MANG TIÊU


Là muối Natri sunfat thiên nhiên tinh chế hoặc của các cơ sở hóa chất sản xuất.

MANG TIÊU   芒  硝
Natrium Sulfuricum.

Xuất xứ : Biệt Lục.
Tên khác : Phác tiêu thạch (Ngô Phổ Bản Thảo), Tiêu thạch phác (Biệt Lục), Hải mạt (Thạch Duiược nhĩ Nhã), Phác tiêu (Cục Phương), Diêm tiêu, Bì tiêu, Thuỷ tiêu (Bản Thảo Cương Mục), Hải bì tiêu mao tiêu (Dược Tài Học).
Tên khoa học Natrium Sulfuricum.
Mô Tả : Là muối Natri sunfat thiên nhiên tinh chế hoặc của các cơ sở hóa chất sản xuất.
            Phác tiêu do các cơ sở hóa chất sản xuất, kết tinh màu trắng đục, có ngậm 10 phân tử nước. Phác tiêu thiên nhiên có nhiều tạp chất, đen.
Địa lý : Có nhiều ở Trung Quốc. Việt Nam còn phải nhập.
Thu hoạch : Quanh năm, tại những nơi có Mang tiêu thiên nhiên.
Phác tiêu thiên nhiên, đào về, hòa tan vào nước, lọc trong để loại tạp chất, rồi cô đặc để kết tinh. Làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi trong trắng.
            Tùy theo địa phương và nguyên liệu. Phác tiêu thiên nhiên có ỷ lệ tạp chất khác nhau.
            Nếu sấy hết nước, ta có Huyền minh phấn (Natrium sunfuricum exciccatum) còn gọi là Nguyên minh phấn hay Phong hóa tiêu, tương ứng với muối Natri sunfat khô kiệt.
Bào chế : 
Theo Trung Y: Phác tiêu có nhiều tạp chất, nên tinh chế lại: thứ tinh chế gọi là Huyền
minh phấn, thứ kết lại trên mặt có gai nhọn gọi là Mang tiêu.
Cách chế Huyền minh phấn: đem Phác tiêu cùng nấu với rau cải cho tan ra, bỏ rau cải, gạn lấy nước trong đổ vào một cái chậu phơi sương một đêm, trên có vật kết tinh là thành.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Phác tiêu có tạp chất, cần tinh chế lại trước khi dùng. Hoà tan trong nước lọc qua bông, rồi cô lại cho kết tinh.
Bảo quản: Hay bị chảy nước, cần tránh ẩm để nơi thoáng gió. Nếu có nhiều, lót giấy bản hay giải màn, đựng trong hòm gỗ. Nếu có ít đựng trong lọ hoặc hộp giấy.
Thành phần hóa học :
+ Chủ yếu là Sodium sulfate. Ngoài ra còn có ít Calcium sulfate, Natri chlorua, Magnesium sulfate, muối (Trung Dược Học).
Tác dụng dược lý :
+ Tác dụng tẩy xồ: sodlum sulfate hoà tan vào nước nhưng gốc SO4 có phân tử lớn khó qua màng ruột, lưu lại ở ruột, hút nước ở các tổ chức vào ruột, làm lỏng phân (do SO4 hình thành dung dịch ưu trương) làm tăng dung tích ruột gây kích thích cơ giới làm tăng nhu động ruột gây tiêu chảy (Trung Dược Học).
+ Mang tiêu sau khi uống sẽ xuống ruột, có tác dụng thẩm thấu, có thể thúc đẩy việc thẩm thấu thuỷ phân từ ruột ra trực trường, chứa đầy ở ruột mà không bị hấp thu, đồng thời gây phản xạ nhu động ruột khiến cho tả hạ (Thực Dụng Trung Y Học).
. Mang tiêu có tác dụng lợi đởm, có thể dùng trong viêm túi mật, sỏi mật (Thực Dụng Trung Y Học).
Tính vị :
. Vị mặn, đắng (Biệt Lục).
. Vị mặn, đắng, tính hàn (Trung Dược Học).
. Vị mặn, đắng, tính rất lạnh (Thực Dụng Trung Y Học).
Quy kinh :
. Vào kinh Phế, Vị, Đại trường (Dược Phẩm Hoá Nghĩa).
. Vào kinh Vị, Đại trường, Tam tiêu (Thực Dụng Trung Y Học).
Tác dụng Chủ trị :
+ Chủ ngũ tạng tích tụ, cửu nhiệt Vị bế, trừ tà khí phá lưu huyết, phúc trung đàm nhiệt kết bác (bung đầy do đàm nhiệt kết), thông kinh mạch, lợi đại tiểu tiện và nguyệt thủy phá ngũ lâm, tống cũ sinh mới (Biệt Lục).
+ Công dụng của Mang tiêu có ba: khứ thực nhiệt, địch trường trung súc cấu (tẩy chất  bẩn đọng lại trong ruột), phá kiên tích nhiệt khối (Trân Châu Nang).
+ Vị mặn nhuyễn kiên mà thông được táo kết, tính hàn giáng hạ mà có thể khử hỏa táo, chủ trị chứng thời hành nhiệt cuồng, tà nhiệt ở lục phủ hoặc thượng tiêu cách nhiệt, hoặc đi tiêu táo bón (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
+ Nhuận táo, nhuyễn kiên, tả nhiệt, thông tiện. Trị bụng đầy, sốt cơn, nói sàm, táo bón, họng sưng rát, mắt sưng đỏ, đau (Thực Dụng Trung Y Học).
Kiêng kỵ :
. Vị hư, không có thực nhiệt, có thai: Không dùng (Thực Dụng Trung Y Học).
. Lúc dùng trị viêm tuyến vú ở phụ nữ đang cho bú, có kết quả thì ngưng, sợ đắp nhiều làm mất sữa (Trung Dược Học).
Liều dùng : 4-12g. Uống trong 10-15g. uống với nước sôi nguội hoặc thuốc thang.
Dùng ngoài lượng vừa đủ.
Theo Tây y:
Nhuận tràng: liều dùng 5 – 10 g buổi sáng nhịn đói, uống với nửa cốc nước.
Tẩy: 20 - 50g hoà tan trong 300ml nước, uống làm 2 - 3 lần cách nhau 10 phút.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị táo bón do trường vị có thực nhiệt: Mang tiêu, Đại hoàng đều 10g, Chích thảo
thao 3g, sắc uống (Điều Vị Thừa Khí Thang – Thương Hàn Luận).
+ Trị vú sữa đầy căng, tức đau: Mang tiêu làm thuốc giảm sữa - Tác giả đã tn 33 ca đều thành công. Cách làm: Mang tiêu 200g, dùng 2 lớp gạc gói thành 2 gói đặt lên 2 núm vú dùng vải băng buộc lại, sau 24 giờ lấy ra, làm 1 lần chưa hết làm lại lần 2 (Lôi Vĩnh Trọng, Trung Hoa Phụ Sản Khoa Tạp Chí - 1957, 5 : 401).
+ Trị nhiễm khuẩn ngoài da : dùng Băng phiến, Mang tiêu theo tỉ lệ 1.10 trộn đều, bỏ thuốc vào giữa mang gạc dày 0,5cm, đắp vào chỗ nhiễm khuẩn cố định bằng băng dính. 2-3 ngày thay 1 lần. Đã dùng trị nhiễm khuẩn ngoại khoa chưa có mủ và chưa vỡ mủ bao gồm đơn độc 25 ca, viêm tuyến vú cấp 42 ca, sưng tấy (phlegmon) 30 ca, nhọt sưng 40 ca, viêm ống lâm ba 38 ca, viêm tĩnh mạch 27 ca, viêm ruột thừa có mủ 28 ca. Tất cả 230 ca kết quả tốt, bình quân thay thuốc 3 lần là khỏi (Trương Liên Xuân và cộng sự, Trung Tây Y Kết Hợp tạp chí  1984, 5 : 272).
+ Trị bệnh ở hậu môn:  dùng dịch Huyền minh phấn 3% ngâm hậu môn trị các chứng trĩ,  nứt nẻ, dò hậu môn thời kỳ viêm tấy. Đã theo dõi 4834 ca, kết quả tốt (Hoàng Ngọc Nga, Hồ Bắc Trung Y Học Viện Học Báo 1983, 1 : 21 ).
+ Trị lở miệng: Phác tiêu, Bằng sa, Chu sa, Long não, lượng vừa đủ, tán bột mịn, thổi vào chỗ lở ( Nhất Tự Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
+ Trị đau đầu không chịu được: Mang tiêu tán nhỏ thổi vào mũi (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị tiểu tiện không thông do bàng quang nhiệt: Bột Mang tiêu uống mỗi lần 4g, ngày 2-3 lần với nước pha Tiểu hồi (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị chàm, mề đay: Mang tiêu, Bạch phàn đều 30g, hòa vào nước sôi rửa lúc nước
còn nóng (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  
Tham khảo :           
. Phác tiêu vị cay, cay để nhuận thận táo. Ngày nay người ta cho rằng thuốc mặn, mặn là để nhuyễn kiên (Bản Thảo Cương Mục).
. Xét về 7 loại Tiêu (Mang tiêu, Anh tiêu, Mã nha tiêu, Phác tiêu, Tiêu thạch, Phong hoá tiêu, Huyền minh phấn) khí vị giống nhau, đều giỏi về tiêu hoá, trục đuổi, nhưng Phác tiêu thì lực khẩn, nhanh, Mang tiêu, Anh tiêu, Mã nha tiêu thì lực chậm; Tiêu thạch, Phong hoá tiêu, Huyền minh phấn chậm hơn. Dùng nó trị khỏi bệnh thì thôi. Sách Bản Kinh viết là có thể luyện nó uống để bổ ích, làm sao mà có thể được!” (Bản Thảo Mông Thuyên).
. Mang tiêu tính hàn, vị mặn, nhuận hạ mà nhuyễn kiên, có thể rửa sạch Tam tiêu, nhiệt ở trường vị (Thực Dụng Trung Y Học).
. Huyền minh phấn do Mang tiêu bị phong hoá thành, vì vậy, gọi là Phong hoá tiêu, công năng hoà hoãn hơn Mang tiêu, chất thuần khiết, lại có tính giải độc, vì vậy thường dùng cho xoang miệng và bệnh về mắt (Thực Dụng Trung Y Học).
+ 3 vị Phác tiêu, Mang tiêu Huyền minh phấn do cách bào chế mà khác tên nhưng tác dụng như nhau. Tuy nhiên Phác tiêu thô, không được tinh chế nên chỉ dùng ngoài. Mang tiêu tinh khiết hơn, có thể uống trong. Huyền minh phấn chất lượng tốt hơn có thể uống trong,  đắp ngoài, chế thành thuốc tán dùng làm thuốc thổi trị bệnh ở họng đều tốt (Trung Dược Học).
+ Cần phân biệt:
. Mang tiêu là chất luyện trước, kết tinh ở mặt trên, hạt nhỏ như đầu kim.
. Phác tiêu là chất tiêu thô, kết dưới bình lần luyện đầu tiên.
. Mã nha tiêu: Đem luyện, nó kết ở mặt trên sinh cạnh góc như viên ngọc, 6 cạnh lung linh, óng ánh rất đẹp.
. Phong hoá tiêu tức là Mang tiêu bị gió hoá thành bột phấn trắng.
. Cam (kiềm) tiêu: là Phác tiêu lần 2,3 lấy La bặc tử luyện, bỏ vị mặn, chỉ lấy cái ngọt.
. Huyền minh phấn: còn gọi là Nguyên minh phấn hoặc Phong hoa tiêu là Mang tiêu đã khử hết nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét