ÁP CƯỚC MỘC


Cây to hoặc vừa, ruột bấc, lá kép chân vịt, thường có 8 lá chét. Lá kèm, hợp thành 1 lưỡi nhỏ. Phiến lá hình thuẫn, đầu nhọn, gốc tròn, mép nguyên.

ÁP CƯỚC MỘC    鴨 腳 木
Schefflera octophylla (Lour) Harms.

Tên khác : Nga chưởng sài, Ngũ chỉ thông, Tản thác thụ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển). Chân chim núi, Đáng, Sâm nam ( Việt Nam).  
Xuất xứ : Lãnh Nam Thái Dược Lục.
Tên khoa học : Schefflera octophylla (Lour) Harms.
Họ khoa học : Araliaceae.
Mô tả : Cây to hoặc vừa, ruột bấc, lá kép chân vịt, thường có 8 lá chét. Lá kèm, hợp thành 1 lưỡi nhỏ. Phiến lá hình thuẫn, đầu nhọn, gốc tròn, mép nguyên. Hoa hợp thành tán, tụ thành chùy lớn nhiều chùm, mọc ở nách. Hoa nhỏ, trắng, thơm. Quả hạch tròn. Ra hoa mùa đông.
Bào Chế : Lá, vỏ, thân cây hoặc rễ đào về, rửa sạch, bóc vỏ, xắt mỏng, phơi khô, để dành dùng.   
Tính vị, quy kinh :
+ Vị đắng, sáp, tính mát, có mùøi thơm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Vị sáp , tính bình (Lãnh Nam Thái Dược Lục).
+ Vị cay, tính hơi ấm ( Lục Xuyên Bản Thảo).
Tác dụng, chủ trị :
+ Phát hãn, giải biểu, khu phong, trừ thấp. Trị sốt do cảm cúm, họng sưng đau, phong thấp đau nhức, ứ huyết do chấn thương, da bị viêm, Eczema (Trung Dược Học).
+ Giảm đau, nối xương, cầm máu, tiêu thủng. Trị xương đau do phong thấp, sưng đau do chấn thương, gẫy xương (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Nối xương, cầm máu, tiêu thủng, giảm đau. Trị đau nhức do phong thấp, té ngã gẫy xương, thương tích gây sưng đau, vết thương do dao chém chảy máu (Lục Xuyên bản thảo).   
Liều dùng :
+ Sắc uống 13~20g.
+ Giã nát vắt lấy nước đắp hoặc sao với rượu, đắp.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị sưng thủng do chấn thương : Lá Áp cước mộc 1.920g, Táo ba chi (lá) 640g, tán bột. Dùng nước gạo đun sôi, trộn thuốc bột, làm viên 4g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên. Hoặc dùng để đắp bên ngoài (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
+ Trị bị chấn thương : Lá Áp cước mộc tươi, giã nát, lấy nước thấm vào vải đắp (Quảng Tây Trung Thảo Dược).  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét