ĐAO ĐẬU


Cây leo rất cao. Lá có 3 lá chét, lá chét có mặt trên màu lục, mặt dưới nhạt, mỏng hình trái xoan nhọn.

ĐAO ĐẬU   刀 豆
Canavalia ensiformis (Linn) DC.

Xuất xứ: Bản Thảo Cương Mục.
Tên Việt Nam: Kiệp kiếm đậu (Cương Mục), Cát đậu, Đao hiệp đậu, Tạo giáp đậu (Hoà Hán Dược Khảo), Đao đậu tử, Đao đậu can (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên gọi:
1- Vị này vì có quả giống như cái dao (đao) nên gọi là Đao đậu.
2- Có dạng giống như lưỡi rựa nên cũng gọi Đậu Rựa.
Tên khoa họcCanavalia ensiformis (Linn) DC.
Họ khoa học: Họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây leo rất cao. Lá có 3 lá chét, lá chét có mặt trên màu lục, mặt dưới nhạt, mỏng hình trái xoan nhọn. Hoa màu trắng xếp thành chùm ở nách. Quả có mép song song, hơi cong hình chữ S, bị ép có khía lồi. Hạt trắng xám hay đỏ. Ra hoa từ tháng 5 tới tháng 11 và có quả già tháng 10 tháng 12. Quả non và hạt chưa chín ăn được. Hạt già cứng nấu lâu mềm ăn rất khó tiêu.
Phân biệt:
1- Phân biệt với cây Đậu đao (Canavalia maritma Aubl) Thou thuộc họ Fabaceae. Đó là cây thảo sống 1-2 năm có thân leo hoặc bò ngang trên mặt đất. Lá kép mọc so le, gồm 3 lá chét hình trái xoan. Cụm hoa ở kẽ lá, mang nhiều hoa lớn màu tím hay trắng. Mối mấu có 1-3 hoa. Quả loại đậu, thẳng, dài 8-12cm, rộng 25-30mm, đầu quả có mũi nhọn 2 mép quả song song. Vỏ ngoài quả nhăn nheo, vỏ quả trong xốp và trắng. Mỗi quả có 2-10 hạt hình bầu dục, dài 15- 20mm, rộng 10-12mm, vỏ hạt màu nâu. Cây thường mọc hoang ở bãi cát ven biển, các tảng cỏ có cây bụi. Hay gặp ở Chi Lăng (Lạng Sơn), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nghệ Tĩnh...Vỏ quả và hạt của cây này có chất độc nhẹ.
(2) Cây Đậu đao và Đậu đao biển vừa mô tả hạt và quả non ăn được, nhưng trong hạt già có độc cần lưu ý.
Địa lý: Cây có trồng ở một số nơi trong nước.
Thu hái: Thu hái vào tháng 7-8, phơi khô bóc vỏ lấy hạt.
Phần dùng làm thuốc: Hạt.
Mô tả dược liệu: Hạt khô biểu hiện hình tròn trứng lép hoặc hình viên chùy, một bên tương đối thẳng ngang, dài chừng 25-30cm, rộng chừng 10-18mm, dày chừng 9,5mm hay hơn, vỏ màu nâu hồng nhạt, trơn bóng, rốn hạt nằm ngang thẳng ở trên gốc bên hạt biểu hiện đường cạn dài mà hẹp, dài chừng 10-16mm ở chính giữa là một đường nhỏ màu trắng tro, lớp ngoài là màu nâu đậm, bao quanh rốn là một vòng bên mép màu nâu nhạt, cùng với lớp vỏ màu hồng nhạt giới hạn rất rõ ràng. Một đầu của rốn hạt có một bộ phận nổi lên, dưới đó có một lô lõm xuống rất nhỏ gọi là ‘Châu khổng’ một đầu khác của rốn có đường sống góc nổi lên gọi là ‘Chủng tích’. Vỏ hạt cứng dầy, mặt trong biểu hiện màu nâu trà.
Cách dùng: Dùng sống hoặc đốt tồn tính.
Tính vị: Vị ngọt, tính ấm.
Quy kinh: Vào 2 kinh Vị, Thận.
Tác dụng: Bổ trung, hạ khí.
Chủ trị: Trị nấc cụt do hư hàn.
Kinh nghiệm dân gian:
1- Nấc cụt sau khi đau lâu, nguyên khí suy yếu làm nấc cụt, dùng hạt Đao đậu đốt tồn tính (hay sao già), tán bột, lần uống 6g với nước nón thì đỡ.
2- Quả non xào nấu hầm với thịt gà, thịt heo ăn rất bổ.
Tham khảo:
+ Đao đậu khí ấm mà làm ấm được Thận, có vị ngọt nên bổ trung, là thuốc ôn vị ích thận, có công dụng hạ khí trị nấc cụt sau khi bị bệnh mà cơ thể suy nhược, hoặc chứng nấc cụt do thận hư rất có hiệu quả. Cho nên Uông Nhẫn Am nói rằng: Đao đậu có tác dụng ôn trung, chỉ ách hay hơn cả vị Thị đế nữa (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét