CHỈ CỦ TỬ


Cây to, cao 7-10m. Vỏ cây màu xanh xám. Cành non màu hồng, có lông nhỏ và nốt sần.

CHỈ CỦ TỬ   枳 梖  子
Hovenia dulcis Thunb.

Xuất xứ: Đường Bản Thảo.
Tên Việt Nam: Vạn thọ.
Tên khác: Mật chi khấu, Mật khuất luật (Quảng Ký), Mộc mật, Mộc đường (Thập di), Mộc san hô (Quảng Chí), Kệ cự tử (Tô Văn), Kê trảo tử (Tục Danh), Vạn thọ quả (Sinh Sản Biện), Mộc danh thạch mộc (Đường chú), Thạch lý, Bạch bữu, Kỳ tử, Chi củ, Cẩu tử, Quải táo, Kiên kỳ, Kiêm cú, Táo cẩu, Lạn qua, Lạn cấu, Mộc khuất luật, Bạch thạch lê, Khúc chi quả, Chi củ tử, Kim điếu lê, Kim lê trảo, Gia kỳ tử, Kê tiêu tử (Hòa Hán Dược Khảo), Giao gia tử, Kiên cũng, Kết cẩu tử, Tào công trảo, Lê táo thụ, Lại hái chỉ đầu (Bản Thảo Cương Mục), Mộc thang, Thu mật (Cổ Kim Chú), Chi cư tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Hovenia dulcis Thunb.
Họ khoa học: Rhamnaceae.
Mô tả: Cây to, cao 7-10m. Vỏ cây màu xanh xám. Cành non màu hồng, có lông nhỏ và nốt sần. Lá mọc so le, có cuống dài, 3 gân tỏa từ gốc lá, mép khía răng nhọn. Hoa màu vàng lục nhạt mọc thành xim ở kẽ lá hoặc ngọn cành. Quả hình cầu, màu nâu xám, khi chín những nhánh con mang quả phồng to lên màu nâu hồng, vị ngọt ăn được. Hạt tròn dẹt. Ra hoa tháng 6-8. Quả tháng 9-11.
Địa lý: Cây mọc hoang và được trồng ở miền núi, mới thấy có ở Cao bằng, Lạng sơn. Trồng bằng hạt hoặc cành.
Phần dùng làm thuốc: Quả và nhánh con mang quả.
Thu hái, sơ chế: Thu hái khi quả chín, phơi khô trong nắng to vào tháng 8-9.
Mô tả dược liệu: Hạt khô loại giống hình tròn, phẳng dẹt, đường kính khoảng 4,5mm, mặt sau hơi lồi lên, chính giữa mặt bụng có cạnh sống lưng, điểm rốn ở một đầu cửa cạnh sống lưng, hơi lõm vào, vỏ hạt màu đen nâu hoặc màu đỏ nâu, bóng trơn óng ánh, nhân hạt dẹt phẳng lớp ngoài màu vàng sẫm, lớp trong màu vàng tươi.
Tính vị: Vị ngọt, tính bình, không độc.
Tác dụng: Thanh thấp nhiệt, giải độc rượu, đồng thời có tác dụng lợi tiểu.
Chủ trị: Trị đầu phong, đau co thắt ở bụng dưới, giải độc, lợi tiểu, khát, khô cổ.
Liều dùng: Dùng 2 – 6g.Sắc hoặc ngâm rượu uống.
Tham khảo:
. Trị đàn ông lớn tuổi  vì uống rượu mà phát sốt, lại do sinh hoạt tình dục mà suy nhược, dùng thuốc bổ khí huyết thêm Cát căn để giải độc rượu, có hơi ra tí mồ hôi nhưng ngược lại làm cho uể oải như còn nhiệt, đó là khí huyết bị hư, không được dùng Cát căn mà cần phải dùng Chi củ tử mới giải được độc ấy, sắc trộn trong thuốc uống thì lành (Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di).
. Cây Vạn thọ cho vỏ cây gọi là “Chỉ củ căn mộc bì” có vị ngọt, tính bình, không độc. Trị như Chỉ củ tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét