Y HỌC KHÍ HÓA - Y HỌC THỰC NGHIỆM - TỔNG HỢP


TỔNG HỢP

HAI PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Xét qua lịch sử, ta thấy đông y và tây y bắt đầu phát triển theo những đường lối khác nhau khi mà chúng nhận thấy những phương pháp nghiên cứu khác nhau. Kể từ Galen, tây y đã chuyên về mổ xẻ. Mổ xẻ là một trong những khuynh hướng muốn biết cái gì cũng rõ ràng, minh bạch, cụ thể, chính xác. Rõ ràng, cụ thể như thế tây y vẫn chưa vừa ý. Tây y muốn hiểu rõ ràng, kỹ càng hơn, tỉ mỉ hơn; điều đó đòi hỏi đi vào chi tiết hơn. Vì thế kính hiển vi rất được hoan nghênh ngay khi nó vừa ra đời và được chiếu cố bởi nhiều bộ môn khác nhau. Đồng thời sự giải thích những hiện tượng sinh học bằng những kiến thức tiến bộ nhất của vật lý và hoá học mới thoả mãn óc tò mò của con người.

Về khởi điểm thì đông y và tây y gần như giống nhau. Hai bên cùng tìm những nguyên lý hầu giải thích những hiện tượng trong thiên nhiên và trong con người, ở tình trạng bình thường và ở tình trạng bất bình thường. Chẳng những ban đầu hai bên cùng dùng một phương pháp nghiên cứu mà hai bên còn tìm ra những chân lý tương đồng. Bên đông nói ngũ hành, bên tây nói tứ đại, trong đó bốn yếu tố đã trùng nhau: nước, gió, lửa, đất của phái Milet, của Thales lần lượt trùng với thuỷ, phong (tức hành mộc), hoả và thổ của đông phương Dịch học. Đến như kết quả của sự duy diễn cũng có những điểm tương đồng: cái mà tây y cổ thời gọi là đàm (phlegm) mật, máu, chẳng khác với cái mà đông y lần lượt gắn vào các hành thổ (đàm thấp), mộc (mật thuộc gan), hoả (máu thuộc tim).

Phương pháp nghiên cứu này là phương pháp đi từ gốc tới ngọn, từ trên xuống dưới, từ tổng quát tới chi tiết. Trong khi chẳng bao lâu ở phương tây phương pháp này bị thay thế bởi phương pháp khoa học mổ xẻ và khoa học thực nghiệm, thì đông y vẫn duy trì phương pháp này và phát triển y học của mình theo phương pháp này. Sách đông y được sáng tác ngày một nhiều qua các thời đại, nhưng những kết quả mới, những phát minh mới đều mang những ý nghĩa trừu tượng, mơ hồ. Điều đó dĩ nhiên là như thế vì nó được suy diễn từ những yếu tố căn bản của đông y vốn mơ hồ, trừu tượng. Một cái gì mơ hồ, trừu tượng làm sao có thể dùng làm tiền đề để diễn dịch được! Thật ra khi xưa người ta đâu có diễn dịch mặc dù những kết quả hoạch đắc được có vẻ như những kết quả của một diễn dịch tam đoạn luận: thấy vậy mà không phải vậy. Người xưa đôi khi có thể nhìn thấy những chân lý đó bằng trực giác. Đối với một người tầm thường, thì trực giác chỉ có hiệu nghiệm đối với những gì đơn giản, mà ta gọi là hiển nhiên. Nhưng đối với người thông minh hơn, với một trực giác mạnh hơn, sáng hơn, rõ hơn thì những gì ta coi là không hiển nhiên, họ thấy hiển nhiên. Mặt khác, người xưa có thể đưa ra những giả thuyết hầu giải thích những vấn đề khó khăn phức tạp cấp bách, không thể chờ sự tiến bộ của khoa học với những dụng cụ máy móc ở mấy ngàn năm sau. Đó là việc làm chẳng những của người xưa ở đông phương mà cả những tiền nhân ở tây phương. Anaximander không ngần ngại thuyết giảng về quả đất có hình tròn và lơ lửng giữa trời, Euclid dám nói ánh sáng truyền theo đường thẳng chỉ bằng những suy lý đơn giản thôi và thuyết nguyên tử của Dalton thật ra đã được thiết lập từ cổ thời Hy Lạp. Vừa bằng giả thuyết, vừa bằng trực giác, đông y tạo lập nên một nền tảng y học.

Phương pháp của đông y là như vậy, thấy dễ mà theo khó. Khó là vì trực giác là cái không thể nào bắt chước được; và cách suy nghĩ của người xưa ra làm sao mà họ đặt được những giả thuyết hay ho cũng không tài nào bắt chước được. Một khi cố tình bắt chước thì chẳng may ta lại rơi vào trực giác giả nguỵ (fausse intuition) là cái mà Bergson đã từng đề cao cảnh giác. Và nguy hơn nữa là mình dùng trực giác giả nguỵ mà cứ tưởng mình trực giác thiệt, rồi từ đó mang lấy một tự tôn mặc cảm một phong thái kiêu ngạo, khinh thường sự kiểm chứng. Thấy tiền nhân đặt giả thuyết, mình cũng cứ đặt bằng cách quy nạp ẩu. Đặt rồi thì lẫn lộn giả thuyết với kết quả hiển nhiên của trực giác. Mà khi đã kể như hiển nhiên rồi thì khỏi kiểm chứng gì hết. Thấy tiền nhân suy diễn, mình cũng suy diễn. Nào ngờ sự ứng dụng những định luật Dịch của Khổng Tử và Văn Vương không phải là diễn dịch mà là sự bổ túc những đặc tính của những định luật Dịch chưa được Phục Hy nói lên. Họ bổ túc bằng trực giác hay bằng giả thuyết hay bằng cách nào đó, nhưng chắc chắn không phải là diễn dịch theo kiểu tam đoạn luận, như khôn là cái bụng, mà phòng bếp là cái bụng của ngôi nhà, vậy phòng bếp là khôn. Thế mà những nhà đông y đời sau và thời cận đại thích diễn dịch kiểu đó lắm!

Sự phát triển Dịch học của Văn, Khổng không phải theo tam đoạn luận kiểu vừa mô tả. Muốn dùng tam đoạn luận cũng được, nhưng phải lấy những đặc tính của cái mà tôi gọi là ý niệm quảng trương để làm trưởng tiền đề (major premise). Sự biểu hiện của ý niệm quảng trương có ở nhiều bình diện, mỗi bình diện một vẻ khác nhau. Đó là lý do tại sao càn ở bình diện giống (sex) là nam, ở bình diện súc vật là ngựa, ở bình diện nhiệt lượng là lạnh, ở bình diện hình học là tròn v.v. Một khi không biết tới yếu tố bình diện, người ta tưởng tất cả ở ngang nhau, nên từ đó mới có những ý nghĩ như càn là vừa tròn, vừa lạnh, vừa ngựa, vừa cha, vừa đầu, vừa nam v.v. rồi lấy tất cả những hình thái đó làm đặc tính của càn để đặt thành tiền đề mà suy diễn. Phân tích ra được cái ý niệm quảng trương với nhiều bình diện, ta thấy ngay cách suy luận tam đoạn nào sai mà khỏi cần dò lại kết luận xem kết luận đó đúng hay sai. Thí dụ hoả màu đỏ, bông điệp màu đỏ, vậy bông điệp thuộc hoả. Đây là cách suy luận sai vì đỏ không là đặc tính của ý niệm quảng trương mà đỏ chỉ là một biểu hiện của đặc tính quảng trương ở một bình diện nào đó thôi. Với cách suy diễn sai thường gặt được những kết luận sai, hoạ hoằn lắm mới may ra trúng nhằm một cái, nhưng cái trúng đó cũng không có giá trị về mặt luận lý học.

Mặc dù ý niệm quảng trương và thuyết bình diện được đặt ra để suy diễn, nhưng ta phải nhớ rằng kết quả suy diễn được chỉ được coi là giả thuyết hay dự kiến để kiểm nghiệm lại chứ không phải là cái chắc ăn. Phàm diễn dịch đòi hỏi những yếu tố cụ thể, chính xác, có những nghĩa giới hạn. Càng cụ thể bao nhiêu, sự lý luận càng có xác suất đúng nhiều hơn bấy nhiêu. Những định luật Dịch là những định luật trừu tượng, bao hàm nhiều nghĩa, có nhiều đặc tính trong ý niệm quảng trương, mà những đặc tính ấy, rất tiếc, chúng ta chưa biết và chưa khám phá hết cho đến ngày nay. Do đó đừng hòng có những kết quả suy diễn chắc ăn.

Vả chăng trên đời này có lý luận nào chắc ăn đâu ngoài lý luận của toán học là một môn mà sự bám sát thực tại của nó không cần thiết lắm. Nó gắn liền thực tại như hình học Euclid cũng được, mà không, như của Riemann và Lobachevski cũng được, vì đó chỉ là một trò chơi của lý trí. Đến khi đi vào các lãnh vực liên quan tới con người và sinh mạng của nó thì không thể coi là trò chơi được nữa mà là trò thật. Vì thế mà Claude Bernard khẳng định rằng y học không thể là một môn học ngự trị bởi lý trí như phái kinh viện (scolastique) mà phải là một khoa học thực nghiệm. Ông nói “Nếu một y sĩ cho rằng suy luận của mình cũng có giá trị giống như những suy luận của nhà toán học, thì y sĩ đó lầm to và sẽ đi đến những qui kết sai lạc. Buồn thay, đó là điều đã xảy ra, và vẫn xảy ra với những người mà chúng tôi xin gọi là ức thuyết. Thật vậy, họ khởi đầu từ một ý kiến có căn cứ ít nhiều vào quan sát, nhưng họ lại cho là chân lý tuyệt đối. Thế rồi họ suy luận hợp lý chứ không thí nghiệm, và lần lần từ qui kết này họ đi đến qui kết khác. Họ đi tới một hệ thống cũng hợp lý nhưng không có thực tế khoa học.”

Đông y mắc ngay cái lỗi lầm mà Claude Bernard đã phê bình và gọi là ức thuyết. Đông y quá tin tưởng ở những định đề đầu tiên do các “thánh nhân” lập ra, một phần nằm trong Dịch Kinh, một phần ứng dụng vào phạm vi y học, rồi cứ thế mà suy diễn thành bao nhiêu pho sách mà không bao giờ đặt vấn đề kiểm chứng lại những điều mình suy diễn và những điều mà thánh nhân thiết lập. Trong các môn, có vài môn muốn tin, chẳng những muốn tin mà bắt buộc phải tin, một cách tuyệt đối vào Dịch Kinh, đó là các môn bói toán. Nhưng y học thì không thể như vậy được, y học không thể tách rời thực tại. Do đó lý luận thôi chưa đủ mà còn phải thí nghiệm.

Khổ nỗi là nhiều người không quan niệm đúng về thí nghiệm: họ làm những công việc không phải thí nghiệm mà gọi đó là thí nghiệm và tưởng mình thí nghiệm rồi. Chẳng hạn Đường Tôn Hải nói dược học của đông phương đã được thí nghiệm bởi Thần Nông bằng cách nếm thử. Đó không phải là thí nghiệm. Nếm thử có tính cách chủ quan. Không phải những giá trị của Thần Nông Bản Thảo bị phủ nhận nhưng chúng ta – những con người tầm thường – không nên theo phương pháp chủ quan đó để tìm ra dược tính mà tự tin và tự mãn. Mỗi người nếm tưởng tượng ra mỗi kết quả khác nhau, như thế làm sao gọi là thí nghiệm được. Thí nghiệm có tính khách quan; ai cũng có thể làm thí nghiệm đó và thí nghiệm đó được tiến hành thì ai cũng nhận thấy kết quả như nhau. Và thí nghiệm thường là bằng cách thức nào đó bắt sự vật khác đi để so sánh hai tình trạng bình thường và bất thường của sự vật mà biết được chân lý. Đó là sự khác biệt giữa quan sát và thí nghiệm.

Sự khác biệt giữa quan sát và thí nghiệm đưa tới hai phân khoa khác nhau là khoa học quan sát và khoa học thực nghiệm. Trong khoa học quan sát, người ta chỉ quan sát những sự kiện, thu thập kinh nghiệm, phân loại để làm thành khoa học, như một nhà thiên văn học chỉ quan sát những hành tinh mà không tác động vào chúng để làm thay đổi chuyển vận của chúng. Khoa học thực nghiệm có lợi thế hơn là có thể tìm biết sự thật bằng nhiều cách bắt sự vật phải khác đi, phân tích nó, mổ xẻ nó. Khoa học thực nghiệm rất phù hợp với vật lý học và nhiều môn học khác, nhưng có thích hợp với y khoa không? Trước Claude Bernard, nhiều người cho rằng y khoa là một môn học quan sát, chỉ là một khoa học quan sát và phải là một khoa học quan sát, không thể là một khoa học thực nghiệm, vì họ cho rằng con người là một tổng thể không thể tách rời từng phần mà nghiên cứu. Claude Bernard phản đối quan niệm này. Ông viết “Bây giờ ta chỉ còn phải xét xem y khoa có phải dừng mãi trong địa vị khoa học quan sát hay sẽ chuyển thành khoa học thực nghiệm. Đã hẳn rằng lúc sơ khởi, y học chỉ là một khoa học quan sát trên giường bịnh (observation Clinique). Về sau, nhận thấy cơ thể tự thành một nguyên vị điều hoà, một vũ trụ nhỏ (microcosme) trong vũ trụ lớn (macrocosme), người ta chủ trương rằng sinh mệnh không chia xẻ ra được và ta chỉ nên quan sát những hiện tượng trong toàn bộ cơ thể, lúc bình thường với khi bịnh hoạn, rồi chỉ suy luận về những sự kiện quan sát được mà thôi. Nhưng nếu cho rằng phải tự hạn chế như thế, và phải đặt nguyên tắc kể y khoa là một khoa học quan sát thụ động, thì y sĩ không thể mó đến người bịnh cũng như nhà thiên văn không mó đến các ngôi sao. Thế thì những môn giải phẫu bình thường và giải phẫu bịnh lý, đều vô dụng cả. Y khoa  quan niệm như vậy chỉ là một phương pháp chờ đợi (expectation) chỉ mới đưa đến những phương thuốc vệ sinh đạt ích lợi chút ít mà thôi; nhưng thế là phủ nhận phép y khoa tích cực, chủ động, nghĩa là phủ nhận phép trị liệu khoa học và thiết thực.”

Thật vậy, không tách rời từng phần thì không thể nào thí nghiệm được. Muốn thí nghiệm, nếu không tách rời được từng phần trong cơ thể, ít ra người ta cũng phải giả tưởng như chúng gồm có những phần riêng rẽ, mỗi chức năng sinh lý độc lập với nhau và do đó khi chức năng sinh lý đó bị rối loạn, tức cái mà ta gọi là bịnh, cũng chỉ được nghiên cứu, theo cái quan niệm bất động, do cái phương pháp phân tích đó tạo ra, một cách độc lập, và từ đó quan niệm của tây y về con người không đúng với sự thực nữa. Những phương pháp của khoa học thực nghiệm không được Claude Bernard nói rõ mặc dù ông vẫn tiến hành; ở đây tôi xin nêu lên một vài phương pháp. Đó là các phương pháp cô lập hoá, đơn giản hoá bớt yếu tố, đơn giản hoá về bình diện thấp hơn, bất động hoá, hữu hình hoá, mẫu mực hoá. Mỗi phương pháp tạo cho y sinh một quan niệm sai sự thực. Những quan niệm sai sự thực ấy được gọi chung là quan niệm bất động. Quan niệm này chỉ đúng và chỉ có ích trong công tác thí nghiệm nhưng không đúng nếu đem ra ứng dụng để chữa bịnh.

Những hậu quả của phương pháp này, vào thời mà tây y vừa bước vào con đường thực nghiệm, người ta chưa đoán được, nhưng lúc đó cũng đã không biết bao nhiêu người phản đối trong giới y khoa ở trời tây đến nỗi Kopaczevsky phải gọi đó là tình trạng hỗn mang rối bời của y khoa (la medicine en desaroi). Người ta viết những bài với những đầu đề như “sự thất bại của phòng thí nghiệm”, “y khoa là một nghệ thuật hay một khoa học”, “sự xin lỗi của bịnh viện”. Vào thời Claude Bernard, người ta gọi sinh lý học là “tiểu thuyết của y khoa” (le roman de la medicine). Claude Bernard buồn bã than “Họ là những bác sĩ, nhân danh cái mà họ gọi là thánh giáo (sainte doctrine) đã đẩy lùi sự thực nghiệm sinh lý coi như vô ích và nguy hiểm. Họ chủ trương rằng quan sát đã đủ cho nhà y sĩ, rằng chính vì sự ngộ nhận những truyền thống lớn của y khoa mà người ta muốn thay thế bằng thực nghiệm. Họ nói rằng trong công cuộc theo đuổi giải thích sinh lý các bịnh, người ta quên mất bịnh nhân, người ta bỏ rơi lâm sàng và người ta đem phòng thí nghiệm thay thế bịnh viện”. Mặc dù bao sự chống đối lúc bấy giờ, Claude Bernard vẫn đường ông, ông cứ đi. Và cuộc cách mạng của ông đã thành công quá sức tưởng tượng sau cái chết của ông: ngày nay tây y chỉ là khoa học thực nghiệm!

Những nhà đông y đo huyết cầu trước và sau khi châm cứu huyệt cách du là đã đem thực nghiệm vào đông y, nhưng không bị bài xích với những luận điệu tương tự như thời Claude Bernard đủ thấy phương pháp thực nghiệm đã được tin dùng. Quả thật phương pháp thực nghiệm cũng có những mặt thất bại của nó, nhưng một khi ý thức được thì không phạm vào sai lầm đó. Phương pháp thực nghiệm cũng là phương pháp chung của khoa học. Phương pháp của khoa học nói chung là bắt người ta quan niệm không đúng sự thực, bắt người ta coi sự thực là một cái bất động, rời rạc, trong khi đó sự thực là một cái sinh động, thống nhất. Đông y cổ truyền cũng là một khoa học; vì thế, không nhiều thì ít, cũng theo phương pháp của khoa học. Việc định danh bịnh, phân loại bịnh là một phương pháp coi bịnh là một cái bất động. Nhưng mặc dù theo phương pháp này, đông y vẫn thoát ra khỏi quan niệm bất động nhờ phương pháp lập phương: mỗi phương thuốc lập ra thích hợp cho mỗi bịnh nhân, chứ không dùng một phương cố định trong sách cho một bịnh tiêu biểu trong sách.

Y khoa thực nghiệm là một chủ trương đúng. Chẳng những tây y mà đông y cũng phải là một y khoa thực nghiệm vì đông y cũng là y học. Sự thất bại của y khoa thực nghiệm là người ta vô tình đem cái quan niệm bất động chuyên dùng của thí nghiệm ra để chữa bịnh.

Đem quan niệm đơn giản hoá bớt những yếu tố dùng để thí nghiệm mà chữa bịnh người ta mắc phải cái lỗi là coi con người quá đơn giản, đó là cái mà Kopaczewsky gọi là những nhà đơn giản (simplistes). Đem cái quan niệm đơn giản hoá về bình diện thấp hơn trong tiến trình nghiên cứu, ra mà chữa bịnh, người ta lầm con người là một hệ thống lý – hoá (system physic – chimique) là điều mà Alexis Carrel cực lực lên án. Và cũng chính bởi quan niệm sai lầm này mà người ta hòng gắn sinh học, y học nói chung và đông y nói riêng với cơ học lại thành cái gọi là khoa đông y cibernetique. Muốn thí nghiệm, người ta phải coi sự vật ngừng lại. Đó chỉ là một giả định, nhưng phương pháp ấy dần dần tập cho người ta suy nghĩ như thế. Cuối cùng quan niệm bất động thành hình trong đầu người ta hồi nào không hay. Đem cái quan niệm bất động hoá ấy ra mà chữa bịnh, người ta không thấy sự biến động của sự vật nên trị liệu như trị một cái gì đứng yên và cố định, chẳng hạn người ta mong tìm những thứ antitoxin cho những vi sinh vật biến thái luôn luôn. Phương pháp bất động hoá cũng được áp dụng tương tự trong việc nghiên cứu bịnh. Người ta bắt buộc phải coi bịnh là một mô hình gì để phân loại, liệt kê, nghiên cứu. Nhưng cái phương pháp quan niệm không đúng sự thật này không ngờ lại được tôn sùng quá địa vị của nó. Những người tôn sùng này là những nhà duy danh (nominalistes). Để kéo lại thực tế, những nhà hiện thực (realists) lên tiếng. Thế là sinh ra cuộc bàn cãi năm này qua tháng nọ giữa hai phái triết học ấy. Hai mặt duy danh và duy thực tồn tại ngay trong một con người đông y khi người ấy linh động lập phương để trị một bịnh nhân cụ thể bằng những kiến thức về một bịnh mô hình trong sách vở. Chẳng những biểu tượng hoá cái dễ quan niệm, người ta còn biểu tượng hoá cái khó lãnh hội, bằng cách hữu hình hoá cả những cái vô hình, khiến cho người học quan niệm sai lầm về sự vật, tưởng rằng trong thiên nhiên cái gì cũng hữu hình như vậy, rồi đến khi chữa trị cũng dùng những thứ hữu hình để đối phó với cái vô hình mà mình tưởng hữu hình. Phương pháp cô lập hoá của thí nghiệm còn tạo ra cho con người một quan niệm nhìn từng phần của cơ thể, của sinh lý một cách riêng lẻ, biệt lập, gần như không liên quan với nhau. Quan niệm ấy đi vào chữa trị khiến cho y sĩ quên con người là một tổng thể. Alexis Carrel nói “Bịnh gồm một sự xáo trộn chức năng và cơ cấu. Bịnh có đa dạng như sự đa dạng của những hoạt động cơ thể. Có những bịnh bao tử, có những bịnh tim, có những bịnh thuộc hệ thần kinh v.v. Nhưng cơ thể bị bịnh vẫn giữ nguyên đơn vị như cơ thể lúc bình thường. Nó bị bịnh toàn bộ. Không có một bịnh nào giới hạn một cách khu biệt, nghiêm ngặt trong một cơ quan. Chính cái quan niệm xưa cũ của khoa cơ thể học của con người sống nó dẫn dắt y sĩ làm mỗi bịnh thành một chuyên khoa.”

TRIẾT HỌC VÀ KHOA HỌC

Những sự thất bại của tây y tất cả mọi người, tất cả phương tây đều biết. Và lý do tại sao thất bại người ta cũng biết. Đó là những mặt thất bại thôi chứ không phải cả nền tây y sai lầm. Sự thất bại đó là sự lẫn lộn giữa cái giả và cái thực, đem phương pháp nghiên cứu ra thực hành. Sự thất bại đó bắt nguồn từ sự lẫn lộn giữa khoa học và triết học. Y học có hai mặt – mặt triết học và mặt khoa học. Đông y cũng là một y học, tây y cũng là một y học, nên tây y, đông y gì cũng có mặt triết học và mặt khoa học của nó. Đông y chú trọng mặt triết học hơn, tây y mặt khoa học hơn. Đông y cũng phải dùng ngôn từ để diễn tả, cũng phải dùng hình thức cố định của bịnh để trình bày, phân loại, học và dạy, mà sự định danh, định bịnh trong sách vở đều là sự bất động hoá cái sống động; đó là mặt khoa học của đông y. Đông y cũng lý luận, suy diễn và qui nạp, cũng dùng lý trí, mặc dù có nhiều khuyết điểm trong luận lý đông y, nhưng đó cũng là mặt khoa học trong đông y. Chữ khoa học này không có nghĩa là những kiến thức đúng; chữ khoa học này có nghĩa là phương pháp và lý trí và quan niệm bất động. Mặt triết học trong tây y đã có từ Hippocrate chứa đựng trong những câu nghĩa lý sâu xa, thâm thuý của ông “Nghệ thuật lâu dài, phút giây ngắn ngủi, sự quyết định phải tức thời…” Thế nhưng mặt khoa học của tây y vẫn lấn lướt và giết chết mặt triết học của nó. Cho đến Carrel, mặt triết học của tây y mới có cơ phục hồi. Sách của ông, nhất là quyển Con Người Bí Mật (Phomme cet inconnu) được đọc rộng khắp thế giới, nhưng điều mà ông muốn nhấn mạnh cho người ta, thì người ta lại không nhấn mạnh cho chính họ, điều mà ông muốn nhắc nhở người ta, người ta lại không tự nhắc nhở mình. Do đó cái học và cái hành của tây y vẫn cách biệt.

Tri và hành là một, đó là chủ trương của Vương Dương Minh. Nhưng chủ trương của ông cũng không thể thực hiện được, chẳng những ở phương tây mà còn ở phương đông. Lý do là bởi ông lẫn lộn giữa cái biết của lý trí và cái biết của trực giác, hay cái biết của khoa học và cái biết của triết học. Nơi cái biết của trực giác và của minh triết có cả việc làm trong đó. Nhưng cái biết của lý trí và của khoa học, thì cách biệt với việc làm. Nếu không phân biệt được sự khác biệt giữa cái biết của lý trí, khoa học và cái biết của trực giác, minh triết, những nhà khoa học tây y tưởng mình biết là mình đã làm hay làm được. Phương pháp khoa học chỉ giúp người ta nghiên cứu, học hỏi, truyền dạy kiến thức. Nhưng cái kiến thức đó, cái biết đó, vốn bất động, không thể đem ra thực hành được. Thực hành phải được dìu dắt bởi trực giác chứ không phải bởi lý trí, bởi cái nhìn tổng quát chứ không phải cái nhìn chi tiết, bởi minh triết chứ không phải bởi khoa học. Bởi vậy người ta có câu “Khoa học dạy người ta biết; minh triết và nghệ thuật dạy người ta làm”. Minh triết là nghệ thuật. Chữa bịnh là một nghệ thuật, là một sự minh triết. Vì thế mà Hippocrate không gọi y học của ông là một khoa học (science) mà ông lại dùng chữ nghệ thuật để chỉ công việc lâm sàng. Nghệ thuật lâu dài – câu ông nói – có nghĩa là muốn chữa bịnh giỏi, nghệ thuật chữa bịnh trên lâm sàng của mình phải được trau dồi lâu ngày chày tháng. Nhưng sự quyết định phép thi trị thì phải được thực hiện trong tức khắc, trong vô thời gian (timeless). Chỉ có trực giác mới cho ta cái quyết định tức thời. Đến đây ta xét lại những lời phê bình nhằm tấn công vào Claude Bernard vào thời ông, thấy những lời ấy không phải thiếu suy nghĩ mà là có chiều sâu. Người ta đặt vấn đề “y học là một khoa học hay là một sự minh triết”. Thật đúng vậy, y học không phải chỉ là khoa học đâu, mà y học còn là một triết học. Nói về mặt học, nghiên cứu, thì y học quả thật là một khoa học không hơn không kém, nhưng đứng về mặt thực hành, tức chữa trị mà nói, thì y học làm sao là một khoa học được, mà y học phải là một sự minh triết. Cũng không phải là một lời nhạo báng vô căn cứ khi mà người ta chê trách Claude Bernard muốn đem phòng thí nghiệm thay thế cho bịnh viện. Thật vậy những kết quả của phòng thí nghiệm có tính chất bất động, trong khi đó đứng trước bệnh nhân, y khoa là một nghệ thuật linh động vô cùng. Cái biết và cái làm khác nhau. Y khoa muốn thực dụng phải biến được cái biết ra cái làm, cái học ra cái hành.

Muốn biến cái học ra cái hành, cái biết ra cái làm, người ta phải biến cái lý trí ra cái trực giác, cái hữu thời gian ra cái vô thời gian. Bản chất của lý trí là có thời gian: sự diễn dịch hay sự qui nạp tiến hành theo tam đoạn luận, thì tam đoạn luận tiến hành qua ba giai đoạn tức là thời gian. Sự quan sát từng chi tiết một, lần lượt hết chi tiết này tới chi tiết khác là thời gian. Nhưng cái nhìn cùng một lúc thấy bao quát không có thời gian. Cái biết lập tức một chân lý không suy diễn cũng không có thời gian. Vậy làm sao biến cái có thời gian thành cái không thời gian? Muốn làm được việc đó, người ta phải vất bỏ đi những gì mình đã biết, những gì mình đã đi qua, những gì mình đã kinh nghiệm. Nhưng vất bỏ đây không có nghĩa là mất đi hẳn. Một khi kiến thức bị vất bỏ, cái hiểu của nó vẫn còn và cái hiểu của tất cả những kiến thức tự nó tổng hợp thành một trực giác. Sự vất bỏ kiến thức giống như người ta bỏ cái xác để giữ lại cái tinh hoa. Cái xác phải vất bỏ đi; một khi còn cái xác thì không thể nào tổng hợp được. Người ta chỉ có thể tổng hợp được cái hiểu, chứ không thể tổng hợp được cái biết. Tất cả những chi tiết mà mình mô tả qua, tất cả những phần tử rời rạc của cơ thể học, tất cả những chức năng sinh lý mà ta thí nghiệm một cách riêng rẽ và bằng cách cô lập hoá, phải được quên đi để nhưng tinh tuý trong những kiến thức đó còn lại và tự nó tổng hợp và biến thành một cái hiểu, một trực giác duy nhất. Chính cái trực giác này mới nhìn thấy con người là một tổng thể, mới thấy những chức năng sinh lý liên hệ hỗ tương, mới thấy bịnh là bịnh cả người chứ không phải bịnh một bộ phận, một phạm vi, một khu biệt. Người ta phải quên đi tất cả những kiến thức về bịnh hình, những phương thuốc được giảng dạy trong sách và trong lớp để cái tinh tuý của những kiến thức đó tự tổng hợp ngay lúc ta đứng trước bịnh nhân cụ thể và cho ta một trực giác nó quyết định “tức thời” như Hippocrate đòi hỏi nó dìu dắt thực hành, nó biến khoa học thành nghệ thuật. Người ta phải quên đi những kiến thức bất động mà ta đã tưởng tượng ra nhân sự bất động hoá cái tự nhiên; người ta phải bỏ đi cái hữu hình hoá – sản phẩm của lý trí đứng trước cái vô hình; nhờ vậy người ta mới thấy cái biến động trong sự vật. Và làm được như vậy là ta đạt được cái gọi là y học khí hoá.

Thấy được sự biến động, thấy được cái tổng quát là một tiến trình thụ động (passive), chứ không phải là một tiến trình chủ động (active). Người ta không thể nào dùng những chi tiết để thấy cái tổng quát cũng như không thể dùng cái bất động để thấy cái biến động – cái biến động thấy được bởi sự so sánh giữa hai cái bất động ở hai thời điểm khác nhau cũng mang tính bất động, cái biến động mang tính biến động không thể thấy được bằng những yếu tố bất động. Thế mà mỗi khi ta chủ động, ta tích cực, thì ta lại dùng ngay những kiến thức bất động, những chi tiết riêng lẻ. Đó là một chiều hướng ngược. Chiều hướng thuận là chiều hướng ngược lại: đó là thái độ thụ động. Ta phải hiểu một điều là cái nhìn tổng quát, cái nhìn biến động, không phải là cái ta cố tình tạo ra mà được, nhưng nó là cái đã có rồi. Nó có rồi từ khi có những kiến thức chi tiết, vụn vặt, từ khi có những kiến thức bất động, giả tạo. Nhưng vì nó kẹt trong những hình thức của lí trí nên nó không tổng hợp được. Chỉ cần ta phá vỡ cái hình thức đó thì nó tự tổng hợp, như ta phá vỡ cái lồng để giải phóng con chim. Lý trí luôn luôn phải mang lấy một hình thức gì. Hình thức là cái chở lí trí, là cái hiện hình của lý trí, cái hữu thể hoá (embodiment) của lý trí. Lý luận là lý trí, vì vậy lý luận phải có hình thức, do đó Aristotle đặt tên tam đoạn luận và những nguyên lý của ông là luận lý học hình thức. Còn hình thức thì còn lý luận hoài. Chỉ khi nào tiến trình lý luận chấm dứt, tiến trình của trực giác mới phát sinh. Và dĩ nhiên, chỉ cần phá vỡ hình thức của lý trí, tự nhiên trực giác hiện bày.

Lâm sàng là một nghệ thuật, Hippocrate đã biết rồi. Y học là một khoa học và phải tiến hành như thế nào Claude Bernard đã biết rồi và đã chỉ cách cho người ta rồi. Kết hợp minh triết nghệ thuật với khoa học, Alexis Carrel cũng đã chủ trương rồi. Nhưng làm sao kết hợp được thì ông không nói được rõ ràng. Ông chỉ nói chung chung là phải có tổng hợp bên cạnh việc chi tiết hoá, một người thầy thuốc phải vừa là duy danh (nominaliste) vừa là duy thực (realist). Hai cái thuộc hai bản chất, làm sao vừa cái này, vừa cái kia được. Một người không thể vừa cái này, vừa cái kia mà hai cái mang hai bản chất khác nhau, không thể vừa duy danh, vừa duy thực, vừa chi tiết, vừa tổng quát. Một người phải tiến hành hai cái lần lượt chứ không phải đồng thời, cái này phải biến ra cái kia theo định luật hữu thể hoá và vô thể hoá (embodiment and disbodiment). Trước khi lý luận, người ta có ý kiến. Ta phải đưa ý kiến ra qua những hình thức để lý luận, đó gọi là hữu thể hoá. Từ cái tổng quát đi tới cái chi tiết, từ cái trừu tượng đi tới cái cụ thể, từ cái biến động đi tới cái bất động, ý tưởng luôn luôn thành hình từ từ vì hình thức luôn luôn có tính chất bất động. Sự vô thể hoá, là sự giải trừ hình thể, khuôn khổ của tư tưởng nhờ đó lý trí biến thành trực giác, chi tiết biến thành tổng quát, bất động biến thành biến động. Khi học, y sinh biến cái biến động, cái tổng quát thành cái bất động, cái chi tiết; khi chữa bịnh, y sinh lại biến cái bất động, cái chi tiết, thành cái biến động, cái tổng quát chứ không phải khi đứng trước bịnh nhân, người thầy thuốc phải là vừa duy danh vừa duy thực như Alexis Carrel nói.
Đó là cách kết hợp hai quan niệm bất động và biến động trong y học nói riêng và trong mọi khoa học nói chung cũng là kết hợp y học thực nghiệm và y học khí hoá. Cả hai quan niệm đều có ích lợi, nhưng tuỳ trường hợp mà dùng. Khi học thì dùng quan niệm bất động, khi hành thì dùng quan niệm biến động. Và kết hợp có nghĩa là biết biến đổi từ quan niệm này sang quan niệm kia và ngược lại, tuỳ trường hợp. Sự kết hợp đó là kết hợp đông tây y trên phương diện quan niệm. Đông y chú trọng về mặt thực hành nên quan niệm biến động được nhấn mạnh trong đông y. Tây y đặt nặng vấn đề tìm hiểu những kiến thức xác thực (positive) nên quan niệm bất động được rèn luyện trong giới tây y. Đông y không theo phương pháp thực nghiệm và luận lý của tây y thì đông y không học được, không thành khoa học được. Tây y không theo phương pháp của đông y thì không có quan niệm khí hoá và sẽ nhìn sai sự thật khi lâm sàng. Kết hợp về mặt quan niệm là lý do đúng đắn nhất của việc kết hợp đông tây y. Từ hai phương pháp nghiên cứu khác nhau đẻ ra hai quan niệm khác nhau, nhưng ngược lại từ hai quan niệm khác nhau cũng đẻ ra hai phương pháp nghiên cứu khác nhau. Cái bắt đầu vẫn là quan niệm. Vì thế kết hợp đông tây y là kết hợp từ quan niệm xuống – kết hợp quan niệm, kết hợp phương pháp, kết hợp cơ thể học, kết hợp sinh lý học, kết hợp bịnh lý học, kết hợp trị liệu học. Khi đi tới kết hợp trị liệu, tức đã qua các kết hợp kia. Người bịnh chỉ thấy thầy cho thuốc thang, thuốc sắc hay thuốc trích tinh ép bọc, chỉ thấy thầy châm cứu, giác lể hay chích tĩnh mạch, chích thịt, chỉ thấy thầy dùng phương pháp điều dưỡng hay thầy giải phẫu, tưởng kết hợp là những việc bề ngoài như thế, thật ra trong người thầy là cả một sự kết hợp đông tây từ nguồn gốc tới ngọn ngành.

Ở trên là nói về minh triết và khoa học. Nhưng khi minh triết thành văn, tức là thành triết học, thì nó kết hợp với khoa học một cách khác.

Cụ thể hoá, chi tiết hoá định luật Dịch là con đường từ trên đi xuống, đi từ gốc ra ngọn, từ nguồn ra nhánh, là con đường của đông y. Con đường của tây y thì ngược lại đi từ ngọn về gốc, từ dưới lên trên; công việc làm của nó không phải là cụ thể hoá, chi tiết hoá, mà là tổng quát hoá (generalization). Một trong hai công việc, đi từ một trong hai chiều cũng sẽ tới nơi, cũng sẽ hoàn tất được một nền y học hoàn mỹ cho nhân loại. Vì vậy hai chiều đi cũng sẽ gặp nhau. Kết quả của cụ thể hoá đông y cũng là kết quả của tổng quát hoá tây y. Đông y chọn chiều đi xuống vì thiện nghệ về triết học hơn. Tây y chọn con đường từ dưới đi lên thì chuộng những kiến thức chắc chắn đối với lý trí là khả năng của mọi người hơn. Claude Bernard nói “Những người chuyên khái quát hoá không thể lập những lý thuyết vững chắc nếu tự họ không biết rõ những chi tiết khoa học mà các lý thuyết ấy định phô bày. Những khái niệm khoa học phải đi ngược từ các đặc điểm lên tới nguyên tắc;  và càng dựa vào những chi tiết sâu xa, thì nguyên tắc càng vững chắc, cũng như cái cọc ta đóng sâu xuống đất vậy”.

Thế nhưng Claude Bernard cũng biết một điều rằng “những người khảo nghiệm dù khéo léo đến đâu cũng không giải quyết nổi các vấn đề nếu không may mắn có những giả thuyết hợp lý căn cứ vào những quan sát thích nghi và xác thực”. Giả thiết (hypothese) hay lí thuyết (theorie) cũng đều cần như nhau cho nhà khảo nghiệm. Do đó không phải chỉ bằng những kiến thức khoa học người ta đi tới tổng quát hoá, mà các nguyên lý, các định luật cũng ngược lại cần cho công cuộc khảo nghiệm. Như vậy tuy rằng tây y muốn đi từ cái chắc chắn đến cái tổng quát, nhưng trước khi có đi tới cái chắc chắn của lí trí lại phải có cái không chắc chắn tức phải có lí thuyết trước để được kiểm chứng. Tức là tây y lại cần đông y và Dịch lý làm hướng đi, làm giả thuyết để thí nghiệm. Vai trò của giả thuyết quan trọng đến đâu trong khoa học người ta đều đã biết.

Tổng quát hoá tức là dùng phương pháp qui nạp. Chỉ khi nào nêu được đặc tính của ý niệm quảng trương thì sự tổng quát hoá đó mới đi tới nguyên lý của sự vật. Những điều mà người ta tổng quát hoá được có khi lại cần được tổng quát hoá lần nữa. Những định luật được tổng quát hoá thành định luật cao hơn, lớn hơn, để có định luật của định luật. Sự tổng quát hoá cũng đi lên nhiều bình diện như sự cụ thể hoá lần lượt đi xuống nhiều bình diện. Tổng quát hoá tây y và cụ thể hoá đông y là sự nối kết đông tây y lại. Nhưng sự nối kết đôi khi không thực hiện được là vì những định luật của đông y thì cao quá, tổng quát quá, trong khi đó những kiến thức khoa học cụ thể của tây y thì chi tiết quá. Hai y học ở hai bình diện cực đoan không có những kiến thức ở những bình diện giữa để ráp chúng lại với nhau. Những kiến thức ở khoảng giữa đó trong đó có cả những định luật. Vì vậy công việc của nhà kết hợp đông tây y phải đưa ra những giả thuyết cho những kiến thức và định luật ở khoảng giữa đó. Do đó người kết hợp đông, tây y chẳng những là người am hiểu đông y, tây y mà còn phải là một nhà lý thuyết nữa.

Những lý thuyết được tạo ra mục đích để kết hợp đông, tây y sẽ được kiểm chứng như bao nhiêu giả thiết, bao nhiêu lý thuyết khác. Sự tạo lập lý thuyết ở khoảng giữa này cũng được tiến hành bằng cách dùng đông y làm hướng tổng quát hoá tây y và dùng những kiến thức của tây y lập lý thuyết để giải thích đông y. Hệ thống đông, tây y kết hợp là một sự nối kết đầu tiên giữa triết học và khoa học, thực hiện được giấc mơ của các nhà khoa học là lập được một hệ thống khoa học của các khoa học.

Tây y đi từ ngọn tới gốc, từ cụ thể đến trừu tượng, nhưng sẽ không bao giờ đi tới được trừu tượng bởi vì những tư tưởng trừu tượng phải được bắt nguồn từ những nguyên lý khí hoá. Vì thế trong y học thực nghiệm không bao giờ có những suy luận để tìm những định luật giữa biểu và lý, giữa hàn và nhiệt, giữa âm và dương, giữa hư và thực. Đông y đi từ gốc tới ngọn, từ trừu tượng tới cụ thể, nhưng sẽ không bao giờ đi tới được cụ thể, bởi vì những tư tưởng cụ thể phải được thiết lập trên căn bản thực nghiệm. Vì thế y học khí hoá không bao giờ nói về mặt hoá học và vật lý của những chất bổ, những chất tả, không bao giờ nói về những chức năng sinh lý học ở bình diện khoa học, lý hoá, cơ thể học dưới tác dụng của những thuốc công lý hay phát biểu.

Hệ Từ nói, Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình. Tượng là trừu tượng, là không có hình thể rõ ràng. Hình là cụ thể, có hình thể nhất định. Chữ thiên ở đây được hiểu là bình diện trên, địa bình diện dưới. Ở trời thì thành tượng, ở đất thì thành hình, nhưng cái gì thành tượng, thành hình? Đó là cái khí. Cùng một khí nào đó ở bình diện trừu tượng thì nó hiện ra hiện tượng gì và khi ở bình diện cụ thể thì nó thành ra hình thể gì. Chữ tượng và hình đây chỉ là một sự tương đối. Đối với cái trừu tượng thì cái cụ thể là cái hình. Nhưng một cái trừu tượng nào đó đối với cái trừu tượng hơn nữa, thì cái tương đối ít trừu tượng lại là cái hình. Vì vậy, đối với ý niệm nội hàm thì ý niệm ngoại diên là tượng; nhưng đối với ý niệm quảng trương thì ý niệm ngoại diên là hình. Có nhiều cấp độ trừu tượng và cụ thể, cho nên có rất nhiều tượng và hình. Chữ nội hàm, ngoại diên, quảng trương được đặt ra để phân biệt ba phạm trù lớn: nội hàm chỉ đặc tính của một loài; ngoại diên nhiều loài, quảng trương nhiều hiện tượng của thiên nhiên. Thế nhưng trong một loài cũng đã có nhiều tượng và hình, tức là nhiều bình diện trừu tượng và cụ thể tương đối với nhau.

Ta đã nói tây y nghiên cứu những cái cụ thể nhưng những cái cụ thể ấy cũng nằm ở nhiều bình diện cao thấp khác nhau, tức là trong đó cũng có bình diện trừu tượng, bình diện cụ thể, cũng có nội hàm, ngoại diên, quảng trương. Thí dụ kháng thể là những cái cụ thể, nhưng cũng có nhiều loại kháng thể, đặc tính của một loại kháng thể mang ý nghĩa nội hàm; đặc tính của nhiều loại kháng thể, tức kháng thể nói chung, mang ý niệm ngoại diên. Những tư tưởng của đông y nói chung là trừu tượng, nhưng cũng có cái trừu tượng nhiều, có cái ít. So sánh chung với nhau, trong đông y cũng có tượng và hình. Thí dụ vệ khí so với dương khí, thì vệ khí là hình mà dương khí là tượng vì dương khí cũng là vệ khí nhưng dương khí tổng quát hơn. Bây giờ làm sao sắp xếp từ thấp lên cao, từ cụ thể tới trừu tượng và tới trừu tượng hơn nữa, những tư duy, những kiến thức của tây y và của đông y và nối liền chúng với nhau như là một khí đã thành tượng, thành hình ở nhiều cấp độ khác nhau, làm như thế chính là kết hợp đông, tây y. Trong thí dụ trên, tây y chỉ nói kháng thể chung chung để tổng quát hoá tất cả các loại kháng thể. Ngoài các loại kháng thể, còn có những chất đề kháng khác cũng có vai trò đề kháng như bạch huyết cầu. Trong tây y người ta không gọi bạch huyết cầu là một loại kháng thể, nhưng vì nó cũng có vai trò chống lại vi sinh vật gây hại, nên nó cũng được liệt vào trong một nhóm hay một hệ thống, gọi là hệ miễn nhiễm. Hệ miễn nhiễm mang ý nghĩa quảng trương. Thế mà chữ hệ miễn nhiễm của tây y có nghĩa tương tự như chữ vệ khí của đông y. Nên nhớ một điều chữ khí đứng chung với chữ vệ đây không nhất định phải là hơi hay năng lượng. Chữ khí đây chỉ đóng vai trò một tĩnh từ để ám chỉ vệ thuộc về dương, để phân biệt với chữ vinh huyết là âm. Sở dĩ chữ hệ miễn nhiễm có ý nghĩa hẹp hơn chữ vệ khí là vì người ta đã kê khai những thứ miễn nhiễm mà sự kê khai này có thể còn thiếu sót vì có thể còn những thứ miễn nhiễm khác chưa được phát hiện. Còn chữ vệ khí sở dĩ có ý nghĩa rộng hơn là vì nó nói chung tất cả những gì người ta chưa phát hiện. Chữ vệ khí còn có nghĩa rộng hơn là vì nó được luận trong những tương quan với những thứ khác như vinh huyết, đốc mạch v.v. Nhưng nói riêng ý nghĩa miễn nhiễm của vệ khí, thì ở đây vệ khí là cầu nối giữa đông, tây y. Vệ khí mang ý nghĩa quảng trương đối với bạch cầu và các loại kháng thể, nhưng đối với dương khí thì vệ khí chỉ mang ý nghĩa nội hàm. Như thế dương khí mang ý nghĩa ngoại diên. Nhưng dương khí chỉ là một thành phần của khí (chứ không phải huyết) nên chữ khí nói chung (đối lại với huyết) mới có ý nghĩa quảng trương.

Sự biện luận bằng ba ý niệm nội hàm, ngoại diên, quảng trương là để tư duy ta được rõ ràng. Thật ra, khi kết hợp đông, tây y, ta không cần phải nhận định bằng ba ý niệm đó, nhưng chỉ cần phân biệt được những bình diện trừu tượng hơn và cụ thể hơn của cùng một khí được diễn tả bằng những kiến thức cụ thể của tây y và trừu tượng của đông y là được. Chẳng hạn về vấn đề trên, ta có thể nhận định như sau.

Thí dụ nói về sự ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời. Phát biểu theo cách trừu tượng, Nội Kinh Tố Vấn, chương Sinh Khí Thông Thiên Luận nói “Khí của trời xanh thanh tịnh, thì chí và ý của mình được bình trị. Ta thuận theo đó mà sống, thì dương khí trong cơ thể ta được vững chắc thêm; dù có tặc tà cũng không thể hại được ta” (Thương thiên chi khí thanh tịnh, tắc chí ý trị. Thuận chi tắc dương khí cố; tuy hữu tặc tà, phất năng hại dã). Xét về mặt cụ thể, những thí nghiệm của tây y đã chứng minh được rằng dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, những tế bào di dịch (cellules migratrices) trở nên năng động hơn; những tế bào của thành tiểu mạch (lec cellules de la paroi des petits vaisseaux) cũng hưng phấn hơn. Nếu người ta cố ý gây nhiễm trùng bằng thực nghiệm cho những con thú và đặt một số trong mát, một số trong nắng, thì số con vật trong nắng chống chọi khá hơn. Người ta còn ghi nhận những bịnh nhiễm trùng thường xảy ra vào những tháng mùa đông u ám. Như thế câu “tuy có tặc tà (những vi sinh vật làm hại cơ thể) cũng không hại được ta” chính là sự chống chọi lại những vi sinh vật đắc lực của những tế bào trong môi trường nắng ấm.

Nội Kinh lại nói “mất dương khí (không có ánh sáng mặt trời) thì khí tán giải” (Thất chi tắc… vệ khí tán giải). Cái gọi là vệ khí, Tây y gọi là tính miễn nhiễm. Khi ánh sáng tác động vào da, thì da thành lập những kháng thể (anticorps).

Ngay như câu “Dương khí trong người ví như mặt trời trong khoảng không trung; nếu mất nó thì chết yểu và không sáng sủa (Dương khí giả, nhược thiên dữ thật; thất kỳ sở tắc chiết thọ nhi bất chương) của Nội Kinh cũng được nghiên cứu dưới con mắt thực nghiệm. Khi người ta chiếu sáng bụng một con ếch, mà không để ánh sáng đi vào mắt nó, nhưng mắt nó vẫn thích ứng với ánh sáng nhờ sự truyền dẫn của những cơ chế khác nhau từ bụng lên mắt. Sự phản xạ ấy không thông qua duy nhất hệ thần kinh, mà còn nhờ ở một chất xuất hiện trong da dưới tác động của ánh sáng đến các cơ quan bằng con đường huyết mạch. Để chứng minh cho lý thuyết này, người ta truyền máu của một con ếch được chiếu sáng vào một con ếch ở trong bóng tối, thì hai mắt của con ếch trong bóng tối liền thích ứng với ánh sáng. Chất đó được mệnh danh “kích thích tố ánh sáng (hormone de luminosite). Chất này làm mạnh các giác quan và bắp thịt. Có nhiều thí nghiệm cho thấy rằng chỉ cần chiếu sáng vào đôi chân trần của một con người, người ấy thấy rõ hơn, nghe rõ hơn, làm việc năng nổ hơn. Như thế rõ ràng là nhờ ánh sáng mặt trời sự “phát quang” nơi con người hoạt động và mạng sống được thọ hơn.

Vậy vệ khí là ý niệm tổng quát của những kháng thể. Nhưng vệ khí chỉ là một phần của dương khí, ánh sáng mặt trời cũng là một phần của dương khí. Vậy chữ dương khí càng tổng quát hơn nữa.

Phát biểu theo nhiều cách, ở nhiều bình diện như trên chính là sự kết hợp đông, tây y. Ngoài những kết quả mà đông, tây y tìm được như nhau, còn một số kết quả không giống nhau, như tây y tìm thấy dưới tác động của ánh sáng mặt trời, chất ergoterine biến thành vitamine D đó là điều đông y không có lời phát biểu tương quan; hoặc đông y nói thiếu ánh sáng mặt trời, gân bị chùng, nhuyễn, tay chân xụi lơ. Đó cũng là một hiện tượng mà tây y không nói tới. Như thế kết hợp đông tây y còn là lấy những tư duy trừu tượng của đông y làm phương hướng để tìm hiểu cụ thể xem ở mặt  cơ thể học, hoá học, vật lý học có những thay đổi gì tương quan với câu nói của đông y không. Ngược lại ta cũng có thể lấy những kết quả cụ thể của tây y để tìm cách hiểu xem bình diện trừu tượng sự biến động của âm dương là như thế nào. Tìm hiểu đến khi nào ta thấy rằng những biểu hiện cụ thể hay trừu tượng cũng là sự biểu hiện của cùng một khí. Đó là sự biến hoá của khí, gọi là khí hoá. Y học thực nghiệm cũng là nghiên cứu về những biến hoá của khí nhưng ở bình diện cụ thể, còn y học khí hoá là y học nhận thức, phát biểu những định luật biến hoá của khí ở bình diện trừu tượng. Nghiên cứu sự biến hoá của khí ở cả những bình diện trừu tượng và cụ thể là sự kết hợp y học khí hoá vào y học thực nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét