CẨU TÍCH


Cây cao 1m-2,5m. Lá hình tam giác dài 1-2m, mặt dưới lá có nhiều ở túi hình con hến, màu vàng rất đặc sắc.

CẨU TÍCH    狗 脊
Cibotium barometz J Sm.

Xuất xứ: Bản Kinh.
Tên Việt Nam: Kim mao, cây Lông khỉ, Cây rễ lông cu ly, Cẩu tích.
Tên khác: Bách chi (Bản Kinh), Cường lữ, Phù cân, Phù cát (Biệt Lục), Cẩu tích, Xích tiết (Ngô Phổ Bản Thảo),  Nhung nô (Hòa Hán Dược Khảo), Kim mao cẩu tích (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Cibotium barometz J Sm. (= Dicksonia barometz Link).
Họ khoa học: Họ Lông Cu Li (Dicksoniaceae).
Tên gọi:
. Rễ dài nhiều cong queo, giống xương sống lông chó nên gọi là Cẩu tích (Cẩu : chó, tích: xương sống lưng).
, Có lông vàng nên gọi là Kim mao, Lông khỉ.
Mô tả: Cây cao 1m-2,5m. Lá hình tam giác dài 1-2m, mặt dưới lá có nhiều ở túi hình con hến, màu vàng rất đặc sắc. Thân rễ có lông tơ màu vàng bao phủ giống như con cu ly hay con chó con nên mới gọi là lông cu ly hay Kim mao Cẩu tích.
Địa lý: Có khắp nơi trong rừng núi nước ta.
Thu hái, sơ chế: Chọn vào tháng 8 tháng 2 phơi âm can, lấy thân rễ cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông nhung vàng, xắt lát phơi khô.
Phần dùng làm thuốc: Dùng thân rễ, rễ to nhỏ không đều, mặt ngoài sạch lông, mặt cắt ngang màu nâu hồng và có vân. Chất cứng, rắn, khỏ bẻ, có vị hơi chát.
Mô tả dược liệu: Thêm rễ Cẩu tích khô hình dài, đường kính khoảng 3,2cm, bên ngoài phủ khít lông nhung dạng tơ màu cam nâu hoặc vàng, nơi lông tróc rụng màu đen. Có vết gốc tàn rễ nhỏ hoặc vết rễm đồng thời khắp nơi đều có vết tích cuống lá, chất cứng mặt bẻ màu đen nâu, gần mép có một vòng cạnh sống lưng hơi lồi lên màu vàng sậm. Thương phẩm thường thái thành phiến dày để dùng. Hình thể phiến không đều nhăn teo, chính giữa hơi lõm xuống.
Bào chế:
. Lấy về rửa sạch cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông vàng phủ xung quanh thân rễ, xắt mỏng phơi khô. Có khi đồ hơi nước rồi mới phơi, làm vậy nhiều lần. Có khi lại còn đồ với đậu đen, đồ 9 lần, phơi 9 lần rồi cuối cùng xắt mỏng phơi khô.
. Rang cát nóng cho Cẩu tích đã xắt lát, rang cho sém hết lông còn sót lại, lấy ra để nguội rửa sạch ngâm nước 1 đêm rồi đồ kỹ cho mềm, tẩm rượu 1 đêm rồi sao vàng (Lôi công). Xắt lát sao hết lông rồi dùng (Lý Thời Trân).
Bảo quản: Để nơi khô ráo, dễ mốc.
Tính vị, Vị đắng ngọt, tính ấm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Quy kinh: Vào kinh Can, Thận.
Tác dụng : Bổ Can Thận, mạnh lưng gối, khư phong thấp.
Chủ trị: Trị đau mỏi thắt lưng, đầu gối, đái dầm, đái nhiều lần, bạch đới.
Liều dùng: Dùng từ 9 – 15g
Kiêng kỵ: Thận hư có nhiệt, hư hàn không dùng.
Ghét Bại tương, Sa thảo. Tỳ giải làm sứ cho nó (Bản Thảo Kinh Sơ)..
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Các loại phong của đàn ông: Kim mao Cẩu tích, lấy đất bùn trộn muối bịt kín lại đốt nóng đỏ bỏ lông. Tô mộc, Tỳ giải, Xuyên ô đầu (dùng sống), các vị bằng nhay tán bột. Giấm, gạo trộn lại làm viên bằng hạt ngô đồng, lần uống 12 viên với rượu muối nóng (Tứ Bảo Đơn - Phổ Tế Phương).
+ Con gái chưa chồng bị bạch đới, Xung Nhâm mạch bị hư hàn:  Kim mao Cẩu tích đốt sạch lông, Bạch liễm mỗi thứ 30g tán bột, dùng giấm nấu với ngãi trộn với bôt nếp làm viên bằng hạt ngô đồng lần uống 50 viên với rượu nóng lúc đói ( Lộc Nhung Hoàn - Tế Sinh Phương).
+ Cố tinh, mạnh gân:  Kim mao Cẩu tích, Viễn chí, Bạch phục thần, Đương quy thân, các vị bằng nhan tán bột, luyện mật làm viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 50 viên với rượu (Giản Tiện Phương).
+ Sau khi bệnh chân phù thủng, nên ăn uống điều độ để dưỡng vị khí. Bên ngoài dùng Cẩu tích sắc ngâm rửa (Uẩn Yếu Phương).
+ Trị bạch đới do 3 kinh Xung, Nhâm, Đới bị hư hàn nơi phụ nữ chưa chồng:  Lộc nhung, Cẩu tích, Bạch liễm, Ngải cứu, Phục linh, Xà sàng tử, trộn với hồ làm thành viên, mỗi lần uống 20 viên (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Cố tinh mạnh xương, mạnh thắt lưng, dùng Cẩu tích, Ngưu tất, Thỏ ty tử, Địa hoàng, Sơn thù nhục, Bạch giao, Đỗ trọng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
(8) Dùng lông đắp lên để cầm máu (Trung Dược Học).
+ Trị Can Thận bất túc, đau mỏi thắt lưng và tiểu lắt nhắt không tự chủ, phụ nữ bị đới hạ: Cẩu tích 12g, Ngưu tất, Thỏ ty tử, Sơn thù du, Lộc giao (chưng), Đỗ trọng mỗi thứ 9g, Thục địa 12g sắc uống (Cẩu Tích Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị viêm khớp thiên về hàn thấp: Cẩu tích 12g, Ô đầu (chế), Tỳ giải đều 9g, Tô mộc 6g, tán bột, làm thành viên, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần, hoặc sắc uống  (Huyết Bảo Đơn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị khí huyết đều hư đồng thời cảm phải phong thấp: Kim mao cẩu tích, Xuyên ngưu tất, Hải phong đằng, Mộc qua, Tang chi, Tùng tiết, Tục đoạn, Tần giao, Quế chi, Đương quy, Hổ cốt đều 9g, Thục địa 15g, sắc , trộn với 1 tí rượu  uống (Cẩu Tích Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tham khảo:
. Cẩu tích có thể thông huyết mạch, mạch Can, Thận, khư phong thấp, dùng trong trường hợp thắt lưng đau mỏi, khớp xương không thông dùng vị thuốc này rất công hiệu. Thuốc có tính ôn mà bổ, lại có công hiệu ôn dưỡng, cố nhiếp. Lông của nó dùng ngoài có tác dụng  chỉ huyết, sinh cơ (Thực Dụng Trung Y Học).
Phân biệt: Có nơi lầm Cẩu tích với Quán chúng, cần chú ý tránh nhầm lẫn.
. Cây Quán chúng: Nguồn gốc thực vật của cây này còn chưa thống nhất, Tên khoa học chưa được xác định chính xác. Tại nhiều vùng, nhân dân dùng dưới tên Quán chúng, thân rễ của nhiều loài. Quyết thực vật khác nhau. Dưới đây là một số cây cùng tên với Quán chúng: Cyrtomium fortunei J Sm thuộc họ Polypodiaceae, Cây Guột chó [Woodwardia unigemnata (Makino) Nakai] họ Blechnaceae, Cây Sâm chân rết (Helminthostachys zeylanica hook) họ Helminthostachyaceae (Xem: Quán chúng).
. Vị Quán chúng hiện thu mua như sau: Khối khúc khuỷu, có khi được chặt thành từng khúc. Mặt ngoài màu nâu thẩm, phủ bởi nhiều lông vẩy màu nâu. Mặt cắt ngang màu nâu đỏ có nhiều chấm và vệt màu đen, nhiều đám màu trắng ngà, có vị hơi chát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét