HẢI TRẠCH


Thuộc động vật rỗng ruột, khoa Hải xà (Pilemidae), có rất nhiều loại, con lớn đường kính hơn 0,3m, thường ở mặt trên nhô cao lên giống như cái dù bung ra

HẢI TRẠCH   海 蠌
Phopilema esculenta Kish.

Xuất xứ: Bản Thảo Thập Di.
Tên Việt Nam: Sứa.
Tên khác: Thủy mẫu, Sư bồ ngư (Cương Mục Thập Di), Thạch kích (Bản Thảo Cương Mục), Hải triết (Tục Danh), Trần hải trạch (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Phopilema esculenta Kish.
Mô tả: Thuộc động vật rỗng ruột, khoa Hải xà (Pilemidae), có rất nhiều loại, con lớn đường kính hơn 0,3m, thường ở mặt trên nhô cao lên giống như cái dù bung ra, trơn láng và mềm, màu lam nhạt, da mỏng, mặt dưới có 8 ngấn dài như cái cán màu hồng nhạt, trên ngấn sinh ra xúc tu, giữa xúc tu có vô số miệng nhỏ, nổi ở trên mặt nước.
Địa lý: Có ở biển.
Phần dùng làm thuốc: Thịt, da.
Bào chế:
1- Ngâm trong nước vôi, nước phèn chua để khử máu đi, thịt da trắng dần, nấu ăn rất ngon.
2- Ngâm trong nước lạnh 2-3 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, lấy ra xắt nấu ăn.
Tính vị: Vị mặn, Tính bình.
Quy kinh: Vào hai kinh Can, Vị.
Tác dụng: Hóa đàm, tán kết.
Chủ trị:
+ Trị ho đàm nhiều, viêm quầng, lao hạch.
Liều dùng: 30g -60g.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị ho hen đàm nhiều : Hải triết bì, Bột tề. Sắc uống. (Tuyết Canh Thang – Cổ Phương Tuyển Chú).
Tham khảo:
1- Vị Hải trạch không dùng trong nước nhiều, chỉ hay dùng để nấu ăn. Vị này ngoài Trần Tạng Khí dùng để trị chứng lao tổn của phụ nữ và viêm quầng của trẻ con ra, Lý Thời Trân còn dùng nó để trị bệnh hà trưng. Mãi cuối đời Thanh, Vương Sĩ Hùng sáng chế ra ‘Tuyết Canh Thang’ làm phương thanh nhiệt hóa đàm, dần dần người ta đã quen dùng nó (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).
2- Vì sao con sứa lại có thể đốt người? Tìm hiểu cấu tạo của loài Sứa sẽ trả lời cho ta câu hỏi này. Sứa là loài động vật nhuyễn thể gồm 99% là nước và 1% là chất keo. Toàn thân Sứa mềm nhũn và có dạng một chiếc ô tròn, với nhiều tua ở phía dưới. Các tua của Sứa là những vũ khí tự vệ rất lợi hại. Trên các tua ấy có vô số tế bào xúc giác. Ngoài tác dụng súc giác, các tua của Sứa còn là các vòi phun ra những luồng móc nhỏ xíu mang nọc độc để chích đốt tiêu diệt kẻ thù. Khi người bị Sứa đốt, các nóc nhỏ xíu mang nọc độc sẽ bám vào da sưng phồng đau rát. Lúc này cần rửa ngay vết thương nhiều lần bằng nước biển (không được dùng nước ngọt, vì nước ngọt dễ làm nọc độc gây phản ứng), sau đó rắc cát khô lên vết thương và xoa nhẹ để kéo các móc nhỏ xíu mang nọc độc ra khỏi vết thương, rồi lau vết thương bằng cồn để chống nhiễm trùng. Sứa không có mắt, khi bị một con vật nào đó tiến công, Sứa liền phun móc mang nọc độc về phía kẻ thù và tự chìm sâu xuống đáy biển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét