Hình bầu dục, hai đầu hơi nhọn, dài 1,6-2,3cm, rộng 1-1,6cm. Vỏ cứng, ngoài mầu trắng tro, phẳng, cứng, mép rìa có hai đường gờ cạnh, một đầu có núm lồi lên hình vuông nhỏ dài, nhân ở trong cứng, hình bầu dục, kho bỏ vỏ, một đầu có màng mỏng xám nhạt.
BẠCH QUẢ 白 果
Semen Ginkgo.
Xuất xứ: Nhật Dụng Bản Thảo.
Tên gọi: Hạt nhỏ màu trắng, giống như trái hạnh nên gọi là Bạch quả hoặc Ngân hạnh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khác: Áp cước tử (Bản Thảo Cương Mục), Công tôn thụ (Cương Mục Thập Di), Ngân hạnh (Thiệu Ứng Bản Thảo), Phật chỉ giáp (Triết Giang Thông Chí).
Tên khoa học: Semen Ginkgo.
Họ khoa học: Họ Bạch Quả (Ginkgoaceae).
Mô Tả : Bạch quả là hạt của cây Ginkgo biloba Linn., cây có thân to, thân phân nhánh. Lá hình quạt, rụng hàng năm, gân lá phân nhánh theo lối lưỡng phân. Hoa đơn tính khác gốc. Nón đực gồm 1 trục dài trên đó xắp xếp theo 1 đường xoắn ốc nhiều nhị, có một cuống ngắn mang 2 túi phấn, nón cái gồm 1 cành ngắn, chia làm hai nhánh, mỗi nhánh mang một noãn trần. Hạt hình trứng giống như một quả hạch. Vỏ hạt có hai lớp, lớp ngoài mềm lớp trong cứng.
Địa lý: Cây này còn phải nhập của Trung Quốc.
Thu hái, sơ chế: Thu hái sau tiết Sương giáng, chọn lúc trời thật nóng. Đập dập, bóc vỏ cứng của hạt, lấy nhân nhúng vào nước ấm một lúc để bóc màng bọc ngoài nhân. Khi dùng giã nát.
Phần dùng làm thuốc: Dùng hạt chín khô (Semen Gingko) của cây Ngân Hạnh (Gingko biloba L.). Nhân chắc sắc trắng ngà là tốt.
Mô Tả dược liệu: Hình bầu dục, hai đầu hơi nhọn, dài 1,6-2,3cm, rộng 1-1,6cm. Vỏ cứng, ngoài mầu trắng tro, phẳng, cứng, mép rìa có hai đường gờ cạnh, một đầu có núm lồi lên hình vuông nhỏ dài, nhân ở trong cứng, hình bầu dục, kho bỏ vỏ, một đầu có màng mỏng xám nhạt. Nhân hạt mầu vàng nhạt hoặc lục vàng, bên trong có nhân mầu trắng, có chất bột, giữa có lỗ hổng với lõi ruột nhỏ. Không mùi, vị ngọt, hơi đắng (Dược Tài Học).
Bào chế:
+ Bạch quả nhân: Bỏ vỏ cứng, thái ra (Vạn Bệnh Hồi Xuân). Bỏ vỏ cứng là dùng được (Dược Tài Học).
+ Sao Bạch quả nhân: Sao cho vàng là được (Thọ Thế Bảo Nguyên).
+ Thục Bạch quả: Chưng với Gạo tẻ (Trấn Nam Bản Thảo). Sao hoặc nướng chín, bỏ vỏ cứng (Dược Tài Học).
+ Ổi Bạch quả:
Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng tránh nóng ẩm, dễ biến chất.
Thành phần hóa học:
Trong Bạch quả có:
+ 4-O-Methylpyridoxine, Gingkotoxin (Wada K và cộng sự, Chem Pharm Bull 1988, 36 (5) : 1779).
+ 6-(Pentadec-8-enyl)-2-4-Dihydroxybenzoic acid, 6-Tridecyl-2-4-Dihydroxybenzoic acid, Anacardic acid (Gellerman J L và cộng sự, Phytochemistry 1976, 15 (12) : 1959).
Nhân Bạch quả có:
+ Ginkgolic acid, Hydroginkgolic acid, Hydroginkgolinic acid (Phó Phong Vĩnh, Dược Học Học Báo 1962, 28 : 52).
+ Bilobol, Ginnol (Hiroshi M và cộng sự, Chem Pharm Bull 1968, 16 (11) : 2282).
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng đối với hệ hô hấp: Nước sắc hoặc dịch chiết chích Bạch quả có tác dụng tan đờm, giảm ho (Trung Quốc Nhân Dân Giải Phóng Quân Vận 230 Y Viện, Y Học Tư Khoa 1973, (1) : 14).
+ Tác dụng miễn dịch: Nước sắc Bạch quả có tác dụng thể dịch miễn dịch, và tế bào miễn dịch (Trương Hồng Tuyền, Trung Dược Dược Lý Dữ Lâm Sàng, 1989, 5 (2) : 31).
+ Kháng dị ứng: Nước sắc Bạch quả có tác dụng chống dị ứng (Han D S. C A 1966, 65 : 7861c).
+ Chống lão hóa: Nước sắc Bạch quả cho cuột nhắt uống có tác dụng kéo dài tuổi thọ (Nguyện Duy Nhung, Giang Tô Trung Y 1989, 10 (8) : 32).
+ Kháng vi sinh: Nước sắc Bạch quả hoặc nước cốt Bạch quả có tác dụng kháng trực khuẩn lao (Dương Tảo Thần, Thượng Hải Đệ Nhất Y Học Viện Học Báo 1957, (2) : 117).
+ Kháng Bồ đào cầu khuẩn, Liên cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn thương hàn (Chu Úc Văn, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1950, 36 (12) : 549).
+ Chống ung thư do các chất Anacardic acid, Bilobol, Cardanol (Từ Lập Xuân, Trung Thành Dược 1988 (9) : 33).
+ Làm chắc thành mạch, tăng tuần hoàn vi mạch, nhất là tăng tuần hoàn máu đến não, chống thiếu máu não, chống thoái hóa điểm vàng, trị ù tai, chóng mặt do tuổi già, chống mỏi chân, nặng chân, đau cách hồi do động mạch suy, tĩnh mạch suy (Vanni P và cộng sự, Boll Soc Ital Biol Sper 1972, 48 (23) : 1031).
+ Làm chậm quá trình dẫn đến não suy và hồi phục trí nhớ. Dùng liều cao gấp đôi: 240mg cao lá Bạch quả/ngày mà không thấy có tác dụng phụ ( Watt J M, Medicinal and Poisonous Plánt Ò Southern and Eastern Africa 2ed. 1962 : 456).
+ Cho 309 bệnh nhân mắc bệnh não suy từ nhẹ đến nặng dùng viên thuốc chứa 40mg EGb761 là cao chuẩn hóa từ lá Bạch quả khô, chứa 24% Gingko-Flavoneglycosid và 6% Terpenelacton (3,1% Ginkgolid A, B, C và 2,9% Bilobalid). Bệnh nhân não suy tình nguyện được cho dùng liều 1 viên 40mg EGb, ngày 3 lần, trước bữa ăn, từ 6-12 tháng. 50% uống thuốc, 50% dùng giả dược. Kết quả cho thấy 20% số bệnh nhân được cải thiện trí nhớ (Jama Bull. American Medicines Assosiation, 1997).
Tính vị:
+ Vị ngọt, bình, tính hàn (Trấn Nam Bản Thảo).
+ Vị ngọt, khí ôn, có ít độc (Bản Thảo Dược Tính Đại Toàn).
+ Vị ngọt đắng, tính bình, sáp, không độc. Chưng chín ăn có vị hơi ngọt, hơi đắng, tính ôn, có ít độc (Bản Thảo Cương Mục).
+ Vị ngọt, đắng sáp, tính bình. Có ít độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Qui kinh:
+ Vào kinh thủ Thái âm Phế, thủ Thái dương Tiểu trường (Bản Thảo Hối Ngôn).
+ Vào kinh Tâm (Dược Tính Thông Khảo).
+ Vào kinh Tâm, Phế, Thận (Bản Thảo Tái Tân).
+ Vào kinh phế (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tác dụng, Chủ trị:
+ Ăn sống có tác dụng giải rượu (Tam Nguyên Sâm Tư Diên Thọ Thư).
+ Thanh trọc khí ở Phế và Vị, hóa đờm, định suyễn, chỉ khái (Y Học Nhập Môn).
+ Chưng chín ăn có tác dụng ôn Phế, ích khí, định suyễn thấu, súc tiểu tiện, chỉ bạch trọc. Ăn sống có tác dụng giáng đờm, tiêu độc, sát trùng (Bản Thảo Cương Mục).
+ Sao lên có tác dụng bổ Phế, tiết nghịch khí, cố Thận, trừ tà thấp (Y Lâm Toản Yếu).
+ Bổ khí, dưỡng Tâm, ích Thận, tư âm, chỉ khái, trừ phiền, sinh cơ, trưởng nhục, bài nùng, thác độc, tiêu sang giới, ung lựu (Bản Thảo Tái Tân).
+ Trị ho suyễn lâu ngày, tiểu ra nước đục, Bạch đới. Nướng chín dùng có thể trị tiểu nhắt, tiểu đêm, cầm tiêu chảy (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Liều dùng: Dùng từ 4-12g
Kiêng Kỵ:
+ Ăn nhiều khí sẽ ủng trệ, phong sẽ động, trẻ nhỏ ăn nhiều sẽ bị hôn mê, kinh giật dẫn đến chứng cam (Nhật Dụng Bản Thảo).
+ Vị này không nên dùng nhiều quá, có thể trúng độc, có thực tà cấm dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị ho, hàn suyễn: Bạch quả 7 hạt nướng chín lấy lá Ngải bọc ngoài, bao giấy lại nước thơm, lấy Bạch quả ăn, bỏ ngải cháy đi (Bí Uẩn phương).
+ Trị suyễn: Bạch quả 21 trái sao vàng, Ma hoàng 12g, Khoản đông hoa, Bán hạ chế, Tang bạch bì (sao với mật), mỗi thứ 8g, Hạnh nhân khử bỏ vỏ đầu nhọn, Hoàng cầm sao sơ qua mỗi thứ 4g rưỡi, Cam thảo 4g. Sắc với 3 chén nước còn 2 chén, chia làm 2 lần uống, không nên dùng với gừng (Bạch Quả Định Suyễn Thang - Nhiếp Sinh Chúng Diệu phương).
+ Trị ho, mất tiếng: Bạch quả nhân 120g, Bạch phục linh, Tang bạch bì 80g, Đậu đen nửa tô. Mật ong nửa cân, nấu chín, phơi nắng, tán bột, hòa với nửa chén sữa người trộn ướt, cửu chưng cửu sái, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 30 viên (Dư Cư Sĩ phương).
+ Trị xích bạch đới do hạ nguyên suy: Bạch quả, Liên nhục, Giang mễ mỗi thứ 20g, Hồ tiêu 4g rưỡi, tán bột, dùng 1 con gà đen bỏ hết ruột, cho thuốc vào nấu nhừ, ăn chín khi đói (Tập Giản phương).
(8) Đau răng do đau răng dùng Ngân hạnh sống (sao) mỗi lần ăn cơm nhai 1-2 trái (Vĩnh loại kiềm phương).
(9) Tay chân nứt nẻ dùng Bạch quả sống nhai nát xức hàng đêm.
+ Trị mặt mũi nổi hạt thịt đỏ: Ngân hạnh với bã rượu nhai nát, tẩm lên chỗ thịt bị đỏ, sáng lấy ra (Y Lâm Tập Hiệu phương).
+ Trị lở ngứa ở đầu mặt: Bạch quả nhân sống, xắt lát, sát vào nhiều lần có hiệu quả (Thiệu Thị Kinh Nghiệm phương).
+ Trị hạ bộ lở loét: Bạch quả giã nát, xức vào (Triệu Nguyên Dương phương).
+ Trị bộ phận sinh dục ngứa: Bạch quả nhân nhai nhỏ, xát vào nhiều lần, có hiệu quả (Lưu Trường Xuân phương).
+ Trị vú lở loét: Ngân hạnh 440g nghiền nát, uống với rượu. Bên ngoài dùng 120g nghiền nát đắp vào (Cấp Cứu phương).
+ Trị đinh nhọt các loại: Dùng kim châm 4 bên mụn xong, lấy Ngân hạnh bỏ xác, tầm dầu lâu năm, giã nát, đắp vào vết thương (Phổ Tế phương).
+ Trị tiêu ra máu: Ngân hạnh nướng chín để nguội ăn với nước cơm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Tiểu gắt: Bạch quả 14 trái, 7 trái nước sống, 7 trái nước chín ăn vào có hiệu quả ngay (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị tiểu đục như nước vo gạo: Bạch quả sống 10 trái, giã nát, uống với nước, ngày 1 lần (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị đàm suyễn, ho: Ngân hạnh 7 quả, Ma hoàng 10g, Chích cam thảo 10g, sắc với 1 chén rưỡi nước còn 8 phân uống khi ngủ (Áp Chưởng Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị hen phế quản, ho đàm nhiều: Bạch quả 16g (lấy nhân), Ma hoàng, Hoàng cầm, Cam thảo (sống) mỗi thứ 8g, Khoản đông hoa, Bán hạ (chế), Tang bì, Tô tử, Hạnh nhân mỗi thứ 12g, sắc uống (Định Suyễn Thang - (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị lao phổi: Bạch quả tươi (hái vào sau mùa thu), ngâm trong dầu ăn 100 ngày. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần dùng 1 hạt, uống liên tục 30-100 ngày (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị bạch đới lâu ngày không dứt, khí hư đới mạch lâu ngày không nhiếp được: Bạch biển đậu 40g, Bạch quả 12g, Quỳ ngạnh (bỏ vỏ ngoài, dùng vỏ trắng bên trong, lấy nhánh hướng mặt trời mọc) 16g, sắc uống với đường đen (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị bạch đới: Bạch quả 1 hạt (nghiền nhỏ), lấy 1 trứng gà soi một lỗ nhỏ, bỏ thuốc vào, dán lại, hấp cơm ăn. (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị mộng tinh: Bạch quả 3 hạt, chưng với rượu, ăn ngày 3 lần, liên tục 4-5 ngày (Hồ Nam Dược Vật Chí).
+ Trị lâm trọc mạn tính, phụ nữ bị đới hạ, chóng mặt: Bạch quả nhân (sao, chưng, bỏ vỏ), Hoài sơn. Lượng bằng nhau. Sấy khô, tán bột. Mỗi ngày dùng 40g, chia làm 3-4 lần, uống với nước cơm hoặc nước ấm (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
Tham khảo:
+ Bạch quả cốt thu liễm phế khí, cho nên chữa ho thở, bạch đái, bạch trọc...nhưng uống nhiều thì khí ủng tắc không lưu thông được hay sinh chứng đầu chướng, có khi chết cho nên vị này cũng ít dùng (Bách Hợp).
+ Bạch quả tính sáp mà thu liễm, thiên về trị ho kinh niên, Phế hư, khí nghịch, đồng thời có công dụng trị đới hạ (Thực Dụng Trung Y Học).
Ngộ độc: Khi trúng độc Bạch quả, có thể xuất hiện nhức đầu, phát sốt, co giật, bứt rứt không yên, nôn mửa khó thở, dùng Cam thảo 60g hoặc xác vỏ Bạch quả 30g sắc uống để giải độc. Để dùng giải độc khi dùng vị Bạch quả không nên bỏ vỏ cứng ở ngoài và vỏ mỏng bọc quanh hạt (Trung Y Đại Từ Điển).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét