ĐẢO KHẤU THẢO


Cây thảo sống hàng năm hay hai năm, cao khoảng 1m. Rễ nhỏ, cong queo, bé dần từ cổ rễ đến chóp rễ, dài 10-15cm, đường kính 2-5mm.

ĐẢO KHẤU THẢO   倒 扣 草
Achyranthes asperal.

Tên Việt Nam: Cỏ xước, Ngưu tất nam.
Tên khác: Đảo câu thảo, Đảo thích thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Achyranthes asperal.
Họ khoa học: Amaranthaceae.
Mô tả: Cây thảo sống hàng năm hay hai năm, cao khoảng 1m. Rễ nhỏ, cong queo, bé dần từ cổ rễ đến chóp rễ, dài 10-15cm, đường kính 2-5mm. Lá mọc đối mép lượn sóng. Hoa nhiều, mọc thành bông dài 20-30cm ở ngọn cây. Quả nang có lá bắc tồn tại thành gai nhọn. Hạt hình trứng dài. Mùa hoa vào hè thu.
Phân biệt: Cây này được gọi là Ngưu tất nam, còn cây Ngưu tất bắc chỉ cây khác Achyranthes bidentata Bi (Xem: Ngưu tất).
Địa lý: Mọc hoang khắp nơi, trên các bãi cỏ, ven các đường đi, bờ bụi cũng được trồng để làm thuốc.
Thu hái, sơ chế: Thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa hè thu, rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô.
Phần dùng làm thuốc: Thân rễ.
Tính vị: Vị ngọt nhạt. Tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải biểu, lợi thủy, thông lâm.
Chủ trị:
+ Trị cảm mạo phát sốt, nhức đầu do thử nhiệt, sốt rét, kiết lỵ, sỏi niệu đạo, viêm thận mãn tính.
Liều dùng: Dùng khô 1-60g sắc uống.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị nhiễm độc khí núi rừng, mê man nguy kịch: Lá cỏ xước một nắm lớn sắc uống (Nam Dược Thần Hiệu).
+ Trị phụ nữ bí tiểu, trẻ em đau ngọc hành khi đi tiểu: Cỏ xước hoặc Ngưu tất một nắm lớn sắc uống (Nam Dược Thần Hiệu).
+ Trị phù thũng vàng da: Cỏ xước tẩm rượu, nhai, ngậm nước uống (Nam Dược Thần Hiệu).
Tham khảo:
Rễ cỏ xước được Tuệ Tĩnh trong ‘Nam Dược Thần Hiệu’ dùng thay cho Ngưu tất gọi là Ngưu tất nam, tác dụng giống như Ngưu tất bắc (Xem: Ngưu tất).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét