 2-3 lần (Trửu Hậu Phương).
+ Trị họng nghẹt khó thở: loại Tỏi 1 củ, 2 củ, cắt 2 đầu, nghẹt bên phải thì nhét bên trái và ngược lại, thấy trong họng có máu mủ ra là tốt (Thánh Huệ Phương).
+ Trị đầu phong nhức nhối, lấy tỏi đâm lấy nước nhỏ trong mũi (Dị Giản Phương). Lại dùng tới 7 củ bóc vỏ, trước hết nướng cho chín hồng lên rồi mài trên đất cho thành cao rồi lấy Cương tàm 30g, bỏ chân và đầu đi bỏ trên Tỏi, lấy chén đậy lại 1 đêm, đừng cho không khí vào, sáng mai chỉ lấy Cương tàm tán bột thổi vào mũi. Trong miệng phải ngậm nước để khỏi sặc, rất hiệu nghiệm, có thể trị được trẻ  con kinh phong (Thánh Tế Tổng Lục ).
+ Dùng tỏi tươi để cứu chứng phát bối, khi thấy sau lưng sưng cứng đau nhức, dùng giấy thấm nước, tìm đầu của mụn nhọt nơi nào, thì dùng Tỏi 10 củ, Đạm đậu xị nửa chén, Nhũ  hương 3g tán bột, tùy nhọt lớn hay nhỏ, dùng mảnh tre khoanh tròn để thuốc vào trong đó dầy 2 phân, cứu cho tới khi ngứa, ngứa thì cứu cho tới khi đau, hàng trăm mồi (Ngoại Khoa Tinh Yếu ).
+ Trị đinh nhọt, độc dữ: dùng vôi tường cửa một nhúm tán bột, dùng 1 củ Tỏi chấm vôi xức vào nơi đau cho ra 1 ít mồ hôi, rồi lại bôi tiếp, ít lâu là nó tan đi. Loại phát bối cũng có thể dùng được (Ngoại Khoa Tinh Yếu ).
+ Trị hoắc loạn, gân cơ co rút: Tỏi giã nát, đắp vào dưới lòng bàn chân (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
+ Trị phụ nữ âm hộ sưng đau, ngứa: nấu nước Tỏi rửa ngâm (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
+ Trị đau bụng co thắt không chịu được: dùng loại Tỏi 1 củ, trộn với mực xạ thơm (Hương mặc) bằng trái táo, đâm trộn nước tương uống 1 chén (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
+ Trị phù thủng căng đầy: Tỏi, Ốc đồng, Xa tiền tử các vị bằng nhau, nấu thành cao, phết lên giấy, dán lên rốn, thì nước trong người theo đường tiểu mà thoát ra ngoài (Cừu Viễn Bại Sử phương).
+ Trị sơn lam chướng khí: Tỏi sống và chín, mỗi thứ 7 lát, ăn chung, một lúc sau sôi bụng, mửa ra máu hoặc tiêu chảy thì khỏi (Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương).
+ Trị sốt rét: Ngày Đoan Ngọ chọn tỏi nướng chín rồi đâm thêm phèn chua 2 vị bằng nhau làm viên bằng hạt ngô đồng, uống lần 9 viên với nước chảy dòng sông. (Phổ Tế Phương).
+ Trị tiêu chảy, bạo lị: Tỏi 1 củ giã nát, dán vào lòng bàn chân, có thể dán giữa rún, để trị cho trẻ nhỏ tiêu chảy, hạ lỵ, cấm khẩu (Thiên Kim Phương).
+ tri tiêu ra máu (trường độc hạ huyết): Tỏi (thứ 1 củ) to, nướng, giã nát, trộn với bột Hoàng liên làm thành viên, uống hằng ngày với nước cơm (Tế Sinh Phương).
+ Trị tiêu ra máu nhiều: Tỏi 5 củ bỏ vỏ, giã nát, cho Đậu xị vào làm thanh viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50-60 viên với nước cơm (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
+ Trị chảy máu cam không cầm, uống thuốc không khỏi: Tỏi 1 củ bỏ vỏ, giã nát, làm thành bánh bằng đồng tiền, dầy chừng bằng hạt đậu. Mũi bên trái chảy máu thì dán vào lòng bàn chân trái, bên phải thì dán vào lòng bàn chân phải, nếu cả 2 bên thì dán cả 2 chân (Giản Yếu Tế Chúng Phương).
+ Trị bụng ngực đau lạnh, dùng Tỏi ngâm dấm 2-3 năm ăn vài củ (Tập Giản Phương).
+ Trị đau bụng, khóc dạ đề xanh mặt: Tỏi lớn 1 củ đốt nghiền phơi nắng, Nhũ hương 5 phân, đâm làm viên bằng hạt Cải lần uống 7 viên với nước sữa (Thế Y Đắc Hiệu).
+ Trị khí thống do hàn thấp: Tỏi, vào ngày Đoan Ngọ, chọn loại 1 củ, ngay lúc đó giã nát đắp vào (Đường Dao Kinh Nghiệm Phương).
+ Trị phong khí độc: Tỏi loại 1 củ trộn với bột Hùng hoàng, Hạnh nhân, làm thành viên. Mỗi lần uống 3 viên lúc bụng đói, nằm một chút thì yên (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Trị mắc xương ở họng:  Tỏi loại một củ, nhét trong mũi tự nhiên ra (Thập Tiện Lương Phương).
+ Trị lông mày co giật không nhắm mắt được, gọi không trả lời nhưng ăn uống được: Tỏi 90g đâm lấy nước trộn rược cho uống (Hạ Tử  Ích, Kỳ Tật Phương).
+ Trị long óc, chảy nước ỡ mũi: Tỏi lớn xắt lát, dán vào lòng bàn chân (Trích Huyền Phương).
+ Trị trẻ nhỏ bị uốn ván: Tỏi loại 1 củ, xắt lát, để trên rốn rồi lấy Ngải cứu để cứu, trong miệng có hơi tỏi là thôi (Lê Cư Sĩ - Giản Dị Phương).
+ Trị trẻ nhỏ bị chứng khí lâm, Tống Minh Tông là quân vương lúc bấy giờ, con ông mắc phải chứng đi tiểu nggày đêm 300 lần, các ngự y đều bó tay, sau mời Tôn Lâm đến trị, ông dùng Tỏi, Đạm đậu xị, bánh chưng 3 thứ giã nát, làm thành viên, uống với nước ấm 30 viên. Ông nói rằng, hôm nay uống 3 lần bệnh giảm 1/3 ngày mai cũng vậy, 3 ngày thì hết bệnh. Mà quả thật, bèn tặng cho ông 100 quan tiền và hỏi tại sao lại khỏi? Ông trả lời, trẻ nhỏ vì sao có chứng lâm, chỉ có thủy đạo không thông, cả 3 vật là đều thông lợi nên có thể chữa được (Ái Trúc Ông, Đàm Tẩu Phương).
+ Trị sản hậu trúng phong, nảy ngược người, gọi là sản giật dùng 30 tép Tỏi, lấy 3 thăng nước sắc còn 1 thăng cho uống (Tử Mẫu Bí Lục ).
+ Trị âm hộ ra nhiều mồ hôi, sinh ra ngứa ngáy khó chịu, dùng Tỏi, Đạm đậu xị, đâm làm viên bằng hạt ngô đồng, dùng Chu sa áp bên ngoài, lần uống 30 viên lúc đói với nước Đăng tâm (Tử Mẫu Bí Lục ).
+ Trị trẻ con hói tóc:  Tỏi giã nát, lấy nước xát lên chỗ hói tóc hàng ngày (Tử Mẫu Bí Lục).+ Trị tiểu tiện lắt nhắt khi có khi không: Tỏi 1 củ, lấy giấy bọc lại, nướng chín, để giữa sương 1 đêm, uống với nước dòng sông mới múc lên (Chu Thị, Tập Nghiệm Phương).
+ Trị độc của sâu bắn phải: Tỏi 1 củ xắt 3 phần, dán lên trên rồi cứu làm cho hơi Tỏi thấm bên trong là tốt (Mai Sư Phương).
+ Trị ống chân đau, vọp bẻ: Tỏi xát vào lòng bàn chân cho nóng rồi ăn một múi với nước lạnh (Tập Nghiệm Phương).
+ Trị rắn, rết, bọ cạp cắn, sách Thực Liệu Bản Thảo viết: “Ngay khi ấy nhai tỏi đắp lên nơi cắn, thay 7-8 lần rồi lấy 1 thăng Tỏi bỏ vỏ, 2 thăng sữa nấu chín uống lúc đói, ngày mai lại làm tiếp, bên ngoài cũng lấy Tỏi bỏ vỏ đi 1 thăng, đâm nát nấu cho thật sôi, ngâm vào chỗ đau (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+  Trị giun kim, ngứa ngoài âm đạo và ngứa hậu môn: Tỏi 90g, bỏ vỏ đâm nát gia 2 cân nước nấu 24 giờ bỏ bả lấy nước rửa ngoài hậu môn, âm đạo trước khi đi ngủ, đồng thời lấy 10cc nước Tỏi thụt vào hậu môn liên tục 7 ngày (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị viêm âm đạo do trùng roi: Tỏi giã nát,  đổ nước vào, tẩm bằng băng thưa, đặt ở trong âm đạo, đồng thời lấy nước này dùng băng rịt  ngoài âm đạo và quanh hậu môn  (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị khuẩn lỵ và lỵ amip: Dùng 5% dung dịch Tỏi thụt vào ruột  (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị ung độc lở loét, đồng thời giải các loại độc của rắn và các loại côn trùng, trúng độc cua đồng (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị nhọt lở sưng độc: Tỏi 1 củ (độc toán) giã nát, thêm một tí dầu mè hoặc dầu thực vật khác, trộn đều, dán lên chỗ lở, thay tiếp khi khô (Đại Toán Cao - Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị rắn độc cắn, rít độc cắn: Tỏi 1-9g, Sơn đậu căn 1-9g, sắc lấy nước uống, đồng thời dùng tỏi giã nát, đắp bên ngoài  (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Dùng tỏi sắc lấy nước, trị độc Cua đồng (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị ho gà: Tỏi vỏ tím, Bách bộ, Tử uyển mỗi thứ 30g, nấu nước để nguội, rồi đem nước Bách bộ, Tử uyển sắc, bỏ bã, thêm đường trắng vào, rồi bỏ nước Tỏi vào uống (Toán Bộ Hợp Tể - (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị lao phổ:  Đại toán 13 múi, Bạch cập 3g, Gạo nếp 30g. Trước tiên, nấu tỏi 1 phút để nửa sống nửa chín (chín quá thì mất hiệu quả), lấy tỏi ra bỏ gạo nếp vào nấu thành cháo ăn. Sau đó đem Tỏi, Bạch cập quậy đều, ngày ăn một lần, ăn liên tục nửa tháng là một liệu trình, dùng 1-3 liệu trình (Đại Toán Hợp Tể - Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
Tham khảo:
. Hồ tức là Đại toán, bẩm khí của Hỏa kim mà sống, nên có vị cay khí ấm. Cay ấm quả nên có độc, mùi hôi khác thường, không nên ăn nhiều. Vào kinh Túc dương minh, Thái âm, Quyết âm kinh. Vị cay ấm nên khử được ố khí và tà khí, do đó chủ trừ phong tà, khử khí độc và ngoài tan được ung thủng sưng tấy, nhọt nhứa lở âm hộ, vị cay chạy khắp nơi không nơi nào không tới nên chủ quy về ngũ tạng, khí của tỳ vị ưa nhất là thơm tho, vì mùi hôi nồng nặc thì tổn thương thần và hao khí, nên dùng lâu ngày thì tổn thương người. Can khai khiếu ở mắt, mắt được huyết mà nhìn được, quá cay ấm thì huyết bị lao làm tổn thương mắt vậy. Tóm lại, công của Đại toán giỏi về thông đạt chạy tới các khiếu, trừ hàn thấp. khử tà ố khí, tan nhọt sưng, tiêu tích tụ, ấm tỳ vị hành khí. Do đó, Tô Cung ghi rằng chủ khí đi xuống tiêu ngũ cốc thịt thà. Tạng Khí cho rằng Đại toán chủ về phong thấp, xua tan khí lạnh, vỡ tan chứng tích tụ ở hông sườn (huyền tích), trừ tà khí ẩn nấu, tuyên thông ôn bổ. Nhật Huệ tử cho rằng Đại toán chủ về kiện tỳ vị, chữa thận khí, cầm ỉa mửa, vọp bẻ, đau bụng, trừ tà khí, giải ôn dịch (Bản Thảo Kinh Sơ).
. Đại toán khí vị cay ấm, khai vị kiện tỳ, thông khiếu trừ ố, khu hàn trừ thấp, giải thử tán đờm, tiêu thủng, giải độc là thuốc đi đầu. Nghiên cứu thấy rằng đều bởi mùi cay thông được khí, tính ấm tan được hàn, mà các thứ độc, ác, thấp, nhiệt, tích, thử tà đều trừ được. Theo sách ghi rằng Đại toán có công năng làm mềm chất cứng rắn, tiêu thịt, sát trùng. Dùng nó đắp dán ở chân thì cầm được chảy máu cam. Dùng nó để khai đao thì thông được vùng thượng vị. Dùng nó để đắp rốn thì tiêu được thủy khí ở hạ tiêu. Dùng nó xắt lát để cứu ngải trừ được nhọt độc, sưng hạch; nhưng khí hôi nồng nặc, ăn nhiều sẽ rằng sinh đờm, động hỏa, tán khí, hao huyết, tổn mục hôn thần. Kiêng kỵ Đại toán ăn chung với Mật ong (Bản Thảo Cầu Chân).
+ Đại toán tức là tỏi nhiều lần dùng để cứu người đều đạt hiệu quả như thần. Lư Đản Thị Lang chữa mụn nhọt trên vai, đau lan ngực, phiền muộn dùng thuốc này bèn khỏi. Lại Lý-Bộc-Xạ chữa chứng não ung lây ngày không lành, ông Lư cho dùng phương này cũng lành. Lại trong Trửu hậu phượng của Cát Hồng cho rằng hễ sưng ở lưng lấy Tỏi (chỉ nguyên 1 củ) xắt ngang dầy 1 phân, đặt trên chỗ sưng, mồi ngải như hạt ngô đồng, cứu tỏi 100 mồi thì tiêu dần sưng, cứu nhiều thì tốt chớ để nóng quá, nếu cảm thấy đau rát thì bèn thay lát tỏi mới khác, không nên làm tổn thương nơi da thịt. Ông Cát Hồng đã từng khổ nhiều về chứng sưng to vùng bụng dưới, cứu cũng lành, luôn luôn dùng nó cứu người đều đạt hiệu quả tốt. Lại khắc đá ký sự của Tử cực cung Giang Ninh phủ rằng, phát bối và sưng hạch ung nhọt độc, lúc ban đầu có khác, đều có thể cứu cả, chẳng kể bao nhiêu mồi, chỉ cần người đau cứu đến không đau, người không đau cứu đến rất đau thì thôi. Các loại da cóc mụn ruồi, cứu cũng sẽ kết cẩy và tự tụng đi, tất cả đều công hiệu như thần, mới biết là phương thư không phải nói không, nhưng người ta không hiểu ý cứu xét tỉ mỉ thì không thể đều đạt cả (Gia Hựu Bản Thảo).
+ Theo Lý Tấn luận về “Toán tiền cứu pháp”, mọc ung nhọt cứu mồi ngải hay hơn dùng thuốc, nhiệt độc bị ngăn ở giữa, trên dưới không thông, khí độc ắt được phát tiến ra, rồi sau đó giải tán hễ trong vòng ngày đầu mới phát, dùng loại Tỏi củ 1 tép, thái dày bằng đồng tiền, dán trên đỉnh cứu, 3 mồi đổi 1 lát tỏi khác, đại khái chừng 100 mồi là đạt, một là làm cho nhọt không khuếch đại, hai là làm cho thịt không thối, ba là làm cho dễ gom miệng đúng là “nhất cử tam đắc”. Nhưng chú ý đầu và trên cổ không được cứu, e rằng dẫn khí đi lên, gây ra họa lớn. Thêm đó, Sử Nguyên ghi công hiệu của cách cứu tỏi rằng, có người đàn bà ở vùng lưng ngứa, có ẩn đỏ khoảng nửa thốn, hạt trắng như hạt bắp, cứu 14 mồi, thì ẩn đỏ bèn tan, qua đêm hôm sau có nước đỏ hồng chảy xuống, dài 2 thốn, cả nhà đều quy tội là do cứu, bên ngoài dùng cao đắp ngày càng đỏ thêm, sau 22 ngày thì chiều ngang nhỏ khoảng 6-7 thốn, đau nhức không xiết. Hoặc kể rằng có một ni cô bị bệnh thế này, sau cứu đã lành, tôi đến hỏi ni cô, cô rằng, lúc nặng quá thì hôn mê bất tỉnh, chỉ nghe ông Phạm Phùng Nghị ngồi kế bên giữa cứu 800 mồi mới tỉnh, cứu khoảng 1 cổ ngải. Tôi đành chạy về, dùng một mồi ngải lớn bằng hạt Ngân hạnh, cứu hơn mười mồi vẫn chẳng thấy gì bèn chuyển cứu 4 bên, nơi đỏ đều đau cả khi mỗi một mồi tàn thì vùng đỏ đều rút nhỏ, cứư được hơn 30 mồi thì nơi ẩn đỏ đã tan, bởi cứu trễ nên bắp thịt ban đầu đã bị hư hỏng, nên không biết đau, ngải cứu khi đến phần thịt lành mới biết đau, đến tối thì đỏ tấy cả lưng, nhọt cao gồ mà nóng, đêm ngủ yên được, sáng hôm sau như dậy lên một cái chậu nhỏ, cao 3-4 thốn,  trên có hàng trăm lỗ nhỏ màu đen thui, sau xử lý đã ổn định. Bởi cao gồ lên là độc bạt ra ngoài, lỗ nhỏ nhiều là độc không tựu một chỗ nữa, màu đen thui là da thịt hỏng vậy, không phải là ngải đẩy độc bên trong thịt thối thì độc sẽ thông ngũ tạng bên trong là nguy hiểm vậy! Người thầy thuốc bình thường (dung y) với cái thuyết đắp lạnh làm cho tiêu tán, thì sao mà tin vậy được (Bản Thảo Cương Mục).
. Giã nước cốt Đại toán uống để chữa thổ huyết, tâm huyết thống. Sắc nước uống chữa phong đoàn gánh. Làm viên với cá Trích chữa cách khí, hoàn với Cáp phấn chữa phù thủng, hoàn với Hoàng đơn chữa sốt rét, có thai kiết lỵ, hoàn với Nhũ hương chữa máu cam. Giã nát thành cao đắp lên rốn thấu tới hạ tiêu, thì thông lợi được tiểu tiện. Dán đắp ở lòng bàn chân để dẫn nhiệt đi xuống, chữa tiêu chảy, kiết lỵ cấp tính và chứng nôn khan tiêu chảy và ói mửa tiêu chảy, cầm huyết do tiêu chảy, cầm huyết do kinh nguyệt, trị sa trực trường. Thông tới u môn (vùng thượng vị) chữa quan cách không thông (trên ói mửa, dưới bí đại tiện) (Bản Thảo Cương Mục).
. Hồ sống thì cay ấm, chín thì ngọt ấm, trừ hàn thấp, diệt âm tà, hạ khí, ấm tỳ vị, tiêu ngũ cốc, thịt thà phá ác huyết, công phá tích tụ do lạnh, chữa đau bụng tiêu chảy cấp, thông nhuận đại tiện, cầm ói mửa, khử uế giải độc, tiêu bĩ khối, sát trùng, cứu ngoài chữa ung nhọt, thông tiểu, cầm chảy máu cam, khử mùi tanh và độc của các loài cá cua tôm. Dùng thuốc lấy củ độc nhất là tốt, mờ mắt tổn thân nên không được dùng nhiều. Các  chứng âm hư nội nhiệt, thai sản, đau bụng ỉa chảy, ban trái, bệnh lây lan sốt rét, nhọt độc, huyết chứng, bệnh mắt, các chứng miệng họng răng lưỡi đều kiêng dùng, mầm củ non có thể ướp muối cất giữ. Lá cũng  có thể ăn được, tính vị như Hồ (Tùy Tức Cư ẩm Thực Phổ).
+ Theo các nước Anh, Mỹ cho rằng Tỏi sản xuất ở Trung Quốc và Việt Namây phương, hình dáng hơi giống củ hành, bên ngoài có áo, trong có vài nhân, trong nhân có dầu, lâu ngày thì bị bay bốc, ngủi thì kích thích mũi, mùi cay nóng là thuốc hóa đờm, khai vị, tiếp đến là không nên ăn quá nhiều, ăn quá thì phiền hoặc dẫn tới thổ tả, vả lại lúc mình nóng cũng không nên ăn, phải đợi đến khi sốt lui rồi ăn mới đạt kết quả, nếu giã lấy nước cốt bôi lên da dẻ thì thấy phát đỏ ngay và hơi đau. “Bản Thảo Cương Mục” ghi rằng Đại toán giải độc thì thuyết này không đúng. “Hà Lan dược kính” ghi rằng, rễ củ tròn, vị cay nóng, kích thích, có mùi ngủi không tốt lắm. Như A giao đắp vào da dẻ thì sưng tấy, nổi mụn bỏng. Lại tiếp rằng, rễ củ này có dầu phát tán rất mạnh mẽ, dùng trong khí của nó luồn lỏi thấu suốt khắp người. Thêm với ít nước thì bài tiết phát hãn, lợi tiểu, chỉ khi khô chất dầu bay mất, thì hiệu lực trên cũng không còn. Dùng quá nhiều thì kích thích huyết dịch, nóng ran mà toát mồ hôi, hễ người cơ thể suy yếu dễ nhậy cảm hoặc ác dịch nghẽn uất kích thích đến các bộ phận khác, hoặc huyết nhiều sốt cao mà sinh chứng nóng sốt thì có hại. Chỉ có tất cả các chứng hư lãnh của người vốn hàn lạnh dùng thì rất tốt. Sách lại tiếp rằng: Rễ củ này là thuốc rất tốt để sát trùng, diệt lãi đũa, lãi kim, đặc biệt là lấy rễ củ xắt phiến dẹt 2-3 lát, không cần nhai nuốt lúc đói, hoặc ngâm nước uống hoặc giã nhỏ uống với nước hoặc sữa, hoặc sắc với sữa, hoặc hoà với các thức ăn mà dùng, rễ củ này dùng cho các loại thuốc lãi, có khả năng xổ lãi ra, hay hơn cả các loại thuốc diệt lãi có vị đắng khác, thường đạt hiệu quả độc đáo hơn. Phàm chứng giun lãi ở, trẻ con, dùng Đại toán giã nát, lấy 1 ounce tẩm với 12 ounce sữa, uống 2-4 ounce lúc đói hoặc đặt sữa vào lò sắc rồi thêm đường, làm cho ngon miệng, mỗi lần dùng 1-2 chén, có khả năng diệt giun lãi, xổ lúc đại tiện, hoặc dùng Đại toán nấu nước, giã nát thành hồ đắp ở vùng rốn hoặc vùng dạ dày cũng xổ lãi giun. Sau khi dùng nước xổ lãi nếu đau bụng cấp, co rút thì thoa dầu nóng, mật trâu hoặc bột mì làm bánh, bọc vải hơ đắp tại nơi đau thì hết đau nhanh. Lại có phương pháp khác dùng 1-2 củ giã nhỏ, uống hằng ngày lúc bụng đói với nước sôi để nguội hoặc nước trà, canh, uống liên tục vài ngày thì khí nồng nặc khó chịu của Đại toán len lỏi thấu suốt khắp nơi, kích thích lãi, đồng thời tăng cường nhu động ruột, làm cho lãi không thể bám hút trong ruột mà theo phân tống ra ngoài, hoặc là trong vòng 1 tuần lễ dùng Đại toán 2-3 lần hoặc 4 lần. Sau khi dùng thuốc xổ thì sẽ xổ ra giun lãi. Hoặc mỗi buổi sáng dùng Đại toán 2-3 củ, thì 10 ngày sau xổ ra giun lãi. Có một người đàn ông mắt bệnh lãi đũa đã nhiều năm, dùng Đại toán 6 tháng, một hôm xổ ra sán lãi rất nhiều mà khỏi bệnh. Truyền thuyết này rất nhiều, có lúc dùng luôn phải kèm dùng cả thuốc xổ để xổ cho ra lãi. Có cách khác là giả Đại toán tẩm trong nước sôi, lấy hơi của nó xông nơi hậu môn thì lãi kim chết ngay và xổ ra. Lại có bài thuốc chỉ dùng vị này mà có công năng lợi tiểu phát hãn, chữa được phù thủng bí tiểu, đặc biệt là dùng cho phù thũng dạng ứ nước, trục được thủy thấp đàm ẩm. Có một người đàn ông tuổi trạc 50, mình mẩy phù nước, mắc bệnh phù thũng  tiểu không thông, dùng thuốc này mà lành bệnh: Phương pháp dùng cho các chứng thủy thấp, đình trệ, đờm ẩm rất là hiệu nghiệm. Có bài “Hồ đăng trục thủy ẩm phương”, dùng củ rễ Đại toán 2 củ, Cần sống Hà Lan 1 nắm, vỏ Cam 6g, tán chung tẩm trong 16 ounce rượu nho, mỗi lần dùng 1 chén nhỏ, ngày 3 lần, dùng để chữa chứng ứ nước ở ngực (hung thủy), thông được tiểu tiện, trục nước bẩn, chữa đau thận, thông tan bệnh sỏi, dùng trong trường hợp đau bởi hàn tà và phong tà lâu ngày, tiết được độc tà của nó. Dùng có chứng vật và sốt cơn hoặc  sốt cứ 3 ngày 1 cử, có hiệu quả rất đặc biệt, hãy nên dùng, tiêu được dịch thể trong đường ruột, kích thích ngon miệng, diệt khí độc truyền nhiễm, dùng củ giã nát tẩm rượu để uống càng  tốt. Lại chữa được vị hư hàn, các chứng thủy dịch ứ trệ, co rút, thoát vị đau bụng hoặc dùng củ rễ sắc nước, hoặc sau khi nấu giã nát, đắp ấm vào bụng, đạt hiệu quả nhanh chóng. Thuốc này có công hiệu giải co giật, có khả năng làm êm dịu các chứng co thắt tử cung, giã nát hít khí vị của nó để chữa bệnh. Lại dùng cho dạng ho do âm dịch lạnh và đờm dãi nhớt nhiều, hoặc thở suyễn, đờm dãi tắt nghẽn, đều làm cho thông đờm làm cho dễ khạc ra, làm thuốc tẩm ngâm, thuốc hãm, thuốc sắc đều được. Đau nhức răng giã nát dán vào nơi đau, hoặc lùi nóng thành tro đắp vào chữa đau răng dạng cảm nhiễm phải hàn tà và tai điếc bởi ứ dịch lạnh, giãi nát, dùng bông gòn thấm nước cốt nhét vào lỗ tai hàng ngày, cho tới khi lỗ tai sưng tấy thì lành. Tất cả các dạng sưng bởi ứ dịch và mụn ruồi, mắt cá, mụn cóc. ..giã nát đắp vào, thì sẽ mềm dần thịt cứng ấy rồi tiêu luôn, sưng tràng nhạc, loại thư dạng hàn, dùng nó cũng có hiệu quả. Ngoài ra các chứng bệnh ngoài da mãn tính, lác, chàm, dùng nó giã lấy nước cốt trộn mật đắp ngoài da (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).
. Đại toán có vị cay khí thơm hắc mãnh liệt, chất trơn mà dẻo, nhập vào 2 kinh Thái âm, Dương minh, có thể thông ngũ tạng, tuyên đạt tới các khiếu, công năng của nó chuyên khử hàn thấp, tránh với xú uế, tiêu tích  thực, sát các loại trùng. Vì vậy uống bên trong có thể dùng để trị các bệnh tả lỵ, lao phổi, ho gà, trùng tích. Bên ngoài có thể dùng để trị các loại ung nhọt sưng tấy, vẩy trên đầu, dán Tỏi để cứu, tùy theo chứng để xử dụng (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét