HOÀNG ĐÀN


Cây nhỡ mọc leo. Cành mảnh, nhẵn, có những tua cuốn đơn hoặc kép, đầu phình, mọc đối ở những đầu cành non. Thân có vỏ xám với những đám màu vàng đỏ.

HOÀNG ĐÀN    黃 檀
Strychnos gauthierana Piere.

Tên Việt Nam: Vỏ doãn, Vỏ dãn, Mã tiền, Lá quế, Hoàng nàn.
Tên khoa học: Strychnos gauthierana Piere. (Strychnos malaccensisCalarke), Strychnos wallichiana Steud Ext Dc.
Họ khoa học: Loganiaceae.
Mô tả: Cây nhỡ mọc leo. Cành mảnh, nhẵn, có những tua cuốn đơn hoặc kép, đầu phình, mọc đối ở những đầu cành non. Thân có vỏ xám với những đám màu vàng đỏ. Lá mọc đối, mép nguyên, dai, có 3 gân nỗi rõ ở mặt dưới. Hoa mọc thành chùy, dạng ngù ở đầu cành, phủ lông màu hồng nâu. Lá bắc nhọn. Hoa không cuống, đài 5 đính liền ở phía dưới thành ống, phía dưới ở mặt trong ống có lông, thùy của tràng nhẵn, hơi gợn sóng ở mặt trong. Nhị 5, dính ở phía dưới của họng ống tràng, vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy hình đầu. Quả mọng hình cầu, vỏ quả ngoài cứng, nhiều hạt hình đĩa.
Địa lý: Cây mọc hoang ở những núi có đất đá vôi, có nhiều ở tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh phú Lạng sơn, Hoà Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.
Phân biệt:
1- Phân biệt với cây Mã tiền (Strchynos  vomica Linn). Từ năm 1948 các tỉnh phía Bắc Việt Nam khai thác hạt Hoàng nàn và cả hạt của một số loài Strchynos mọc leo khác và gọi nhầm là Mã tiền.
2- Phân biệt với Hoàng đàn (Dacrydium Pierrei họ Taxaceae (Xem thêm: Mã tiền).
Thu hái, sơ chế: Thường chặt cả cành mang về cắt thành từng đoạn bóc vỏ. Vỏ cây thu hái quanh năm phơi khô dùng làm thuốc.
Phần dùng làm thuốc: Vỏ cây (gọi là Hoàng nàn, Cortex strychnii Gauthieraneae).
Mô tả dược liệu: Vỏ là những mảnh khô hình dạng không cuộn hoặc cuộn lại thành ống, dài 5-12cm, rộng ngoài sần sùi, màu xanh đen hoặc hơi vàng đỏ, mặt trong màu xám nhạt hoặc xám đen, có vân dọc. Mặt bẻ gẫy không có sợi, chia thành 2 lớp rõ ràng, cách nhau bởi một đường nhạt hơn.
Bào chế: Ngâm vỏ vào nước lã hay nước vo gạo 24 giờ cho đủ mềm rồi cạo hết lớp vỏ vàng bên ngoài, đến lớp vỏ đen bên trong mới thôi. Sau khi cạo sạch vỏ ngoài, lại ngâm nước vo gạo đặc trong 3 ngày đêm nữa. Cứ 100gr vỏ Hoàng Nàn thì ngâm với 700ml nước vo gạo, mỗi ngày thay nước vo gạo một lần. Rửa sạch, thái nhỏ 1-2mm, phơi khô, đựng vào lọ kín. Trước khi dùng đem sao qua (có người tẩm dầu mè rồi mới sao). Sau khi sao, tán bột rây nhỏ, mịn. Sau khi bào chế có màu nâu nhạt.
Tính vị: Vị đắng, Tính ấm, Rất độc (bảng A).
Quy kinh: Vào 3 kinh Tỳ, Can, Tâm.
Tác dụng: Trừ phong hàn, thông kinh lạc, giảm đau.
Chủ trị:
+ Trị phong hàn, tê thấp, đau nhức, mình, tay chân, đau bụng, thổ tả.
Liều dùng: Người lớn ngày uống từ 0,02g-0,05g dạng thuốc bột. Liều tối đa, Hoàng nàn chế 1 lần 0,10gr, 24 giờ 0,40gr. Trẻ con dưới 3 tuổi không nên dùng, từ 3 tuổi trở lên dùng 0,002gr cho mỗi tuổi (Quy định của Bộ Y tế). Dùng ngoài tán bột ngâm rượu, bôi lên các vết loét, mụn ghẻ. Hoàng Nàn còn dùng chế chữa chó dại cắn, chữa hủi, ghẻ lở.
Chú ý: Hoàng nàn là vị thuốc độc, chế biến phải cạo hết vỏ vàng bên ngoài, ngâm rửa kỹ. Khi dùng phải hết sức thận trong vì rất dễ ngộ độc nguy hiểm.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
Chữa phong tê thấp, dùng Hoàng nàn 600gr, Hương phụ tử chế 160gr, Thảo quả (sống) bỏ vỏ lấy hạt 20gr, Đại hồi (bỏ hạt) 20gr. Tán bột, uống sau khi ăn nửa giờ 2-3gr với nước hoặc Rượu, nếu có phản ứng giảm lui. Người huyết áp cao không dùng. Sau khi uống thì nằm, dùng để chữa nhức xương đau đầu gối, tê thấp. Có khi uống vào chuyển đau hơn nhưng sau đó lại khỏi (Kinh Nghiệm Dân Gian).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét