CẨU VI THẢO


Cỏ sống hằng năm, thân thẳng đứng thường phân nhánh ở gốc, nhẵn ráp. Lá hình dải, phẳng, dài, nhọn đầu, lông thưa ở mặt trên, mép dày

CẨU VI THẢO   狗 尾 草
Setaria viridis P. Beauv.

Tên Việt Nam: Cỏ đuôi chó, cỏ Sâu róm.
Tên khác: Quang minh thảo, A la hán thảo, Dữu (Bản Thảo Cương Mục), Cẩu mao bán chi (Cương Mục Thập Di), Cẩu thảo (Nhật Bản), Mễ mễ mao (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Setaria viridis P. Beauv.
Họ khoa học: Gramineae.
Mô tả: Cỏ sống hằng năm, thân thẳng đứng thường phân nhánh ở gốc, nhẵn ráp. Lá hình dải, phẳng, dài, nhọn đầu, lông thưa ở mặt trên, mép dày, bẹ lá có lông ở mép, lưỡi bẹ giảm chỉ còn một vòm lông, cụm hoa là hình chùy dạng bông, hình trụ, dày đặc, thẳng đứng, màu lục hay hơi đỏ, dài 3-8cm, cuống chung lớn, khía rảnh, có lông, gốc bông nhỏ có vòng lông dày. Bông nhỏ hình trái xoan, màu lục, nhẵn, mày mềm, hình bầu dục nhọn. Hoa ở dưới có mày hoa thuôn tù, phẳng. Hoa ở trên lưỡng tính, mày hoa dai, nhẵn hay hơi ráp, màu nhạt. Có hoa gần như quanh năm.
Tên gọi: Cỏ Đuôi chó, hoa nó giống hình đuôi con chó nên gọi như thế.
Địa lý: Mọc phổ biến ở các bãi cỏ thấp, khô, nhiều nắng, xen lẫn với các loại cỏ thấp hơn. Phân bố hầu hết trên các tỉnh miền bắc Việt Nam. Cỏ thường để chăn nuôi, hoặc giữ đất.
Phần dùng làm thuốc: Toàn cây.
Thu hái, sơ chế: Thu hái vào mùa thu, bỏ lá sâu, rửa sạch phơi khô.
Tính vị: Vị đắng, tính lạnh.
Tác dụng : Lợi thủy tiêu sưng, điều kinh hoạt huyết, Thanh nhiệt minh mục.
Chủ trị: Chữa bệnh đỏ mắt, mắt có lông quặm, tiểu không thông, kinh nguyệt không đều, đau nhức do lao động quá sức.
Cách dùng: Dùng 1-2 thân, thấm dập cho ướt, rửa cho hết máu dơ đắp thuốc vào.
Liều dùng: Uống trong 2-9g. Ngoài dùng tùy ý.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị ẩn chẩn: dùng thân cỏ Sâu róm, cà sát vào để tán huyết ứ, làm nhiều lần như vậy nhưng phải tránh gió (Hàng Tập Tam Phương).
+ Trị Dương mao ban (Dương mao sa): dùng cỏ đuôi chó sắc uống, bên ngoài dùng Kim bạc khêu phá vết u màu hồng, khêu ra những sợi như lông dê thì lành, nếu không hết căng lên thì chết (Gia Bảo Phương).
Tham khảo:
. Dữu (Tú) thảo có bông hoa mà không có quả vì vậy chữ Tú mà ra, bông hình như đuôi chó nên tục gọi là Cẩu vi. Thân của nó trị đau mắt nên các phương sĩ gọi là Quang minh thảo, A la hán thảo (Bản Thảo Cương Mục).
. Cây này thường sinh nhiều ở nơi hoang giã, nơi tường thấp, lá ngọn giống như cây lúa nhưng nhỏ hơn, bông cũng giống như lúa có màu trắng nhưng không có hạt quả, ngắt thân ống để trị đau mắt, cây mọc trong ruộng lúa mì làm hại lúa tức là cây này (Bản Thảo Cương Mục).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét