BẠCH PHỤ TỬ


Bạch phụ tử theo Loureiro trong ‘Flora Cochinchinensis’ là cây Typhonium giganteum Enhl. Đó là cây cỏ đa niên, thân củ hình trứng có khi tròn như quả trứng, đường kính 2-4cm.

BẠCH PHỤ TỬ   白 附子
Typhonium giganteum Engl.

Xuất xứ: Biệt Lục.
Tên khác: Bạch ba xuyến, Tân la bạch nhục (Hòa Hán Dược Khảo), Vũ bạch phụ, Độc giác liên, Vũ bạch phụ, Ma vu tử, Hồng nam tinh, Đại bán ha (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)ï.
Tên khoa họcTyphonium giganteum Engl.
Họ khoa họcAraceae.
Tên gọi: Vị này giống như củ Phụ tử nhưng nhỏ hơn, thật ra không phải loài Phụ tử.
Mô Tả : Bạch phụ tử theo Loureiro trong ‘Flora Cochinchinensis’ là cây Typhonium giganteum Enhl. Đó là cây cỏ đa niên, thân củ hình trứng có khi tròn như quả trứng, đường kính 2-4cm. Lá mọc ở gốc, 1-3 phiến, có cuốn dài, cao hơn 30cm, lá phiến tam giác hình trứng, hình mũi tên ở gốc, dài 10-35cm, rộng 7-22cm. Bông mo nhị đực ở trên, nhị cái ở dưới, bên ngoài bao bởi bông mo màu tím. Quả mọng màu hồng.
Phân biệt:
1) Vị này còn gọi là Vũ bạch phụ, còn vị có ở Đông bắc Trung Quốc gọi là Quan bạch phụ thuộc họ Mao lương. Vị Vũ bạch phụ chuyên về khử phong đờm, còn Quan bạch phụ chuyên về trục hàn thấp và chống co giật. Quan bạch phụ có độc giống Ô đầu.
2) Bạch phụ tử ở trên còn dùng lẫn lộn với 2 vị thuốc khác là rễ của cây Jatropha janipha Lour thuộc họ Euphorbiacea, và cây San hô hay Bạch phụ tử, Đỗ trọng nam, đầu lai nhiều khía (Jatrophja muliifida L.) thuộc họ Euphorbiaceae, còn có tên khác là cây Đầu mè đỏ, đầu lai nhiều khía.
3) Có nơi dùng cây Bạch phụ tử lẫn với cây Aconitin Sp.
Địa lý: Theo ‘Trần Nhân Sơn Dược Vật Sinh Sản Biện’, cây này có ở châu Vũ Hà Nam (Trung Quốc), Ít thấy ở Việt Nam.
Thu hái: Đào rễ phơi khô vào giữa tháng 3.
Phần dùng làm thuốc: Dùng củ rễ.
Tác dụng: Khử đờm, chỉ thống, đồng thời có tác dụng khu  phong, trừ thấp.
Tính vị: Vị cay ngọt, tính rất nóng, có ít độc.
Qui kinh: Vào kinh vị.
Chủ trị: Trúng phong đàm nghẹt, miệng méo, mắt xếch, đau nhức bên đầu, phá thương phong.
Liều dùng: Dùng từ 4-12g.
Kiêng Kỵ: Âm hư nội nhiệt không phải hàn chứng cấm dùng.
Bào chế: Khi dùng phải ngâm với nước sôi hoặc vùi vào tro nóng để cho bớt độc (Bản Thảo Cương Mục).
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị nhức đầu do đờm nghịch: Bạch phụ tử, Thiên ma, Bán hạ, Nam tinh các vị bằng nhau, trộn với nước gừng và hồ, là thành viên to bằng hạt đậu xanh, mỗi  lần uống 40 viên với nước sắc gừng (Phổ Tế Phương).
+ Trị trúng phong méo miệng, liệt mặt:  Bạch phụ tử, Bạch cương tàm, Toàn yết, lượng bằng nhau, tán bột,  mỗi lần uống 8g với rượu  (Khiên Chính Tán - Dương Thị Gia Tàng).
+ Trị trẻ nhỏ bị cấp kinh phong: Bạch phụ tử, Đởm tinh, Toàn yết, Bạch cương tàm, Câu đằng, Thiên trúc hoàng, Bạch đàn hương, Ngưu hoàng (Toàn Ấu Tâm Giám phương).
+ Trị trẻ nhỏ bị say nắng, nắng độc nhập vào tim làm hôn mê co giật, đờm chặt ở cổ: Bạch phụ tử, Thiên nam tinh, Bán hạ (bỏ vỏ), đều bằng nhau, tán bột, trộn với mật heo làm thành viên to bằng hạt đậu, uống với nước Bạc hà, tùy trẻ mạnh hay yếu để uống, nên đặt trẻ nằm nghiêng để ra đàm nhớt ( Tam Sinh Hoàn - Toàn Ấu Tâm Giám).
+ Trị phong hàn chóng mặt, do khí uất tức ngực sườn: Bạch phụ tử ngâm nước sôi, bỏ vỏ, nửa cân, Thạch cao nung đỏ nửa cân, Chu sa 70g, Long não 3g, tán bột, trộn với hồ làm viên to bằng hạt đậu đỏ, mỗi lần uống 30 viên với rượu sau khi ăn ( Ngự Dược Viện Phương).
+ Trị đau nhức 1 bên hoặc giữa đầu: Bạch phụ tử, Bạch chỉ, Trư nha trạo giác (bỏ vỏ), các vị bằng nhau, tán bột, uống vào bữa ăn với nước chè xanh (Phổ Tế Phương).
+ Trị tai chảy mủ nước: Bạch phụ tử ngâm nước, Khương hoạt 30g tán bột, 1 trái thận heo, 1 trái thận dê, cứ mỗi quả thận cho vào 3g thuốc, lấy lá gói lại, nướng chín, ăn lúc gà gáy sáng với rượu nóng (Thánh Tế Tổng Lục).
+ Trị họng viêm rát: Bạch phụ tử tán bột, Khô phàn, 2 vị bằng nhau, tán bột, ngậm trên lưỡi, đàm ra nhiều càng tốt (Thánh Huệ Phương).
+ Trị sa dịch hoàn, thoát vị bẹn: Bạch phụ tử 1 củ, tán bột, trộn nước bọt của mình đắp trên rốn, lấy Ngải cứu, cứu 3 lửa hoặc 5 lửa thì đỡ (Dương Khởi Giản Tiện Phương).
+ Trị trẻ nhỏ hay mửa, hư Suyễn: Bạch phụ tử, Hoắc hương 2 vị bằng nhau, tán bột,  uống 1,5g với nước gạo (Bảo Ấu Đại Toàn).
+ Trị  đờm lỏng kèm hàn tà: Bạch phụ tử, Nam tinh, Bán hạ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị chóng mặt do phong đờøm, nhức đầu do đờm quyết: Bạch phụ tử chế. Nam tinh chế, Bán hạ chế mỗi thứ 8g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).
+ Trị nôn mửa co rút do phong đờm: Bạch phụ tử, Nam tinh (chế), Bán hạ, Xuyên ô (chế), Thiên ma mỗi thứ 6g, Toàn yết 3g, Cương tàm 4,5g, Trần bì 9g, Mộc hương 4,5g, sắc uống (Bạch Phụ Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).) .
+ Trị thấp chẩn ở bìu đái, ngứa lở, phong ngứa lở: Bạch phụ tử, Khương hoạt, Hoàng kỳ, Bạch tật lê mỗi thứ 9g, tán bột lần uống 6g, ngày 2 lần với nước  (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).
Tham khảo:
Hắc phụ tử, gọi tắt là Phụ tử thiên về dẫn thuốc chạy ở hạ tiêu, chủ tráng dương, tán hàn. Bạch phụ tử, vị cay, ôn, đã tán lại thăng, chuyên dẫn thuốc chạy ở thượng tiêu, trị bệnh ở vùng đầu mặt. Không thể lầm lẫn được (Thực Dụng Trung Y Học).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét