Y HỌC KHÍ HÓA - Y HỌC THỰC NGHIỆM - PHÂN TÍCH NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA TÂY Y VÀ NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA ĐÔNG Y


HOÀI NGHI

Nói kiểm chứng là kiểm chứng cái gì còn nghi ngờ là không đúng, không dám chắc là đúng, chứ không ai kiểm chứng cái chắc chắn là đúng rồi. Nhưng không phải điều gì cũng phải kiểm chứng mới biết đúng. Có những điều hiển nhiên không cần kiểm chứng mà ai cũng phải tin là đúng. Trước khi nói về kiểm chứng, ta hãy nói qua về những sự hiển nhiên trong khoa học và triết học.

Khoa học là một hệ thống những kiến thức, cái trước chứng minh cái sau hay cái sau được kiểm chứng bằng cái trước đã biết chắc. Thường trong khoa học có những điều hiển nhiên không cần chứng minh. Những điều đó được đặt ở đầu hệ thống của khoa học đó, gọi là định đề hay công lý. Các định đề hay công lý chỉ có bổn phận chứng minh những kiến thức của khoa học đó chứ không đòi hỏi một kiến thức khác chứng minh nó. Cái trí năng cho phép ta quả quyết một điều gì là đúng mà không cần lý luận chứng minh, là trực giác. Điều này đã được nói bởi Aristote “Vì không có cái gì chắc chắn hơn khoa học ngoại trừ trực giác ; và vì những nguyên tắc được chúng ta biết rõ hơn những suy diễn từ những nguyên tắc đó ; và vì tất cả khoa học được gắn liền nhau bởi lý luận, chúng ta không thể có khoa học về những nguyên tắc. Xét cái này với cái kia, sự khởi nguyên của sự chứng minh không thể là sự chứng minh, mà sự khởi đầu của khoa học cũng không thể là khoa học ; và vì, như chúng ta đã nói, không có thứ chân lý khác, trực giác (intuition) phải là sự khởi nguyên của khoa học.”

Khoa học không thể tự nó có, mà nó xây dựng trên trực giác. Mà trực giác là minh triết. Vậy khoa học xây dựng trên nền tảng triết.

Sau khi nền tảng khoa học được thiết lập bằng trực giác rồi, lý trí mới suy diễn để nối kết tất cả những kiến thức của khoa học đó. Nguyên tắc mà lý trí theo để suy luận là những nguyên tắc của lý luận hình thức – nguyên lý đồng nhất, nguyên lý mâu thuẫn, nguyên lý triệt tan.

Nguyên lý đồng nhất được phát biểu bằng sự xác nhận rằng một sự vật được đồng hoá với chính nó: A là A. Mệnh đề rằng súc vật là súc vật là một thí dụ của sự đồng nhất tuyệt đối. Trong khi đó mệnh đề rằng súc vật là những sinh vật là một trường hợp đồng nhất tương đối.

Nguyên lý mâu thuẫn muốn nói rằng một sự vật không thể được xác nhận là cái gì nó không phải. Một sự vật không thể vừa là cái gì lại vừa không là cái gì đó. Chó không thể vừa là súc vật, vừa không phải là súc vật.

Nguyên lý triệt tam là một sự vật phải hoặc có hoặc không, hoặc là hoặc không là cái gì đó. Trong hai mệnh đề trái ngược nhau, chỉ có một đúng. Nếu mệnh đề chó là súc vật là đúng, thì mệnh đề chó không phải là súc vật là sai.

Thế nhưng cái gì đã xác nhận tính đúng đắn của những nguyên lý của luận lý học hình thức để lý trí noi theo mà xây dựng khoa học? Tính đúng đắn của những nguyên lý này không được chứng minh, không thể được lý luận bằng lý trí. Rốt cuộc cũng chính trực giác đã làm cho người ta tin rằng những nguyên lý ấy là đúng để lý trí tuân theo. Mivart, trong tác phẩm “Khoa học hữu ích” (The Helpful Science), nói “Khoa học vật lý có thể bảo cho ta biết chân lý của nhiều chuyện, nhưng không thể bảo cho ta biết gì hết về chính chân lý đó. Nó có thể cung cấp cho ta lý luận tốt để tin nhiều sự kiện khác nhau, nhưng không cung cấp cho ta nền tảng trên đó chúng ta có thể tin những lý luận ấy.”

Một khi đã coi những nguyên lý của luận lý học hình thức là hiển nhiên đúng, người ta cũng coi vũ trụ này đương nhiên cũng được tổ chức một cách hợp lý luận (logically, rationally), nghĩa là những hiện tượng này tương quan với những hiện tượng khác một cách hợp lý luận, nhờ vậy ta có thể dùng phương pháp suy luận để tìm và để kiểm chân lý của thiên nhiên. Hoffmann viết “Mỗi nhà khoa học ngay từ đầu phải nhận ra sự kiện rằng vũ trụ, mà họ là một thành phần trong đó, được xây dựng một cách hợp lý luận. Nói cách khác, mỗi nhà khoa học làm việc dựa trên giả thiết chẳng những là chính họ được cấu tạo một cách hợp lý luận để họ có thể nhận thức được và áp dụng những nguyên tắc của tư tưởng (nguyên lý của luận lý học hình thức), mà còn là vũ trụ được xây dựng theo cách đó để người ta có thể hiểu vũ trụ bằng lý luận.”

Nói vũ trụ và tư tưởng con người được cấu tạo theo cùng một nguyên tắc là nguyên tắc hợp lý luận, đó là phân hai bên mà nói. Thật ra cái lý luận hình thức của chúng ta đã bắt nguồn từ thực tại của vũ trụ, có nghĩa là triết học và khoa học luôn luôn bám sát thực tại. Luận lý là do lý trí đặt ra để suy luận, đó là trò chơi của tư tưởng. Nhưng cái lý trí này lại phản ánh đúng thực tại nên người ta có cảm tưởng thực tại cũng được cấu trúc theo lý trí. Nhưng nhà khoa học không muốn dừng lại ở khái niệm đơn giản đó ; ông muốn giả định vũ trụ cũng được cấu trúc giống như những nguyên tắc của tư tưởng, hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của tư tưởng, để ông chắc ăn trong việc suy luận, tìm kiếm chân lý. Giả định như vậy không phải là không có lý do, nhưng thử hỏi làm sao biết sự giả định này là đúng? Cũng là trực giác mách cho ta biết điều này là đúng, vì người ta không thể chứng minh điều đó bằng lý trí.

Một điều hiển nhiên nữa cần thiết trong việc xây dựng khoa học mà người ta không chứng minh được là nguyên lý nhân quả. Người ta tin rằng một nhân luôn luôn cho ra một quả và cùng những nguyên nhân giống nhau cho ra những kết quả giống nhau. Nguyên lý này do người ta trực giác thấy.

Ngoài ra còn nhiều điều khác được dùng trong việc xây dựng khoa học mà người ta chỉ có thể trực giác được chứ không chứng minh lý luận được. Như thế trực giác hay sự minh triết đóng vai trò tiên quyết trong khoa học. Có nhiều cái đối với chúng ta là hiển nhiên như sự nhận thấy sự khác biệt giữa hai vật, sự nhận thấy đặc tính, thuộc tính của một vật. Sự nhận thấy hiển nhiên này vừa do cảm quan vừa do trực giác. Ngay trong cái gọi là cảm quan (sense – perception, susceptibility) và tri giác (perception) hàm chứa trực giác (intuition) trong đó. Tất cả những gì ta nhận biết được bằng cảm quan, tri giác, trực giác đều dùng làm yếu tố cho khoa học. Vì thế điều thứ nhì ta kết luận được là triết học và khoa học không tách rời nhau.

Người ta cho rằng những khám phá mới được khám phá bằng phương pháp qui nạp. Nhưng cái gì đã gợi ý cho ta để lập thành giả thiết? Cũng chính cái trực giác. Bằng con đường diễn dịch người ta trên đường đi cũng bắt gặp những ý tưởng mới nhưng chính cái trực giác nó bắt gặp cái ý mới. Nói tóm lại, trực giác là khả năng phát minh ; lý trí lý luận là khả năng kiểm chứng. Lý trí (raison) chỉ có thể làm cho kiến thức ta trở nên rõ ràng hơn, chính xác hơn và thứ tự hơn. Lý trí cũng có thể giúp phát minh những định luật mới bằng phương pháp qui nạp và diễn dịch, nhưng sự thấy được cái mới lạ là trực giác. Lý trí hướng dẫn cho sự trực kiến nhưng lý trí không trực kiến. Vì thế bác sĩ Samuel nói “Suy nghĩ hay tư tưởng không cho ta một đối tượng cơ bản nào của kiến thức. Những đối tượng mà ta có thể suy nghĩ về chúng đều do trực giác cung cấp ban đầu.”

Trực giác nơi mỗi người không đồng đều. Có người có trực giác mạnh, có người yếu. Trực giác mạnh là một trực giác có thể coi là hiển nhiên một chân lý mà một trực giác yếu không coi là hiển nhiên và đòi hỏi kiểm chứng bằng lý trí. Theo lý thuyết này, thì tất cả những kiến thức, những định luật trong thiên nhiên mà con người khám phá ra, dù đơn giản và dễ đến đâu hay dù phức tạp và khó khăn đến đâu, cũng có thể trực giác được và đồng thời cũng có thể lý luận bằng lý trí được. Có thể trực giác được vì sự thật trong thiên nhiên không có những thứ tự lý luận trước sau, thang bậc như trong hệ thống khoa học vốn là cái do con người đặt ra một cách giả tạo. Có thể lý luận để kiểm chứng được vì ta đã tin (tin bằng trực giác) nguyên tắc rằng vũ trụ được cấu trúc một cách hợp lý luận. Những kiến thức của đông y nói riêng và khoa học đông phương nói chung là những cái được coi như trực giác được không thông qua một hệ thống lý luận thiết lập theo phương pháp khoa học. Đông y được thành lập như thế đó, nhưng không phải tất cả những kiến thức của đông y đều do trực giác mạnh hay trực giác thứ thiệt nhìn thấy mà có thể nhiều kiến thức trong đông y được sáng tác bởi thứ trực giác yếu ớt hay trực giác giả nguỵ (fausse intuition) mà Bergson đã từng đề cập đến.

Trong đông y cũng có một mớ kiến thức gặt hái được bằng con đường lý luận diễn dịch. Những kiến thức này phần nhiều là sai bởi lẽ người ta đi sai nguyên tắc. Đông y, đông phương học, đi từ gốc tới ngọn, từ tổng quát tới chi tiết, mà chiều hướng này không thể dùng phương pháp lý luận để phát triển được.

Khả năng của con người chỉ trực giác được những gì đơn giản, như một với một là hai, chứ không thể trực giác được đáp số của một bài toán quá phức tạp đòi hỏi phải giải bằng phương trình bậc 3. Đối với những vấn đề phức tạp, người ta phải giải bằng lý trí lần lượt dẫn tư tưởng mình theo những nguyên tắc của luận lý học (nhất là luận lý học hình thức) mà mình đã coi là hiển nhiên đúng. Chẳng những phương pháp diễn dịch, mà ngay cả phương pháp qui nạp cũng được thực hiện bằng lý trí chứ không phải bằng trực giác. Thường sự qui nạp không biết hết các phần tử cá biệt, nhưng chỉ kinh nghiệm qua một số phần tử cá biệt, nên hầu như bất cứ qui nạp nào cũng có giá trị tương đối, nghĩa là không chắc chắn. Do đó đứng trước những lời giải đáp của một vấn đề phức tạp mà ta phỏng đoán hay giả thiết do sự qui nạp đem lại, người ta phải hoài nghi.

Sự hoài nghi của nhà thực nghiệm còn đi xa hơn nữa. Nhà thực nghiệm không được tự cho phép mình tin những diễn dịch của mình cho dù có hợp lý đến đâu, mà phải thí nghiệm lại, kẻo sự diễn dịch ấy của mình đã rời khỏi thực tại và lạc vào một thế giới của luận lý.

Tinh thần hoài nghi lần lần ăn sâu vào óc các nhà thực nghiệm đến nỗi họ quên đi giá trị của giả thuyết nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát minh. Chính Claude Bernard còn nhắc nhở chúng ta rằng nhà khảo nghiệm không thể khảo nghiệm nếu không có dự kiến. Một số lý thuyết lớn của khoa học ngày nay thành công phải chăng là sự chứng minh lại những giả thuyết đã được đề xướng từ xưa. Ở Hy Lạp cổ thời có hai phái triết học, một chủ trương vật chất có thể phân chia đến vô cực, một chủ trương chỉ chia đến một mức độ nào sẽ đến một đơn vị nhỏ nhất gọi là nguyên tử. Thuyết Dalton là sự triển khai hợp lý bằng những kiến thức khoa học hiện đại giả thuyết nguyên tử xưa. Trong quyển De Coelo, Aristote khẳng định quả địa cầu phải có hình cầu. Chính Anaximan-der, học trò của Thalès, cũng dạy rằng trái đất tròn và lơ lửng trên không, Euclid là người đầu tiên đoán được định luật xác thực về phản quang (reflection of light). Trong quyển “Luận về thị giác” (Treatise on Optics) ông lý luận cho lý thuyết rằng tất cả ánh sáng được truyền theo đường thẳng. Tương tự như thế, Đông y là một kết tập những giả thuyết đáng được lưu ý để đem ra thí nghiệm và tìm cách chứng minh. Nếu ta quá thiên về tinh thần hoài nghi, chúng ta sẽ vất đông y vào sọt rác để tự mình làm mất hết những ý kiến dự tiên để làm bao cuộc thí nghiệm quí báu.

Tính hoài nghi còn ngăn cản sự tổng quát hoá. Tuy rằng Claude Bernard chủ trương rằng sự tổng quát hoá (generalization) là chuyện đương nhiên phải xảy ra sau khi đã có những kiến thức khoa học chắc chắn, nhưng kiến thức chắc chắn ấy dù nhiều đến đâu cũng không đủ để cho phép một nhà hoài nghi làm công tác tổng quát hoá, bởi lẽ bản chất của tổng quát hoá, của qui nạp luôn luôn là không đáng tin hoàn toàn. Ông vạch ra con đường để khoa học tiến bộ là một lẽ nhưng chính phương pháp mà ông đưa ra (phương pháp hoài nghi thực nghiệm) không cho phép người ta bước vào con đường mà ông vạch ra. Trong y khoa có biết bao nhiêu điều có thể đi đến sự tổng quát hoá, nhưng người ta không dám làm một tổng quát hoá nào hết.

Phản dưỡng (feedback) là một cơ chế được ghi nhận trong nhiều hiện tượng sinh lý, nhưng người ta vẫn không dám nói nó hiện diện trong mọi hiện tượng sinh lý. Khi nồng độ trong máu của các hormone thượng thận, giáp tràng, buồng trứng giảm thiểu tới một mức nào đó, tuyến yên được báo động để bài tiết nhiều ACTH, TSH, FSH, và LH. Những chất này làm các tuyến thượng thận, giáp trạng và noãn sào bài tiết nhiều hơn. Nếu phân suất của các hormone trong máu lại cao, thì nó làm giảm thiểu lượng kích tố bài tiết. Đó là cơ chế phản dưỡng (feedback) giữa các tuyến bài tiết. Ngoài ra người ta còn thấy có sự phản dưỡng trong sự kiểm soát hơi thở (repiration control), trong hệ thần kinh ngoại biên – trung ương, trong sự điều tiết thần kinh – dịch (neuro – humoral regulation) trong cơ quan điều vận thần kinh trung khu – (nerve centers effector organ), trong mối tương quan giữa tuỷ sống – cơ xương (spinal cord – skeletal muscles relationship). Người ta không dám phát biểu phản dưỡng là một cơ chế chung của mọi hiện tượng sinh lý mặc dù đã thấy nó hiện diện rất nhiều nơi. Đó là tinh thần thận trọng đáng khen. Tuy nhiên không ai cấm nhà khảo nghiệm có dự kiến đó để tiếp tục làm những cuộc thí nghiệm để chứng minh thêm sự hiện diện của cơ chế phản dưỡng ở nhiều hiện tượng sinh lý khác.

Nhà khảo nghiệm đã có rất nhiều giả thuyết tương tự như vậy. Nhưng những giả thuyết ấy chỉ tồn tại trong đầu ông để hướng dẫn ông làm những cuộc thí nghiệm, chứ không được trình bày với công chúng để tất cả mọi người cùng ứng dụng. Không phải ông ích kỷ muốn dấu riêng mình, nhưng tinh thần khoa học tây phương không cho phép ông đưa ra những giả thuyết như thế. Rốt cuộc lại những giả thuyết trong đầu ông chỉ giúp ích cho một mình ông.

Nếu khoa học bớt khắt khe đi một chút, thì khoa học sẽ tiến nhanh hơn. Năm 1949 giải Nobel được trao cho người đã nghĩ ra giả thuyết rằng có meson chứ không phải trao cho người tìm thấy meson. Hiện tượng mã hoá bộ ba acide amine đã được lý luận toán học tiên tri trước khi khoa học thực nghiệm chứng minh điều đó. Guilemin tiên đoán rằng phải có những hormone dưới đồi kiểm soát các hormone tuyến yên rồi sau đó điều này mới được chứng minh và ông được giải Nobel năm 1977 về y học và sinh học. Như thế là thế giới cũng đã đánh giá cao giả thuyết.

Tiên đoán một chân lý có thể là dự kiến, có thể là giả thuyết. Nếu chỉ là những dự kiến về những chi tiết thì cũng không khác gì những gì người ta đã làm trong khoa học thực nghiệm xưa nay. Điều chúng ta muốn nói ở đây là sự tổng quát hoá ; mà tổng quát hoá thì phải được đặt thành giả thuyết vì những điều tổng quát hoá ấy còn lâu mới chứng minh được (cũng sẽ chứng minh được nhưng phải mất một thời gian rất dài).

Trong khoa học người ta đã nghiên cứu rất nhiều hiện tượng trong đó có hai mặt đối lập là hai yếu tố chủ yếu, như cực âm cực dương của điện, hệ giao cảm và hệ đối giao cảm của thần kinh thực vật, âm điện tử và nhân trong một nguyên tử, động mạch và tĩnh mạch trong hệ thống tuần hoàn, tinh trùng và trứng trong tiến trình thụ thai. Khoa học không dám đặt những cặp đó thành giả thuyết, nhưng những cặp đó đông y gọi là âm dương (âm dương chứ không phải là mâu thuẫn ; âm dương khác mâu thuẫn bởi những định luật của chúng).

Giả sử như khoa học chấp nhận cho người ta tổng quát hoá những kiến thức thực nghiệm để tạo thành những giả thuyết lớn, thì biết phải đặt giả thuyết gì bây giờ. Muốn đặt một giả thuyết, hay muốn tổng quát hoá, đôi khi không chỉ bằng phương pháp qui nạp, mà còn cần phải có một cái hướng nhìn trước để tổng quát hoá. Cái hướng nhìn trước này không phải nảy sinh từ kiến thức thực nghiệm, nhưng ngược lại, nó lại từ những giả thuyết tổng quát hơn, đơn giản hơn, cao hơn, mà sinh ra. Hay nói cách khác, lý thuyết được thiết lập, thay vì từ dưới chi tiết lên, thì ngược lại từ trên tổng quát xuống.

Hướng từ trên xuống chỉ là hướng nhìn, hướng định ra để tổng quát hoá những chi tiết khoa học. Hướng từ trên xuống dưới chính là đông y. Vì vậy tây y, muốn tổng quát hoá, phải mượn đông y làm hướng. Chẳng hạn lấy thập nhị chi (tí, sửu, dần…) làm hướng để nghiên cứu khoa học, ta có thể tổng quát hoá 12 bán cung trong âm nhạc và 12 tháng trong một năm và 12 giờ (cứ hai giờ tây được kể là một giờ đông) thành một định luật tổng quát. Nếu không có thập nhị chi hướng đạo, thì với ba trường hợp nêu trên chưa đủ để qui nạp và cũng chưa gợi cho người ta qui nạp chúng thành một định luật. Với cái hướng thập nhị chi, người ta tìm thêm trong những lãnh vực khác định luật của con số 12. Không có thập nhị chi, người ta không bao giờ có cái hướng đó để nghiên cứu. Thế mà thập nhị chi ở đâu ra? Cũng do âm dương, ngũ hành mà ra (tức là từ cái tổng quát hơn sinh ra cái chi tiết hơn).

Một trong những cách đặt giả thuyết hay tìm dự kiến (vả chăng dự kiến cũng là một thứ giả thuyết nhưng đơn giản hơn) là phép suy luận loại suy. Phải chăng tây y đã từng dùng suy luận loại suy làm một trong những bước thí nghiệm. Khi người ta có một dự kiến gì đó, người ta thí nghiệm trước tiên trên những con vật như thỏ, bọ, khỉ v.v. Như vậy phải chăng người ta đã coi những con vật đó có đồng chức năng với con người, tức là ta đã loại suy chức năng con người với chức năng con vật. Sự loại suy đó có khi đúng, vì có một số trường hợp thí nghiệm thành công trên con thú cũng thành công trên con người. Điều đó chứng tỏ phương pháp loại suy không phải hoàn toàn vô ích. Tuy nhiên, loại suy vẫn phải coi là giả thuyết và cần kiểm nghiệm lại. Những gì thí nghiệm thành công trên con thú mà chưa thí nghiệm trên con người, thì không thể suy sự thành công trên con thú ra sự khả dụng phát minh đó ở con người. Mặc dù thí nghiệm đã thành công trên con thú, mặc dù con thú và con người có sự tương đồng về chức năng và cho phép người ta loại suy từ vật sang người, nhưng người ta cũng phải thí nghiệm lại trên con người.

Còn một cách loại suy nữa cũng khá phổ biến để đi tìm giả thuyết (đi tìm giả thuyết chứ không phải đi tìm chân lý) là phép suy luận cùng hệ, tức là diễn dịch dây chuyền ở nhiều bình diện. Thí dụ ta qui ước hệ thần kinh giao cảm là dương và hệ đối giao cảm là âm. Những chất gì phù hợp với hệ giao cảm mà trái nghịch với hệ đối giao cảm, thì những chất đó thuộc dương. Tức là adrenaline, ephedrine là dương. Những gì phụ hợp với hệ đối giao cảm mà trái ngược với hệ giao cảm, những chất đó là âm. Vì thần kinh đối giao cảm tiết ra chất acetylcholine, nên những thứ thuốc cho linergic phần nhiều là những thuốc âm, vì nó gây ra những phản ứng làm hạ huyết áp (carbachol) tim đập chậm (methacholine) là những tính chất âm.

Phép loại suy phân loại cũng cung cấp cho ta rất nhiều giả thuyết và dự kiến để thí nghiệm. Thí dụ khi ta xác định hệ trực giao cảm là dương, thì những tác dụng của nó đều được coi là dương: gia tốc nhịp tim, co mạch, chế ngự chuyển động của ống tiêu hoá, dãn bàng quang, mở rộng con ngươi, chế ngự sự bài tiết tuyến nước bọt làm nước bọt đặc, tiết ra nor-adrona-lin… đều thuộc dương. Khi ta đã xác định hệ đối giao cảm là âm, thì tất cả những tác dụng của nó đều thuộc âm: ức chế nhịp tim đập, trương mạch, gia tốc chuyển động ống tiêu hoá, co bàng quang, thu nhỏ con ngươi, gia tốc sự bài tiết tuyến nước bọt là nước bọt loãng, tiết ra acetylcholine… đều thuộc âm.

Từ những rường mối đó ta tiếp tục phân loại, tiếp tục loại suy để được một hệ thống những hoá chất và những chức năng sinh lý, cái nào thuộc âm, cái nào thuộc dương trong tây y và trong khoa học. Những kết quả đó sẽ giúp người ta rất nhiều trong việc đi tìm những giả thuyết lớn hơn để đi tới việc hệ thống hoá toàn bộ kiến thức tây y theo những định luật của âm dương.

Muốn xác định tính chất âm dương, ta phải có một số những tính chất âm dương làm tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn âm dương này có sẵn trong thiên nhiên ; ta chỉ cần rút ra, nêu lên mà thôi. Đó là việc mà đông y đã làm từ mấy ngàn năm nay. Vì thế, muốn hệ thống hoá theo những định luật âm dương, người ta không khỏi tham chiếu đông y. Mới đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng màu sắc có ảnh hưởng tới con người mà đó là điều đông y đã nói từ lâu. Các nhà khoa học bảo rằng những màu đỏ và cam làm tăng nhịp tim, tăng cao huyết áp, giảm nhịp tim. Những kết quả này chứng minh màu đỏ là dương, màu xanh, đen là âm. Thế mà điều này được phát biểu trong đông y từ hồi đó tới giờ: đỏ thuộc hoả, thuộc dương ; đen thuộc thuỷ, thuộc âm.



BIỆN CHỨNG

Logic mà y học thực nghiệm dùng là logic hình thức, nó tôn trọng những nguyên lý đồng nhất, mâu thuẫn và triệt tam (hay bài trung). Nguyên lý đồng nhất giúp người ta phân biệt cái này với cái khác. Một khi đã nhận định chất này là chất base thì không được nói đó là chất acide ; không được phép khi thì bảo nó là base, khi thì bảo nó là acid. Nguyên lý mâu thuẫn giúp ta có một phán đoán nhất định về một sự việc gì. Một khi ta đã nhận định rằng một dung dịch alburnin hơ nóng thì đông cứng lại và đổ acide, rượu hay formol vào thì dung dịch sẽ kết tủa, và cho rằng nhận định ấy là đúng, thì sau đó chúng ta không được bảo nhận định ấy là sai. Khi thì bảo đúng, khi thì bảo sai, là phạm vào nguyên lý mâu thuẫn. Nguyên lý triệt tam giúp ta dứt khoát với phán đoán của mình. Một khi đã phân biệt đúng sai, thì cũng đồng thời công nhận không có cái thứ ba vừa đúng vừa sai ; A vừa là cái này vừa là cái kia.

Đối với những sự vật bất động, thì ta có thể áp dụng những nguyên lý ấy được, hoặc là đối với những sự vật cụ thể, thì những nguyên lý ấy còn có giá trị, nhưng sự vật biến động hoặc những gì trừu tượng, tổng quát, thì chúng phải có những nguyên lý khác. Những nguyên lý khác chính là nguyên lý tương đối và nguyên lý phóng ảnh. Những đối tượng của tư duy của đông y là những cái trừu tượng, tổng quát, biến động. Chúng đi ra ngoài những nguyên lý của logic hình thức và phù hợp với những nguyên lý tương đối và phóng ảnh mà chúng ta sẽ nói sau.

Một sự vật biến động thì không tuân theo nguyên lý đồng nhất. Nói đến sự vật biến động là nói đến ý niệm quảng trương trong sự vật ấy, tức là nói đến âm dương, tứ tượng của nó. Âm dương tứ tượng là những cái đang biến chuyển và biến sự vật thành khác đi. Theo nguyên lý đồng nhất thì âm phải là âm và luôn luôn là âm, dương phải là dương và luôn luôn là dương. Nhưng sự thật thì âm không hẳn là âm, dương không hẳn là dương và dương cực sinh âm, âm cực sinh dương. Thí dụ thiếu âm là âm hay dương? Thiếu âm là âm ở trong dương, nên nói nó là âm cũng được, mà nói nó là dương cũng được. Nói như thế không phải là không có quan điểm, không có lập trường, không phải mình là người ba phải, nhưng nó là âm hay dương tuỳ theo ta đứng ở góc cạnh nào, bình diện nào, hệ thống nào mà nói. Đó chính là nguyên lý tương đối. Nếu đứng ở bình diện lưỡng nghi mà nói, thì thiếu âm nằm trong dương nên thiếu âm là dương chứ không phải là âm. Nếu đứng ở bình diện tứ tượng mà nói, thì thiếu âm là âm chứ không phải là dương. Như vậy thiếu âm là âm hay dương, chỉ là một sự tương đối. Những bạch cầu là khí hay là huyết cũng là một sự tương đối. Nếu đặt những bạch cầu vào hệ thống các hoá chất thì chúng là huyết chứ không phải khí, nhưng nếu đặt chúng vào hệ thống của vệ (hệ miễn nhiễm) đối lập với hệ thống vinh (là những chất bổ dưỡng) thì những bạch cầu thuộc về khí (khí không phải là hơi, không phải là năng lượng, chứ không phải huyết.

Nguyên lý đồng nhất đã không đúng thì nguyên lý mâu thuẫn cũng không đúng đối với những sự vật biến động. Theo nguyên lý mâu thuẫn, một khi ta đã nói âm là lạnh, dương là nóng, thì không được nói ngược lại âm là nóng, dương là lạnh. Nhưng sự thật thiếu âm là âm trong dương nên khí của nó là nhiệt khí ; thái dương là dương cực sinh âm nên khí của nó là hàn khí.

Nội Kinh nói gan chủ sắc, tâm chủ mùi, tỳ chủ vị, phế chủ thanh, thận chủ dịch. Mũi là cửa ngõ của phổi, thế mà nó lại biết mùi thơm thúi ; tai là cửa ngõ của thận, thế mà nó lại biết nghe thanh âm. Vậy theo logic lý luận này không đúng. Mũi biết mùi thơm thúi, mà mũi là cửa ngõ của phổi, đáng lẽ phổi phải chủ về mùi mới đúng. Nhưng theo đông y thì khác. Nạn Kinh nạn thứ 40 nói, phế là Tây phương, kim. Kim sinh ở tị. Tị là Nam phương, hoả. Mà hoả là tâm mà tâm chủ mũi nên mũi biết mùi thơm thúi. Thận là Bắc phương, thuỷ. Thuỷ sinh ở thân. Thân là Tây phương kim. Kim là phế, mà phế chủ thanh nên tai nghe âm thanh. Như vậy đứng ở góc cạnh này thì mũi thuộc phế, tây phương kim ; đứng ở góc cạnh khác mũi thuộc tâm, nam phương hoả. Đứng ở góc cạnh này thì tai thuộc thận, bắc phương thuỷ ; đứng ở góc cạnh khác thì tai thuộc phế, tây phương kim. Vậy tai thuộc tây phương kim hay bắc phương thuỷ, điều này chỉ là tương đối.

Nguyên lý thứ ba, nguyên lý triệt tam cũng không đúng với đông y là một học thuyết suy luận trên cái biến chuyển. Đông y có nói về nhất dương sinh vào giờ tý tháng chạp. Cái nhất dương này nó vừa là âm, vừa là dương. Thời điểm nhất dương sinh là âm tận, dương sinh, lúc đó vừa là âm vừa là dương. Thật ra nhất dương là cái không thể xác định được về mặt âm dương. Xác định nó là âm cũng được, xác định nó là dương cũng được, nhưng dù xác định kiểu nào thì đó chỉ là cái ảnh bất động của sự vật đang biến động. Sự vật đang biến động là thực tại, nó là cái không thể biết được, không thể xác định được, nhưng nó có một hay nhiều ảnh phản ánh chính xác nó. Cái ảnh này do thực tại biến động phóng chiếu ra nên được gọi là sở phóng ảnh của thực tại.

PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH

Trong con người, những chức năng tạng phủ hoạt động chung với nhau thành một hệ thống. Con người là một bộ máy vô cùng phức tạp và không khu biệt từng bộ phận, từng chức năng mà tìm hiểu được. Nếu nó là cái không thể tách biệt từng phần, thì làm sao thí nghiệm được? (xem Claude Bernard, Dẫn nhập Y khoa Thực nghiệm, trang 33). Mà không thí nghiệm được làm sao nghiên cứu được, làm sao truyền dạy được? Người ta chỉ có thể thí nghiệm, nghiên cứu một cái gì đứng yên một chỗ, một cái gì không thay đổi, một cái gì có thể tách riêng từng phần, một cái gì đơn giản bị chi phối bởi ít yếu tố. Do đó muốn thí nghiệm để học một cái sống động như cơ thể con người, người ta phải kể như nó bất động, gồm những thành phần có thể tách rời ra mà mỗi thành phần rất đơn giản chỉ bị chi phối bởi một hay hai tác nhân thôi, hay ít ra người ta cũng phải tạm thời giả định như thế trong khi tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu và trình bày. Coi nó như bất động, tách rời từng bộ phận, từng chức năng, loại bớt các yếu tố tác động, là những phương pháp nghiên cứu, thí nghiệm.

Khi tiến hành phương pháp này, quả thật người ta đạt được những kết quả mĩ mãn. Nhưng khi áp dụng những kết quả đó vào việc chữa trị thì không thành công. Tại sao lạ vậy? Có người cho rằng kết quả của những thí nghiệm đó là những hiểu biết về một con người giả tưởng – một con người bất động, gồm có nhiều thành phần không liên quan, không ảnh hưởng nhau, trong một môi trường có rất ít yếu tố tác động – đó là những hiểu biết về một xác chết. Quan niệm này không đúng. Khi người ta coi sự vật bất động, là mục đích để thấy sự sống động khi so sánh cái động với cái bất động. Chia cắt từng phần để nghiên cứu là một việc làm trong thời gian nghiên cứu thôi ; sau đó nối kết những phần đã nghiên cứu lại, làm một tổng hợp, ta lại có một quan niệm tổng quát. Loại trừ một số yếu tố trong khi thí nghiệm, đó là người ta muốn bắt đầu thí nghiệm với những hiện tượng đơn giản ; sau đó thêm vào hiện tượng đơn giản mà ta đã hiểu được, những yếu tố mới, và tiếp tục làm những thí nghiệm với hiện tượng phức tạp hơn. Vậy nguyên nhân gì đã làm cho việc áp dụng kết quả thí nghiệm vào việc chữa trị không thành công? Nguyên nhân đó là tại người ta mang cái quan niệm của một người thí nghiệm ra để chữa bệnh, dùng phương pháp của nghiên cứu để thực hành.

PHƯƠNG PHÁP CÔ LẬP HOÁ (giả định từng phần riêng lẻ)

Trong một cơ chế, có nhiều hoạt động. Muốn tìm hiểu hết cơ chế đó, người ta phải chia ra từng hoạt động một của cơ chế ấy mà nghiên cứu. Như thế có hoạt động được nghiên cứu trước, có hoạt động được nghiên cứu sau, vì người ta không thể nghiên cứu tất cả các hoạt động của nó cùng một lúc được. Thế nhưng con đường khám phá những bí mật của con người, người ta không biết trước một cơ chế có bao nhiêu hoạt động tất cả để mà chia ra cái trước cái sau để lần lượt nghiên cứu. Đôi khi tình cờ người ta đối diện một hoạt động nào đó, người ta bắt đầu nghiên cứu trước. Sau đó người ta cũng không biết còn hoạt động nào liên đới với hoạt động mà người ta đã nghiên cứu trong cơ chế đó, hay cơ chế đó chỉ gồm có một hoạt động duy nhất đó mà người ta đã nghiên cứu rồi. Việc chữa trị đòi hỏi phải thực hiện cấp bách. Thế là người ta dùng ngay cái kiến thức hạn hẹp mà người ta vừa thu lượm được từ cuộc nghiên cứu về hoạt động đó để chữa trị. Phương pháp chữa này dĩ nhiên là không hoàn hảo. Đến khi người ta tìm ra được một hoạt động khác trong cơ chế đó, thì quan niệm người tat hay đổi, đồng thời người ta cũng thay đổi luôn cả phương pháp chữa trị. Nhưng cái phương pháp đổi mới này cũng chưa hoàn hảo vì ngoài hai hoạt động người ta đã biết còn những hoạt động khác liên đới trong cơ chế đó. Lần lần những hoạt động khác cũng được phát hiện và những phát hiện đó làm thay đổi một lần nữa quan niệm mới nhất. Vì thế quan niệm, lý thuyết của tây y cứ thay đổi mới hoài hoài và mỗi lần đổi mới là mỗi lần biết mình đã sai.

Năm 1921 người ta khám phá ra insulin. Các y sĩ nhân đó giải thích bịnh đái đường có nguyên nhân là tuỵ tạng bài tiết không đủ insulin, vì người ta tưởng cơ chế điều tiết đường lượng máu chỉ gồm có kích thích tố tuỵ tạng. Lần lần người ta mới biết cơ chế điều tiết đường lượng máu phức tạp hơn: ngoài hoạt động của insulin đối với gan, còn nhiều hoạt động khác. Người ta gặp những ca bịnh đái đường mà không có tổn thương nào của tuỵ tạng (lesion anatomo – pathologique du pancreas). Người ta có quan sát thấy những tuyến nội tiết khác, như tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận hay tuyến yên, bài tiết những kích thích tố có tác dụng đối nghịch với tác dụng của insulin. Người ta tiên đoán rằng trong máu những hồng cầu bài tiết một chất đối nghịch lại. Hơn nữa người ta công nhận rằng trong cùng một cơ quan có những chất có những hoạt động bù trừ cho nhau.

Những sai lầm tương tự cũng gặp phải nhân những khám phá sinh lý về thực phẩm. Từ sau những công trình của Liebig, Voit, Pettenkoffer và nhiều người khác, quan niệm vật lý về thực phẩm đã cất cánh lên cao. Giá trị của một thực phẩm được biểu thị duy nhất bằng số nhiệt lượng (calorie) mà nó phóng thích trong tiến trình đốt cháy. Đó là người ta tách riêng phần nhiệt lượng (calorie) của một thực phẩm mà nghiên cứu một cách độc lập, kể như ngoài nhiệt lượng ra, thực phẩm đó không còn gì khác. Cái quan niệm biệt lập hoá đó tồn tại luôn khi ứng dụng kết quả thí nghiệm: người ta tuyên bố rằng giá trị của một thực phẩm tuỳ thuộc duy nhất vào nhiệt lượng mà nó phóng thích khi bị đốt cháy. Nhưng khi so sánh rượu với những chất đạm (matières protéiques) thì thấy rằng rượu phóng thích nhiều calorie hơn những chất đạm gấp hai lần nếu rượu và chất đạm cùng trọng lượng như nhau, tuy nhiên giá trị dinh dưỡng của rượu không gấp đôi của chất đạm. Rượu, albumin, hydrates de carbon không phải có giá trị bổ dưỡng như nhau. Chúng ta không nên quên rằng những thực phẩm, ngoài việc sưởi ấm cơ thể, còn tái tạo những phần đã tiêu xài của các cơ quan. Thế mà khi áp dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm vào việc chữa trị, thì ta vẫn hay “quên” những vấn đề lẩm cẩm như thế! Ngược với phương pháp cô lập hoá là y học khí hoá nó bắt buộc phải nhìn mọi vật trong sự tương quan.

PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN HOÁ (phương pháp loại trừ)

Chẳng những sự kiện thí nghiệm mà người ta chọn ban đầu là một cái đơn giản mà người ta còn loại trừ các yếu tố trong cuộc thí nghiệm. Đó là phương pháp chung của mọi khoa học. Trong khoa vật lý, muốn nghiên cứu tốc độ một cục đá rơi từ trên cao xuống, người ta phải giả thiết không có sức cản của không khí, không có những lực khác tác động vào làm đổi hướng rơi của cục đá v.v. Có những thí nghiệm người ta giả tưởng như làm trong chân không. Trong y khoa cũng vậy, người ta loại trừ những điều kiện trong cuộc thí nghiệm bằng cách gạt bỏ những yếu tố phức tạp để còn lại những yếu tố lý-hoá của vật sống đó, coi con người như một hệ thống lý hoá (system physic – chimique), tức nhìn con người ở một bình diện thấp. Trong hệ thống lý hoá này (con người), người ta kể như chỉ có những yếu tố vật lý và hoá học tác động với nhau ; những yếu tố khác, như tinh thần chẳng hạn, nó tác động và làm thay đổi hệ thống lý hoá ấy, thì người ta tạm gác nó sang một bên. Nói về phương pháp và thủ tục thí nghiệm, thì tiến hành như vậy là đúng, nhưng rủi thay sự giản lược hoá các yếu tố để coi con người như một hệ thống lý hoá dần dần trở thành quan niệm của nhà y học. Đến khi lâm sàng, y sĩ cũng mang luôn cái quan niệm đó ra chữa bịnh nên thật là tai hại.

Trước kia, cách đây không lâu, tây y xem nhẹ môi trường và không coi trọng yếu tố tinh thần là nguyên nhân gây bịnh. Khi định bịnh, ít khi người ta để ý đến nguyên nhân tinh thần hay nguyên nhân môi trường. Đó là vì người ta đã loại trừ bớt những mối liên hệ với hệ thống lý hoá của con người và vì thế không có cái nhìn đúng đắn về sự vật. Lần lần người ta biết được rằng những xáo trộn tâm lý, những sự hạ thấp tinh thần (depression), những căng thẳng (stress) là những yếu tố làm bịnh. Những nhà phân tâm học mọc lên. Quan niệm y khoa thay đổi và giới y học có tầm mắt rộng hơn. Khoa môi trường học (ecology) thành hình chẳng bao lâu khi mà yếu tố môi trường ngày càng được phát hiện. Một lần nữa quan niệm người ta lại được cải tiến. Thật ra những yếu tố tinh thần hay môi trường v.v. không phải là cái gì mới lạ, không phải là những cái người ta chưa hề biết, nhưng chỉ tại hồi đầu người ta cố tình vất nó ra khỏi đầu óc người ta để dễ dàng hoá công cuộc thí nghiệm. Sự tự bịt mắt mình kéo dài năm này qua năm khác làm hại không biết bao nhiêu người trên thế giới.

Sự khai nhãn này không đánh thức hết lối chữa trị bằng cái nhìn hạn hẹp ở tất cả các bịnh ; ở nhiều bịnh, người ta vẫn giữ lối chữa của quan niệm giới hạn. Mặt khác trong suốt khoa sinh lý học tây phương, hầu như người ta đều phải nghiên cứu theo phương pháp đó. Vì thế mà một sinh viên theo đuổi hết chương trình sinh lý học không ít thì nhiều được uốn nắn trong đầu họ một quan niệm hạn hẹp.

Để đánh đổ quan niệm con người là một hệ thống lý hoá, Alexis Carrel đưa ra lý thuyết bình diện. Ở cấp độ những toà nhà điện tử, nguyên tử và phân tử trong các mô con người cũng như trong cây cỏ hay mây mù trên trời, người ta phải áp dụng quan niệm về giao hợp không thời (continuum espace-temps), quan niệm về năng lượng, về lực, về khối lượng, về náo nhiệt (entropies), về trương độ thẩm học (tension osmotique), về tích diện (charge électrique), về ion, về thẩm thấu (permeability), về khuếch tán (diffusion). Ở cấp độ những cấu trúc vật chất thô hơn phân tử (micelle), về phân tán (dispersion), về hấp thụ (absorption), về sự ngưng tập (flocculation). Khi các phân tử và những kết hợp của chúng xây dựng những tế bào và khi những tế bào liên hợp thành những cơ quan (organ) và thành toàn bộ cơ thể (organism), người ta phải bổ túc những quan niệm trước bằng những quan niệm về sắc tố (chromosome), về gien (gen), về di truyền (heredities), về thích nghi (adaptation), về sinh lý thời học (temps physiologique), về phản xạ (réflexe) về bản năng (instinet) v.v. Những quan niệm này được gọi là những quan niệm sinh lý. Những quan niệm sinh lý này tồn tại chung với những quan niệm sinh lý hoá nhưng không thể bị rút gọn thành lý hoá. Ở bình diện cao nhất của tổ chức con người, ngoài các phân tử, còn có những tế bào, những mô, một tổng thể gồm những cơ quan những dịch chất và ý thức. Những quan niệm về lý hoá và những quan niệm sinh lý không đủ cho bình diện cao nhất đó. Người ta phải thêm những quan niệm tâm lý là cái đặc biệt của con người, như là sự thông minh, thẩm mỹ, đạo đức và xã hội. Có bao nhiêu bình diện trong tổ chức của chất sống, thì có bấy nhiêu hệ thống quan niệm khác nhau. Mỗi hệ thống quan niệm chỉ có thể áp dụng một cách chính đáng trong lãnh vực của khoa học mà nó trực thuộc. Những quan niệm của vật lý, của toán học, của sinh lý học, của tâm lý học được áp dụng ở những bình diện chồng chất lên nhau của tổ chức cơ thể. Nhưng ta không được lẫn lộn những quan niệm riêng biệt ở một bình diện này với những quan niệm chuyên biệt của một bình diện khác. Chẳng hạn định luật thứ nhì của môn nhiệt động học (thermo-dynamique) không thể thiếu ở cấp phân tử, lại vô dụng ở cấp tâm lý ; ở cấp tâm lý này người ta phải dùng nguyên tắc làm việc tối thiểu để đạt hưởng thụ tối đa. Quan niệm về tính mao dẫn (capila-rité) và quan niệm trương độ thấm lọc không soi sáng những vấn đề của ý thức. Sự giải thích một hiện tượng tâm lý bằng những từ ngữ của sinh lý của tế bào hay những từ ngữ của cơ giới điện tử chỉ là một trò chơi chữ. Tuy nhiên những nhà sinh lý học của thế kỷ 19 và những người kế tục của thời đại chúng ta phạm một lỗi lầm như thế khi rút gọn con người toàn thể thành một hệ thống lý hoá.

Alexis Carrel chỉ bảo người ta không được rút gọn con người thành một hệ thống lý hoá và áp dụng những quan niệm lý hoá cho con người, nhưng ông không nói tại sao người ta rút gọn, người ta đã phải rút gọn trong những trường hợp nào và rút gọn như thế nào. Theo chúng tôi thì chữ rút gọn (reduction) không đúng mà phải nói là loại trừ (substraction). Chữ rút gọn (reduce) mà ông dùng có nghĩa là thu nhỏ, giảm lượng. Thu nhỏ ám chỉ những đặc tính của cái lớn còn tồn tại đầy đủ trong cái nhỏ thu về, giảm lượng cũng chỉ về sự giảm thiểu số lượng nhưng bản chất còn nguyên, rút gọn là bỏ bớt những chi tiết rườm rà nhưng giữ lại những chi tiết nói lên đặc tính của toàn cơ thể lúc chưa rút gọn. Nhưng chữ loại trừ (substraction) muốn nói sự cố tình loại bỏ một vài yếu tố cần thiết mà sự loại bỏ này sau khi thực hiện thì cái còn lại đã đổi bản chất, không còn mang đặc tính của cái trước. Thí dụ một bức phác hoạ chỉ gồm những nét đơn sơ nhưng phản ánh trung thực cá nhân nào đó, gọi là rút gọn, tức là người ta có thể bỏ bớt một số nét nhưng những nét bỏ đi đó không ảnh hưởng tới sự tương đồng giữa đương sự và bức hoạ. Còn loại trừ là thay vì vẽ toàn bộ khuôn mặt, người ta vẽ thiếu cái mũi, thiếu cái miệng v.v. tức là người ta cũng bỏ bớt những nét, những chi tiết, nhưng những chi tiết đó mà mất đi thì bức hoạ không ra hình thù gì cả. Bức hoạ thiếu mũi thiếu miệng chính là cái nhìn thiếu sót về con người của quan niệm lý hoá (concept physic-chimique). Lý do người ta phải loại trừ một số yếu tố là vì mục đích thí nghiệm. Như ta đã nói ở trên, muốn thí nghiệm, người ta phải tạm gác bỏ tất cả những yếu tố phụ, coi như không có những yếu tố đó, chỉ giữ lại một vài yếu tố đóng vai chính trong thí nghiệm đó thôi.

Nếu chia thành những bình diện, thì bình diện cao hơn, tuy không nhắc đến những yếu tố của bình diện thấp, nhưng đương nhiên nó bao gồm những yếu tố của bình diện thấp. Chẳng hạn ở bình diện các cơ quan, các mô, những yếu tố tế bào đương nhiên được kể là có. Bình diện của ý thức đương nhiên bao gồm hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ vận động vì nếu không có các hệ đó để duy trì sự sống thì đâu có ý thức. Tuy những yếu tố của bình diện thấp (tế bào) đi vào tổ chức của bình diện cao (mô, cơ quan, tinh thần) nhưng theo chúng tôi lúc đó những yếu tố đó không còn là những yếu tố của bình diện thấp nữa, mà nó mang một ý nghĩa mới – ý nghĩa của bình diện cao – vì chức năng sinh lý của nó không phải đơn giản như khi nó còn độc lập, mà chức năng sinh lý của nó là chức năng sinh lý của cái toàn thể, bị ảnh hưởng chi phối bởi vô số những tác nhân khác trong cái toàn thể ấy và đồng thời cá thể cũng chịu trách nhiệm chung về cái toàn thể ấy. Vì thế mà khi lên một bình diện hay xuống một bình diện, quan niệm tự đổi khác hẳn. Quan niệm thuộc bình diện trên không phải bao gồm những quan niệm thuộc bình diện dưới, mà quan niệm đã biến đổi khác hẳn từ trong bản chất khi đứng trước bình diện này, bình diện khác.Ở bình diện con người là một toàn thể, tế bào không còn là một tế bào nữa, cơ quan không còn là một cơ quan nữa mà nó là một sự hợp nhất, do đó quan niệm lý hoá không đúng với con người là một toàn thể.

Chính vì người ta lẫn lộn giữa các bình diện với nhau, nên người ta chủ trương gắn liền khoa ciberné-tique với khoa sinh học. Khoa cibernétique chẳng những muốn thôn tính y khoa nói chung mà còn muốn thôn tính cả đông y, khi mà người ta không rõ ràng về sự khác biệt giữa cơ giới, lý hoá và con người. Cibernétique mà người ta tạm dịch là môn điều khiển học vốn là một môn học dùng những định luật của cơ giới để giải thích cả những hiện tượng sinh học, cho rằng những định luật đó là những định luật chung của cơ học và sinh học. Cibernétique có tìm những điểm tương đồng giữa các tập hợp máy móc mà không cần xét tới các nguyên tố tổ thành những máy móc ấy là những thành phần cơ giới, những bộ phận điện tử hay những cơ quan sinh học. Một mặt khoa điều khiển học mô phỏng những mô hình của giới tự nhiên để chế ra rập theo mô hình đó những bộ máy điện tử, những người rô bô. Mặt khác, khoa điều khiển học cũng không bỏ qua những qui luật, những quan niệm của cơ giới trong việc áp dụng vào con người. Nói tóm lại, cibernétique đồng hoá con người với máy móc, đồng hoá máy móc với con người, mà đó là sự lẫn lộn bình diện thấp với bình diện cao.

Phương pháp đơn giản hoá là phương pháp thực nghiệm, nhưng phương pháp nhìn bao quát mới là phương pháp chữa trị và phương pháp này gọi là y học khí hoá. Dùng cả hai phương pháp này ta mới có thể vừa nghiên cứu vừa chữa trị. Đó là kết hợp đông y và tây y.

PHƯƠNG PHÁP BẤT ĐỘNG HOÁ

Bất động hoá là kể một sự vật vận động như bất động, mục đích để học, dạy và nói chuyện. Alexis Carrel nêu lên những tình trạng giữa bịnh và không bịnh để thấy một sự biến chuyển liên tục từ bịnh tới không bịnh và từ không bịnh tới bịnh. Tình trạng bịnh không đứng yên một chỗ; tình trạng không bịnh cũng không phải là một tình trạng bất động mà chúng thay đổi hoài. Khi ta chia ra hai tình trạng bịnh và không bịnh để nói, ta cũng tạm coi cả hai tình trạng là những cái cố định, bất động. Có thể nói danh từ luôn luôn mặc lấy một nghĩa cố định, một nghĩa chết cứng. Như ta trưởng thành từng giây phút, nhưng trước câu hỏi “anh mấy tuổi” ta phải trả lời bằng một câu mang nghĩa bất động “tôi 26 tuổi”. Trong khoa học thực nghiệm cũng thế, người ta bắt buộc phải coi sự vật ngừng lại để nghiên cứu nó. Coi sự vật biến động như bất động không có nghĩa là tưởng nó bất động thiệt, nhưng nhờ so sánh hai tình trạng cố định mà biết sự vật đã có thay đổi. Thí dụ một phân tử dưỡng khí M đầu tiên ta xác định nó ở một điểm A của động mạch chủ. Sau một thời gian ta xác định nó ở tế bào B. So sánh hai thời điểm ta nói phân tử dưỡng khí M ấy đã di chuyển từ động mạch chủ tới tế bào B. Thật ra khi nói nó ở tại điểm A của động mạch chủ là không đúng vì ngay khi ta nói nó đã di chuyển một đoạn ngắn rồi; và ngay khi ta nói nó ở tế bào B thì nó đã đốt cháy một chất đường rồi, nên nói nó ở tế bào B cũng sai. Thế nhưng trong nghiên cứu thực nghiệm, bắt buộc ta phải coi nó như bất động. Cái phương pháp dừng từng giai đoạn của sinh vật để nghiên cứu đôi khi không làm người ta thấy sự tiến hoá của sinh vật từ hình thể này sang hình thể khác. Bao lâu người ta chưa tìm thấy sự biến thể người ta cho hai vật hay hai chất hoàn toàn khác biệt. Sự phát hiện ra sự biến thể của một chất này sang chất khác làm mọi người ngạc nhiên và coi đó như một phát minh lớn. Bao lâu người ta chưa tìm thấy sự biến hoá từ vật thể này sang vật thể khác, tinh thần hoài nghi của y khoa thực nghiệm không cho phép người ta suy đoán sự biến hoá đó. Vì vậy y khoa thực nghiệm tạo cho ta một quan niệm bất động, bất biến.

Bởi quan niệm bất động người ta cho rằng vi trùng, dù thấy được dưới kính hiển vi hay dù không thấy được nhưng nó vẫn hiện hữu, đều bất biến trong những đặc tính hình thái học và sinh học (caractères morpho-logiques et biologiques). Do đó quan niệm về sự  biến dịch của những loài sống có một thời kỳ người ta cho là hoang đường. Có một thời kỳ người ta cho rằng mỗi bịnh tương ứng với một loại vi trùng chuyên biệt. Metek-nikoff còn nói, nếu chúng ta không khu biệt những vi trùng tương ứng trong thời gian mắc phải tất cả các bịnh, thì đó là lỗi tại chúng ta không đủ kỹ thuật khác nghiệm, nhưng những vi trùng bất khả biến, ultra-filtrants, và ngay cả những con vi trùng ở trong vi trùng, những hiện tượng thực trùng (bactériophages) cũng vẫn có. Những nhà vi trùng học (microbiologists) dồn hết tâm lực đi tìm hàng ngàn giống vi trùng. Nhiều khi giống này chỉ khác giống nọ ở số lông dính ở cơ thể nó. Những phát hiện đó đưa nhà nghiên cứu lên hàng nhà phát minh. Nhưng sau đó chừng 30 năm tất cả những điều đó đều bị đặt thành vấn đề. Nhờ những công trình khám phá dày công của Fontès, người ta mới biết những giống vi trùng cũng bị chi phối bởi cùng những luật như những giống thô trùng (especes macroscopiques). Chúng thay đổi rất nhiều và thay đổi nhiều đến nỗi nó có thể mặc lấy tất cả những hình dạng vi trùng căn bản. Những con khuẩn cầu (micro-coques) biến thành trực khuẩn (bacillus) và trở thành những khuẩn xoắn (spirilles), đôi khi rơi xuống thành bụi và biến thành những loài không thể thấy được. Có cái nhìn xuyên suốt cả tiến trình biến hoá của một loại (một khí) gọi là quan niệm khí hoá.

Trước kia, ngày mà người ta còn cho rằng vi trùng là thứ bất biến, người ta tin rằng những sản phẩm do biến dưỡng của nó sinh ra mang chất độc gọi là toxine. Khi những vi trùng chuyên biệt xâm lấn cơ thể con người thì cơ thể ta tạo ra những anti-toxines mà người ta cũng chẳng rõ cái antitoxins hình thù ra sao và là gì về phương diện hoá chất. Sau khi người ta biết về sự biến hoá về hình thái và sinh học của vi trùng, biết rằng không có sự chuyên biệt hình thái, do đó cũng không có tính chuyên biệt sinh học và tất cả những bịnh nhiễm trùng ở tình trạng nặng mặc lấy cùng hiện tượng mà người ta không thể nhận thấy sự nổi bật của những triệu chứng cá biệt, vậy thì làm gì có chuyện mỗi “độc tố” (toxin) làm độc mỗi cách khác nhau như một vài nhóm độc rõ ràng về mặt hoá học: co giật (convulsantes), tê liệt (paralysantes), vận mạch (vasomotrices), niêm huyết (coagulantes), tiêu huyết (hémolysantes), v.v… Do cái quan niệm bất động, cái quan niệm do phương pháp thực nghiệm đào tạo, trước kia người ta chế ra những thứ chống độc tố antitoxins bằng cách chích những giống vi trùng sinh bệnh gọi là pathogen vào súc vật để lấy huyết thanh (serum).

PHƯƠNG PHÁP MẪU MỰC HOÁ

Nếu coi con người là một cái gì biến động luôn luôn về mọi phương diện, kể cả phương diện sinh lý và bịnh lý, thì người ta không thể nào thành lập một khoa bịnh lý học. Do đó người ta coi như bịnh đã ngừng ở một giai đoạn phát triển nào, mang lấy một số triệu chứng và dấu hiệu nào đặc biệt để gọi đó là một bịnh gì đó. Khoa bịnh lý học không phải là một sự kết tập một số lớn các quan sát những bịnh nhân cá biệt, nhưng người ta phải phân loại, trừu tượng hoá để thành những bịnh trừu tượng. Điều đó cũng cần thiết cho khoa học, miễn là chúng ta đừng quên rằng thực tế người bịnh khác với những loại bịnh mẫu mực trong sách. Alexis Carrel nói “Những bịnh hình (maladies) không phải là những thực thể. Chúng ta quan sát những bịnh viêm phổi (pneumonia), bịnh giang mai (syphilis), bịnh đái đường (diabetes), bịnh thương hàn (fever typhoid) v.v. Chúng ta bèn kiến tạo trong trí chúng ta những Tổng thể (Universe), những trừu tượng (abstractions), mà chúng ta gọi là những bịnh. Bịnh đại biểu cho sự thâu nạp của cơ thể đối với một nhân tố bịnh (agent pathogen), hoặc sự huỷ hoại của cơ thể dần dần bởi các tác nhân đó. Sự thâu nạp và sự huỷ hoại mặc lấy hình thức của cá thể (individual) là người bị bịnh đó và nhịp điệu của thời gian nội tại. Cơ thể bị huỷ diệt bởi một bịnh thoái hoá trong tuổi thanh xuân nhanh hơn ở tuổi già. Cơ thể phản ứng một cách đặc biệt với mọi địch thủ. Ý nghĩa của sự phản ứng của nó tuỳ thuộc những đặc tính nội tại của các mô. Chẳng hạn bịnh đau thắt ngực (angina de poi trine) báo hiệu sự có mặt của nó bằng một cơn đau nhói. Người ta dám bảo rằng tim bị một móng sắt quáu lấy. Nhưng cường độ của cơn đau thay đổi tuỳ theo sự nhạy cảm của mỗi cá nhân. Khi sự nhạy cảm ấy yếu, bịnh hình mặc lấy một bộ mặt khác. Không báo trước, không đau đớn gì trước, bịnh giết luôn nạn nhân của nó. Bịnh hình là một thứ cá nhân (chose personnel). Nó mặc lấy bộ mặt của cá thể. Có bao nhiêu người bịnh khác nhau là có bao nhiêu bịnh hình khác nhau.”

Chú trọng đến bịnh mà bỏ quên người bịnh là một điều tai hại vô cùng, nhưng chú trọng người bịnh mà không cần biết tới bịnh hình cũng không phải là hay. Đây không phải là vấn đề mới mẻ gì, mà đây là một sự cãi vã lâu đời giữa hai phái hiện thực (realism) và duy danh (nominal’s). Những nhà duy danh thì cứ khăng khăng theo đuổi những biểu tượng, muốn ở mãi trong lĩnh vực những biểu tượng. Những nhà hiện thực thì tin rằng sự hiểu biết về người bịnh quan trọng không kém bịnh hình, nên họ cảm thấy cần phải hiểu cái cụ thể. Alexis Carrel nói “Thật ra y khoa phải vừa hiện thực vừa duy danh. Y khoa phải nghiên cứu cá thể cũng kỹ càng như bịnh hình. Có thể sự trị liệu không hữu hiệu hay đôi khi buồn cười là bởi sự lẫn lộn những biểu tượng không thể thiếu để xây dựng những khoa học của y học với người bịnh cụ thể. Sự bất bại của y sĩ bắt nguồn từ chỗ ông ta sống trong một thế giới tưởng tượng. Ông trông thấy trong những bịnh nhân của ông những bịnh hình được mô tả trong những sách giáo khoa… Các y sĩ không biết rằng con người là một tổng thể (UN tout), rằng những chức năng liên quan tới tất cả những hệ thống cơ thể, rằng những sự phân chia cơ thể học là giả tạo. Sự chia cắt cơ thể thành nhiều phần đã có lợi cho họ tới ngày nay. Nhưng nó rất nguy hiểm cho người bịnh… Những y sĩ đứng trước vừa thực tại cụ thể vừa những trừu tượng khoa học. Tư tưởng của họ phải đồng thời hiểu những hiện tượng và những biểu tượng… Sự thành công của họ tuỳ thuộc chẳng những khoa học của họ mà còn tuỳ thuộc sự khéo léo của họ để nắm lấy những đặc tính nó biến mỗi con người thành mỗi cá thể.”

Đông y cũng phân loại bịnh, cũng đặt tên bịnh, cũng định tính chất của từng bịnh, vì đông y cũng là một khoa học thì phải đi tới chỗ trừu tượng, làm thành những biểu tượng. Nhưng người thầy đông y khi đứng trước bịnh nhân không bao giờ lẫn lộn bịnh hình với bịnh nhân, thực tại với biểu tượng; không bao giờ đem những kiến thức mình học về bịnh gì đó trong sách ra rập khuôn chữa bịnh, bởi lẽ quan niệm kết hợp một cách khéo léo thực tại với khoa học của họ được đào tạo bởi lối dạy lập phương đối trị, nghĩa là đứng trước người bịnh họ mới ra công thức hoặc gia giảm thuốc chứ không lấy nguyên công thức trong sách ra dùng. Lối dạy này nhắc nhở cho họ mỗi người bịnh mỗi khác, mỗi cá thể có mỗi bịnh khác nhau. Lối dạy lập phương này nhắc cho họ nhớ rằng những gì trong sách dạy chỉ là một số tiêu chuẩn mẫu mực nào đó thôi, nhưng khi ứng dụng thì phải biến đổi mới lạ, mà đó là quan niệm khí hoá.

PHƯƠNG PHÁP HỮU HÌNH HOÁ

Đối tượng của thí nghiệm thường là những cái hữu hình: những hồng cầu, những bạch cầu, những hoá chất, những kích thích tố, những dạng của năng lượng (điện, nhiệt, quang tuyến, xạ tuyến, v.v.). Cái hữu hình là gì? Chữ hữu hình đây không ám chỉ cái mắt người thấy được – bằng mắt thịt hay dưới kính hiển vi – mà hữu hình là tất cả những gì mặc lấy một hình thức nhất định phản ánh vào tư duy chúng ta. Điện là một dạng đặc biệt, nhất định của năng lượng nên điện cũng là hữu hình theo nghĩa dùng ở đây.

Từ định nghĩa này về hữu hình, ta cũng có định nghĩa về vô hình với ý nghĩa ngược lại: vô hình là cái không có hình thức nhất định, dù mắt ta có thể nhìn thấy được qua kính hiển vi. Phân hoá tố là một hữu hình; nguyên phân hoá tố là một vật hữu hình; nhưng giai đoạn giữa nguyên phân hoá tố và phân hoá tố, và giai đoạn trước nguyên phân hoá tố là vô hình.

Đối với những cái không hình thể cố định, người ta phải hữu hình hoá nó trong phương pháp nghiên cứu. Trong tiến trình nguyên phân hoá tố biến thành phân hoá tố, người ta có thể dừng lại ở bất cứ thời điểm nào của tiến trình ấy, để xem xét, thí nghiệm và đặt cho nó một cái tên. Đó là sự hữu hình hoá. Ngược lại, một sự vật đã mặc lấy một hình thức nhất định cũng có thể được vô hình hoá bằng cách được coi như vẫn đang trong tiến trình tiếp tục biến đổi sang những trạng thái khác, hình thức khác. Sự vô hình hoá này không thích hợp với phương pháp nghiên cứu, học hỏi, mà quan niệm này chỉ dùng để chữa bệnh.

Trong tiến trình phát triển của vật chất, đến một giai đoạn nào đó vật chất được coi như thành hình. Thí dụ loài bướm có hai giai đoạn thành hình của nó là con nhộng và con bướm. Khi con nhộng thành con bướm, thì đó là một sự đột biến; trong khi nó sắp thành bướm, người ta vẫn gọi nó là con nhộng. Ở những giai đoạn mà nó chưa thành hình, ta đặt cho nó một cái tên, gọi là hữu hình hoá. Ở giai đoạn vật đã thành hình, ta coi như nó vẫn đang biến chuyển, gọi là vô hình hoá. Quan niệm vô hình hoá chính là quan niệm khí hoá. Những nhà y học chỉ nghiên cứu giai đoạn vật đã thành hình, thì không thấy nguyên nhân bịnh.

Nguyên nhân bịnh phần nhiều ở bình diện (plan) tổng quát, ở giai đoạn chưa thành hình, còn triệu chứng thì phần nhiều ở giai đoạn thành hình rồi, ở bình diện chi tiết. Cơn suyễn là một triệu chứng xảy ra khi có sự quá mẫn (hypersensitivity). Cái kích thích có thể là vi trùng (intrinsic or infective asthma), có thể là bụi bặm, phấn hoa v.v. (extrinsic asthma), có thể là một sự cố gắng hô hấp (respiratory strain or exer-tion), có thể là một sự căng thẳng tình cảm (emotional stress). Sự nhiễm trùng hệ hô hấp làm suyễn là những sự nhiễm trùng của cuống phổi (bronchi), mà sự nhiễm trùng cuống phổi là thứ phát của sự nhiễm trùng các xoang mũi kinh niên (chronic infections of the para-nasal sinuses), và của nhiễm trùng lưỡi hay bệnh V.A. (tonsils or adenoids). Chúng ta hãy để ý chữ thứ phát (secondary to) là chữ chỉ những giai đoạn phát triển của bịnh. Sự nhiễm trùng các xoang mũi có còn là thứ phát của cái gì nữa không thì không biết. Có thể nó là thứ phát của một cái vô hình nên người ta không biết. Cái nguyên nhân vô hình này có thể không thể hữu hình hoá nó được.

Một thí dụ nữa về những giai đoạn phát triển của bịnh mà mỗi giai đoạn trước là nguyên nhân của giai đoạn sau. Cơn đau tim có nguyên nhân là nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim có thể có nguyên nhân là sơ mỡ động mạch vành. Sơ mỡ động mạch vành có thể là hậu quả của bịnh đái đường. Bịnh đái đường có thể do sự suy yếu hay rối loạn của hệ thống nội tiết. Hệ thống nội tiết bất thường này, có thể do một nguyên nhân nào khác nữa…Ta thấy triệu chứng thì rất rõ ràng và dễ thí nghiệm. Những giai đoạn gần triệu chứng, như nhồi máu cơ tim, sơ mỡ động mạch vành, đái đường còn dễ kiểm soát. Tới sự rối loạn của hệ nội tiết đã bắt đầu khó xác định cái nào là cái chịu trách nhiệm. Tới những nguyên nhân xa hơn nữa, thì không thấy tây y đề cập tới, vì những nguyên nhân xa ấy không thể thí nghiệm được bằng cách hữu hình hoá nó.

Luận về bịnh lý học, bịnh nào cũng được luận tới một giai đoạn nào khá xa triệu chứng là thấy bí; nguyên nhân đầu tiên chưa tìm hiểu được vì nó ở giai đoạn chưa thành hình. Phương pháp hữu hình hoá có cái hại là làm cho nhà y học ỷ lại vào những cái hữu hình, những cái đã hay có để thí nghiệm, trong khi chân lý lại ở giai đoạn mà người ta chưa thí nghiệm. Ở thời đại chúng ta, thế kỉ XX, XXI, muốn chữa bịnh, không thể chỉ dựa trên những gì đã thí nghiệm!

KHÍ VÀ CHẤT

Về mặt sinh học và bịnh học, sự phát triển có tiến trình nhất định, có chu kỳ. Thí dụ tiến trình (course) của bịnh cảm là phải trải qua những giai đoạn sổ mũi, phát sốt, rồi ho. Người ta có thể biết trước tiến trình của một bịnh (the course of a disease) nếu người ta biết bịnh đó là bịnh gì và biết cơ thể của người bịnh như thế nào, có những mặt yếu kém nào, bởi vì có những bịnh phải diễn tiến hết tiến trình của nó, thì nó mới hết. Sự phát triển bình thường của một cái hoa cũng có tiến trình: ban đầu là nụ rồi nở dần thành hoa, và sau đó hoa tàn. Sự phát triển tức là sự sinh học hay bịnh học. Nghĩa là bịnh cũng có cái sức phát triển của nó, sự sống bình thường cũng có cái sức phát triển của nó. Cái sức phát triển này ta gọi là khí.

Chữ khí đây không mang nghĩa năng lượng hay hơi mà mang nghĩa sức phát triển. Sức phát triển bình thường gọi là sinh lực; sức phát triển bất bình thường, tức là sức phát triển của bịnh, gọi là bịnh lực. Khi các hormone trong máu có phân suất cao thì nó làm suy giảm lượng kích thích tố bài tiết. Như vậy cái gì làm giảm sự bài tiết kích thích tố? Chính cái khí, cái sinh lực tự nhiên trong cơ chế phản dưỡng (feedback) nó làm. Trước hiện tượng ảnh hưởng của màu đối với cơ thể chúng ta, các nhà khoa học giải thích rằng các tế bào ở đằng sau mắt gửi tín hiệu lên óc và óc đến phiên nó, khiến cơ thể tạo các hoá chất làm tim đập mạnh, làm huyết áp lên cao v.v. Như vậy các tín hiệu và sự truyền dẫn của nó là gì nếu không phải là khí?

Nói về mặt di truyền, trong tinh trùng hay trong hạt giống chứa đựng tất cả những tính chất mà nó sẽ hiển lộ sau này khi phát triển. Ta nói cái khí khác nhau nên nó phát triển thành khác nhau. Trong sự biến hình của vi trùng, con microcoque sẽ biến thành bacillus nhưng không thể biến thành con amibe. Con cá nòng nọc phải biến thành con ếch chứ không thể biến thành con khác. Về thuật ngữ của di truyền học, người ta dùng chữ tiềm năng (potentialities)  và khuynh hướng (ten dances) để chỉ cái sức phát triển này. Cái tiềm năng hay khuynh hướng này chính là cái đông y gọi là khí. Đông y nói “Mỗi vật theo khí (khuynh hướng) của nó mà biến hoá” (các tùng kỳ khí hoá).

Cái nhìn tổng quát thấy sự biến động của khí gọi là quan niệm khí hoá. Một y học được nghiên cứu và thực hành bằng quan niệm này gọi là y học khí hoá. Khí là đường đi nước bước của sinh lý và bịnh lý trước và sau triệu chứng hay hiện tượng mà y học thực nghiệm thường quan sát và thí nghiệm. Nhận biết được cái khí mới biết được nguyên nhân bịnh và sự phát triển của bịnh.

Chữa bịnh chẳng những phải tìm tới cái xảy ra trước triệu chứng (tức nguyên nhân) mà còn phải xét tới cái xảy ra sau triệu chứng. Vì thế mà Nội Kinh nói bậc Thượng công trị lúc chưa bịnh.Trị lúc chưa bịnh là gì? Có phải trị người đang khoẻ mạnh không? Không. Trọng Cảnh giải thích như sau. Thấy can bịnh, thì biết can sẽ truyền qua tỳ, do đó phải làm mạnh tỳ trước. Làm mạnh tỳ trước gọi là trị lúc chưa bịnh. Trọng Cảnh nói thêm “Bậc Trung công không hiểu định luật tương truyền. Thấy bịnh của can, không giải quyết bằng cách làm mạnh tỳ lên, mà chỉ trị can”. Đông y hay dùng chữ Thượng công, Trung công, Hạ công để phân biệt ba hạng thầy thuốc, không phải phân biệt về mặt kiến thức nhiều hay ít, cũng không phải phân biệt về mặt thông minh học hành mau tiến tới hay đần độn chậm hiểu, nhưng phân biệt về mặt quan niệm, cái nhìn. Thượng công có cái nhìn biến động, biết xét bịnh trong suốt một quá trình từ trước khi có triệu chứng đến sau khi triệu chứng đã biết. Bậc Trung công và Hạ công thấy đâu chữa đó, hạn hẹp cái nhìn của mình ở triệu chứng, không thấy sự biến động của bịnh từ trước đến sau triệu chứng. Khi đề cập tới câu can bịnh truyền kỳ, chúng tôi không phải xác nhận định luật ngũ hành là đúng, nhưng chỉ muốn nói đến quan niệm chữa trị, phương pháp chữa trị là phải chú ý tới cái gọi là khí.

Không phải người đông y nào cũng có quan niệm khí hoá, nhưng chỉ có bậc Thượng công mới có. Ngược lại, không phải tây y không thể có quan niệm khí hoá, nhưng chính cái phương pháp hoài nghi, phương pháp cô lập hoá, đơn giản hoá, hữu hình hoá ở tây y đã giết chết cái quan niệm khí hoá nơi nhà y học. Y học thực nghiệm quả thật có cần những phương pháp bất động và phân tích ấy, nhưng chỉ cần trong lúc nghiên cứu, học vấn thôi, chứ y học thực nghiệm không dạy người ta phải mang kè kè cái lối nghiên cứu đó ra chữa bịnh. Sự thất bại ở chỗ người ta lẫn lộn nguyên tắc nghiên cứu tức y học thực nghiệm và nguyên tắc chữa trị tức quan niệm khí hoá. Người thành công là người biết sử dụng những kết quả thực nghiệm bằng quan niệm khí hoá.

NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ

Có những trường hợp một nguyên nhân cho ra nhiều hậu quả khác nhau; cũng có khi nhiều nguyên nhân khác nhau lại có cùng một hậu quả. Quan sát nước chảy từ trên núi xuống, ta thấy một suối nguồn tẻ ra nhiều nhiều sông rạch khác nhau tuỳ theo địa thế; và cũng do địa thế mà có những ngã ba sông là nơi giao nhau của hai con rạch phát xuất từ hai nguồn suối khác nhau. Trong cơ thể con người, sự phát triển của bịnh có thể từ một nguyên nhân đi tới nhiều hậu quả khác nhau tuỳ theo cơ thể ta suy yếu ở phần nào; cũng có khi một triệu chứng bịnh lại có nhiều nguyên nhân khác nhau, bởi vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể cùng ảnh hưởng đến một bộ phận nào đó, một cách nào đó. Trọng Cảnh nói “bệnh có bốn bộ là bồn đồn (heo con chạy), thổ nùng (mửa mủ), kinh bố (sợ), hoả tà. Bốn bộ bệnh đó đều do kinh sợ phát tác mà thành. (Kim Quĩ Yếu Lược, chương Bồn Đồn); đó là trường hợp một nguyên nhân phát biểu nhiều hậu quả. Trọng Cảnh cũng cho thấy một bịnh phế nuy (phổi teo) do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông nói “Bệnh phế nuy hoặc do đổ mồ hôi mà bị, hoặc do ói mửa mà bị, hoặc do tiêu khát, tiểu tiện thông lợi đái hoài mà bị, hoặc do đi cầu khó (bón) lại bị xổ mà bị tất cả những trường hợp trên đều làm mất tên dịch nên làm ra bịnh ấy (Kim Quĩ Yếu Lược, chương Phế Nuy). Cùng do một nguyên nhân là thiếu sinh tố vitamin (B1), người ta có thể bị bệnh beriberi với các chứng phù (oedema), suy tim (high-output heart failure), viêm thần kinh ngoại biên (peripheral poly neuritis), có thể bị chứng ăn không biết ngon (anorexia), có thể chứng ói nôn (nausea), có thể bị rối loạn thần kinh (mental disorders). Ngược lại chúng ăn không biết ngon không nhất định phải do thiếu sinh tố B1, mà có thể do hậu quả của uống rượu quá nhiều và nghiện ma tuý (alcoholic excesses and drug addiction) nhất là nghiện cocaine, có thể triệu chứng ăn không biết ngon là dấu hiệu ban đầu của những cơn sốt, có thể ăn không biết ngon là do rối loạn đường tiêu hoá (disorders of alimentary tract) nhất là rối loạn bao tử v.v.

Cả đông y lẫn tây y đều biết một nguyên nhân có nhiều hậu quả, một hậu quả có nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề quan trọng muốn nói ở đây là chúng ta phải tìm hiểu xem sự phát triển của sinh lực và bịnh lực ấy bắt nguồn từ cái khí nào. Một khi đặt vấn đề khí hoá (sinh lực, bịnh lực phát triển), thì không có một tình trạng nào đứng một chỗ mà không biến hoá. Chính là nhờ quan niệm này mà giải quyết được vấn đề nguyên nhân bịnh. Nhiều khi người ta vẫn luận về nguyên nhân nhưng thực ra đó không phải là nguyên nhân một khi cái người ta gọi là nguyên nhân đó không phải là khí (tà khí). Thí dụ người ta nói nguyên nhân của cơn đau thắt ngực là nhồi máu cơ tim (myocardial infarction), nhưng thật ra đau thắt ngực (angina pectoris) chỉ là một triệu chứng, còn nhồi máu cơ tim (myocardial infarction) là một bịnh mà chưa nói tới nguyên nhân. Người ta lại có thể nói nguyên nhân của bịnh nhồi máu cơ tim là sơ mỡ động mạch vành, nhưng sơ mỡ động mạch vành là sự biến đổi cơ thể bịnh (nana pathologic change) dưới sự ảnh hưởng của một số nhân tố khác chứ sơ mỡ động mạch vành không phải là nguyên nhân. Người ta cũng biết sơ mỡ động mạch vành có thể là hậu quả của bịnh đái đường. Thế nhưng nguyên nhân của bịnh đái đường là gì? Có thể nguyên nhân của nó là sự suy yếu hay rối loạn của hệ thống nội tiết. Nhưng sự suy yếu hay rối loạn của hệ thống nội tiết chỉ là hậu quả của một tác nhân nào khác chứ bản thân nó không phải là nguyên nhân. Tất cả những điều ở trên mà ta tưởng là nguyên nhân đều ở bình diện thứ phát chứ không phải bình diện nguyên phát.



BÌNH DIỆN NGUYÊN PHÁT, BÌNH DIỆN THỨ PHÁT

Những nguyên nhân bịnh có thể là tình cảm rối loạn; gió mưa thời tiết thay đổi, sự ảnh hưởng của những xạ tuyến vũ trụ (những điều kiện vật lý), do ăn uống thất thường không giờ giấc, khi thì đói quá khi thì no quá, hoặc thức ăn thiếu chất bổ, (những điều kiện hoá học); có thể do làm việc quá sức, thức ngủ không điều độ; có thể do chấn thương; có thể do vi trùng, hoặc bị nọc độc của rắn, hoặc ăn nhầm thuốc độc v.v. Tất cả những thứ ấy thuộc bình diện nguyên phát. Vì thế khi tây y nghiên cứu những bịnh sinh ra do suy dinh dưỡng (malnutrition) thì tây y đã tìm được nguyên nhân vì tây y đã tìm ở bình diện nguyên phát. Sau khi thiết lập được những nguyên nhân ở bình diện nguyên phát, ta mới tìm những biến đổi lý hoá, những biến đổi cơ thể bịnh học, những mất quân binh về nội tiết ở những bình diện thứ phát.

Y học thực nghiệm đã đi sâu ở những bình diện thứ phát, nhưng chưa nối kết được những bình diện nguyên phát với những bình diện thứ phát. Y học khí hoá đòi hỏi phải có cái nhìn xuyên suốt từ nguyên nhân ở bình diện nguyên phát đến những triệu chứng ở bình diện thứ phát. Nhưng chỉ đi thẳng từ nguyên nhân, thí dụ ăn bậy, đến triệu chứng, thí dụ đau bụng, thì chưa khoa học. Muốn trở thành khoa học, ta phải dụng y học thực nghiệm nghiên cứu tiến trình đổi thay lý hoá, cơ thể bịnh, sự bài tiết của các tuyến nội tiết trong người dưới ảnh hưởng của nguyên nhân bịnh để đi tới triệu chứng ấy. Làm được công trình ấy là kết hợp được y học khí hoá y học thực nghiệm.

Tất cả những bình diện thứ phát đều có lợi như tìm hiểu về sự tập trung phân tử (concentration molecular), niêm tinh huyết (viscosities sanguine), sự tập trung ion (concentration ionique) những tình trạng alkaloses (pH cao hơn 7,40), acidosis (pH dưới 7,40), sự cấu tạo hoá học (composition chimique) bình thường và bất bình thường (bịnh lý) mà người ta gọi là thái quá hay bất cập (hyper, hypo) của những chất như đường huyết (glycerin), vôi huyết (calcimine), đường niệu (glucosurie), đản bạch niệu (albuminurie), làn tinh niệu (phosphaturie); những số lượng bình thường và bất thường của những huyết cầu như thiểu bạch cầu (leucopenia), thiểu huyết (anemie), thiểu huyết phiến (plaquettopenie), tích tụ eosenophil (eosinophilis); những thay đổi cơ thể bịnh học như viêm cơ tim (myocarditis), viêm cách mạc (peritonitis), viêm màng não (meningitis), viêm gan (hepatitis). Tất cả những nghiên cứu ở bình diện thứ phát kể trên đều có lợi với điều kiện nối kết được chúng với bình diện nguyên phát, tức là biết được do nguyên nhân nào dẫn tới những đổi thay ở bình diện thứ phát ấy. Nếu không nối kết được bình diện thứ phát và tưởng đó là nguyên nhân thì tai hại không ít. Thí dụ bịnh viêm nào cũng tưởng do nguyên nhân là vi trùng và đi đến cách chữa là diệt trùng thì không đúng. Thí dụ bịnh viêm tắc động mạch (bịnh Buerger’s) không thể chữa bằng cách diệt trùng.

Sở dĩ đông y nghiên cứu về lục khí (phòng, hàn, thử, thấp, táo, hoả) là vì đông y đặt lục khí ở bình diện nguyên phát và từ cái gốc bịnh do lục khí sinh ra vô số những bịnh khác, kể cả những bịnh mà đối với tây y nguyên nhân không tìm thấy. Tây y chỉ nhận ra môi trường là nguyên nhân bịnh khi nào bịnh ấy là hậu quả trực tiếp và tức thời, chẳng hạn những bịnh mạch máu ngoại biên do phô bày ra ngoài khí lạnh (peripheral vascular diseases due to exposure to cold), như bịnh trench foot, immersion foot, frostbite. Nhưng từ những bịnh ấy sinh ra những bịnh thứ phát nữa thì tây y không để ý. Có nhiều khi khí lạnh, khí ẩm thấp hay khí nóng không làm bịnh ngay, nhưng nó đã ảnh hưởng đến bên trong. Đến một ngày nào đó nó phát bịnh, thì đông y cũng nhận định nguyên nhân của nó là do khí lạnh, hay khí nóng gì đó. Những bịnh không phát ngay dưới sự ảnh hưởng của lục khí mà sau này mới phát cũng gọi là những bịnh thứ phát để dễ phân loại. Như vậy, nói chung những bịnh thứ phát do lục khí thì tây y không nhận ra nguyên nhân của chúng.

Tây y có để ý thấy rằng có những người bị thấp khớp (rhumatisme articulaire chronique et rhumatisme musculaire) làm việc ở những nơi ẩm ướt như thợ hồ, những thợ mỏ, những thợ giặt, những thuỷ thủ lái tàu, những thợ câu ngâm mình trong nước lạnh, những huấn luyện viên bơi lội v.v. nhưng vì tây y không có quan niệm khí hoá nên không thể đi tới kết luận thấp khí chính là nguyên nhân của bịnh này. Đông y có quan niệm khí hoá nhưng không có khoa học thực nghiệm nên không đào sâu, không tìm hiểu xem sau khí thấp khi ảnh hưởng đến cơ thể con người thì nó bắt đầu làm tổn thương những phần gì, làm thay đổi như thế nào về mặt lý hoá và cơ thể bịnh học. Kết hợp y học khí hoá và y học thực nghiệm người ta sẽ thấy bịnh thấp khớp do thấp khí gây ra và làm cho xương sụn ở các lớp nhăn lại và nổi lên những hột nhỏ (nodules), lớp bọc xương sụn (l’enveloppe cartilageuse) dày lên và đè nén khớp xương, khớp xương thì sưng lên và đau.

HÀN NHIỆT

Chữ hàn nhiệt đây là tiêu đề đại biểu cho những khí khác nữa. Nhưng chữ khí đây không những là khí ngoài trời mà còn là khí trong người. Đó là điều mà tây y không thể chấp nhận. Chẳng hạn đông y nói thận lạnh, thận nóng; gan lạnh, gan nóng; đó là những điều lạ lung đối với tây y. Xưa nay Tây y không thể chấp nhận quan niệm này là vì không ai có thể giải thích bằng khoa học được thận lạnh là sao, thận nóng là như thế nào, cũng không ai đi đo nhiệt độ quả thận để nói nó lạnh hay nó nóng. Tương tự, tất cả những phần trong cơ thể đông y đều có quyền nói nó lạnh hay nó nóng, nhưng tây y thì cho rằng chúng ta không có quyền phát biểu như thế. Nhưng với quan niệm khí hoá thì hàn nhiệt của những phần trong cơ thể là một thực tại chứ không phải tưởng tượng. Thí dụ sự thay đổi ở các khớp về mặt cơ thể học dưới tác dụng của thấp khí như xương sụn nhăn và nổi những hột nhỏ, lớp bọc xương sụn dày lên, ta nói là chúng bị hàn thấp. Nếu sự ảnh hưởng của thấp khí không dừng ở các khớp xương mà tiến sâu vào trong thì những phần khác cũng bị hàn thấp, theo lối nói của đông y và dĩ nhiên là những nơi ấy thế nào cũng có sự thay đổi bất thường về mặt cơ thể bịnh học hay về mặt lý hoá.

Mặc dù tây y coi thức ăn như là nguyên nhân gây bịnh và hồi phục sức khoẻ nhưng chỉ nghiên cứu xem trong thức ăn có chất gì và cơ thể ta cần chất gì. Còn đông y, ngoài phương diện chất bổ của thức ăn ra, với quan niệm khí hoá, còn nhận định về tính chất nóng, lạnh, táo, thấp, phong của thức ăn, mà đó cũng là một điều khó hiểu đối với tây y. Nếu một thức ăn nào đó cũng làm thay đổi một phần nào đó của thân thể về mặt cơ thể bịnh học và về mặt lý hoá như tác dụng của thấp khí ảnh hưởng từ bên ngoài thì ta nói thức ăn đấy thấp. Một đằng khí trời ảnh hưởng từ bên ngoài, một đằng thức ăn ảnh hưởng từ bên trong, nhưng cả hai đằng đều cho ra một kết quả. Chính là nhờ sự ảnh hưởng của chúng có cùng một kết quả nên có thể dùng thuốc (ảnh hưởng từ bên trong) để chữa những bịnh gây ra bởi ảnh hưởng của khí trời từ bên ngoài. Với quan niệm khí hoá, đông y coi trong ngoài, thức ăn và khí trời đều là cùng một “khí”.

Tính chất nóng lạnh của thức ăn và tính chất nóng lạnh của khí trời thuộc bình diện nguyên phát. Khi ảnh hưởng đến cơ thể con người, những phần trong cơ thể bị lạnh hay bị nóng thuộc bình diện thứ phát. Ở những bình diện thứ phát này đông y không tìm hiểu được. Cũng có người cực đoan theo đông y cho rằng điều đó không cần tìm hiểu. Họ làm như thế là họ gạt bỏ y khoa thực nghiệm. Theo chúng tôi thì y khoa thực nghiệm rất cần. Ngày xưa không có điều kiện để thực nghiệm thì thôi, nhưng ngày nay đã có điều kiện khoa học, thì phải nói thực nghiệm là một chuyện rất cần. Nó chẳng những cho chúng ta quan niệm rõ ràng thế nào là một phần nào đó của cơ thể bị lạnh hay bị nóng, mà nó còn giúp chẩn đoán chính xác. Thí dụ chúng ta tìm hiểu về sự tập trung các phân tử, sự tập trung các ion, về số lượng các huyết cầu, các bạch cầu, sự tích tụ eosenophil, khi bình thường chúng như thế nào, dưới tác dụng của hàn khí chúng như thế nào và dưới tác dụng của nhiệt khí chúng như thế nào, và từ đó, bằng cách so sánh tình trạng bình thường và bất thường dưới tác dụng của hàn khí nhiệt khí, ta có thể thiết lập một hệ thống chẩn đoán mới.

Đó là điều mà ở chương trước chúng tôi gọi là cụ thể hoá, mà đó cũng là kết hợp đông y với tây y.

BÌNH DIỆN TRỪU TƯỢNG

Khi ta nói Khí là hơi hay là năng lượng là ta hiểu chữ Khí ở bình diện lý hoá. Nhưng hiểu như thế không phải là hiểu chữ Khí. Khí không phải khí thì là hơi, khi thì là năng lượng, khi thì là một thứ gì khác, nhưng những nghĩa ấy liên quan với nhau đến nỗi ở bình diện lý hoá người ta không thể giải thích nổi, hoặc là phải giải thích một cách rất dài dòng, và không thể hiểu nổi theo cách giải thích lòng vòng ấy. Nhưng trong các sách đông y chữ Khí vẫn được dùng xưa nay mà không cần xác định nó, cụ thể nó ở bình diện lý hoá. Người đọc vẫn có thể hiểu chữ Khí bằng một khái niệm trừu tượng và cũng dùng được để nghiên cứu y học. Như vậy cái khái niệm về Khí này nó chính là cái Khí ở bình diện trừu tượng và từng nghĩa chữ Khí như Khí là hơi, Khí là năng lượng đã đặt chữ Khí ở bình diện lý hoá.

Tương tự, chữ tà cũng có thể hiểu nó ở bình diện trừu tượng mà cũng có thể hiểu nó ở bình diện lý hoá, bình diện cụ thể. Ở bình diện cụ thể, thì tà có thể là đồ ăn cũ trong bao tử đã ba ngày không tiêu, tà có thể là nước đọng ở trong phổi, tà có thể là vi khuẩn, tà có thể là máu cục thuyên tắc (embolism), tà có thể là hơi lạnh đã ảnh hưởng đến da lông mạch máu, tà có thể là nọc độc của một con rắn, tà có thể là máu bầm trong người tích tụ sau khi bị chấn thương. Ở bình diện tổng quát thì tà có nghĩa là cái gì làm hại sức khoẻ.

Trong chương trước chúng ta đã nói về sự lợi ích của nghĩa cụ thể, của sự cụ thể hoá. Nhưng nói như thế không có nghĩa là vất bỏ những nghĩa trừu tượng. Nghĩa cụ thể không phải tiến bộ hơn nghĩa trừu tượng. Bình diện lý hoá không phải tiến bộ hơn bình diện trừu tượng. Nghĩa trừu tượng có cái ích lợi riêng của nó. Bình diện trừu tượng có sở dụng của nó. Đông y cho tới nay chưa được cụ thể hoá và cần được cụ thể hoá, nhưng không phải cụ thể hoá đông y để rồi bỏ những khái niệm trừu tượng. Ngược lại những khái niệm trừu tượng rất cần thiết, cần thiết đến độ nếu không có đông y, tây y cũng phải trừu tượng hoá những kiến thức cụ thể để đạt tới những khái niệm trừu tượng ở bình diện trừu tượng.

Ở bình diện cụ thể, người ta có khoa học; nhưng ở bình diện trừu tượng người ta không thể có khoa học mà chỉ có triết học.

Âm dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu lý là những khái niệm triết học. Đã là những khái niệm triết học thì không thể thực nghiệm được. Mỗi khái niệm triết học, thí dụ âm dương, có những nghĩa cụ thể của nó. Những ý niệm cụ thể ấy có thể thực nghiệm được và làm thành khoa học được. Thí dụ hệ giao cảm là dương, hệ đối giao cảm là âm, là hai hệ trên đó người ta có thể thực nghiệm, nhưng âm dương nói chung là những khái niệm triết học không thể thí nghiệm.

Đan Khê nói “Âm thường không đủ, dương thường có dư”. Trong câu này chữ âm, chữ dương không mang một nghĩa nào cụ thể, nhưng hai chữ âm dương ấy ở bình diện trừu tượng. Nếu miễn cưỡng cụ thể hoá chữ âm ở đây bằng nhiều nghĩa, ta tạm coi âm là thận, âm là máu v.v. Nhưng khi nói âm là máu, âm là thận thì chữ âm này đã mất đi cái nghĩa trừu tượng của nó mà chính cái nghĩa trừu tượng mới là cái nghĩa thật của nó. Bắt đầu từ cái khái niệm trừu tượng của chữ âm ấy, người ta phát hiện ra một số triệu chứng của âm hư hay âm không đủ (âm bất túc), như âm hư sinh nội nhiệt, âm hư thì ra mồ hôi trộm, âm hư thì nóng hầm hầm trong xương (cốt chung) v.v. Nếu tìm hiểu sâu vào cơ chế ra mồ hôi trộm, cơ chế nóng trong xương, cơ chế nội nhiệt, ta cũng có thể xác định ở bình diện cụ thể thế nào là âm hư, nhưng làm như thế là ta đã rời bình diện trừu tượng của triết học để đi vào khoa học, tức là rời lãnh vực khí hoá để đi vào thực nghiệm. Dương hư thì mồ hôi tự đổ ra hoài (dương hư tự hãn). Chữ dương đây cũng có một nghĩa rất trừu tượng, vì một mặt nó liên quan tới khí, một mặt nó liên quan tới biểu, tới lý, một mặt nó liên quan tới vệ. Nhưng chữ dương hư mà người ta dùng để chỉ mạng môn hoá suy, cần phải bổ bằng bát vị địa hoàng hoàn thì lại khác, mặc dù nó cũng trừu tượng không kém.

Chữ biểu của đông y không chỉ có nghĩa cụ thể là da, lông, thịt, mạch máu, nhưng nó còn được dùng để diễn tả những khu vực bịnh. Chẳng hạn như cảm nhức đầu, ớn lạnh, sợ gió, sợ lạnh, cổ gáy cứng đau, phát sốt, ta gọi là bịnh tại biểu. Chữ biểu này được dùng ở bình diện trừu tượng. Ngược lại, bịnh tại lý là những chứng bụng đầy.

Nếu nói lạnh làm mạch máu co thắt thì dễ hiểu rồi, vì đó là ta nói ở bình diện cụ thể. Nhưng đông y thì thường dùng chữ hàn (lạnh) ở bình diện trừu tượng, chẳng hạn để chỉ những chứng như môi lưỡi trắng, mạch trì, đi cầu lỏng, bụng lạnh đau.

Chữ nhiệt của đông y không phải chỉ ở bình diện cụ thể như thân nhiệt cao, nhưng còn chỉ những chứng khát, đi cầu bón, thích uống nước lạnh v.v. ; chữ nhiệt này ở bình diện trừu tượng.

Chữ hypo, hyper của tây y có thể hiểu như chữ hư, thực của đông y được không? Được, nhưng chỉ hiểu ở bình diện cụ thể. Ở bình diện trừu tượng, đông y dùng chữ hư để chỉ nhóm bịnh cần phải bổ, chữ thực nhóm bịnh cần phải tả. Thí dụ đồ ăn cũ không tiêu cần phải cho mửa ra hay cho xổ ra gọi là bịnh thực; bịnh lòi con trê (thoát giang) do khi hư hạ hãm là bịnh hư.

Những khái niệm trừu tượng của đông y không phải được quy nạp từ những dữ kiện cụ thể nhưng nó được suy luận, được biện chứng từ những nguyên lý triết học. Trọng Cảnh nói thanh tà ở trên, trọc tà ở dưới, đại tà ở biểu, tiểu tà ở lý. Tà của cơm từ miệng vào là đồ ăn cũ không tiêu… Phong trúng đằng trước, hàn trúng đằng sau, thấp tổn thương đến cơ thể từ bên trên. Phong làm mạch phù, hàn làm mạch cấp. Sương làm tổn thương đến bì tấu, thấp chảy vào các khớp xương, đồ ăn làm tổn thương tỳ vị. Hàn cực độ tổn thương kinh, nhiệt cực độ tổn thương lạc. Vưu Tại Kinh giải thích rằng tà khí có thanh trọc, đại tiêu khác nhau. Cơ thể con người cũng có trên dưới, biêu lý khác nhau; không thứ nào không tuỳ loài của nó mà theo nhau. Phong là dương nên trúng ở đằng trước (đằng trước là dương), hàn là âm nên trúng ở đằng sau (đằng sau là âm); thấp khi thuộc trọc mà trúng từ bên dưới, vụ khí (sương) thuộc thanh mà trúng từ bên trên; kinh mạch thuộc âm nên bị hàn (cũng thuộc âm) làm tổn thương, lạc mạch thuộc dương nên bị nhiệt (cũng thuộc dương) làm tổn thương. Như thế đông y đã phân âm dương theo triết học biện chứng để từ đó biết được đường đi nước bước của bịnh tà.

Từ những khái niệm ấy mà đông y có những phép chữa trị như tà ở trên thì cho nó vọt ra (mửa ra), tà ở dưới thì cho nó xổ ra (Nội Kinh); nước đọng từ eo lưng trở lên, thì cho ra mồ hôi sẽ hết bịnh; nước đọng từ eo lưng trở xuống cho đái ra sẽ hết bịnh (Trọng Cảnh); bịnh ở biểu thì cho ra mồ hôi, bịnh trong lý thì cho xổ; bịnh hư thì phải bổ, bịnh thực thì phải tả. Những nguyên tắc chữa trị ấy hoạch đắc được do suy luận ở bình diện trừu tượng mà đó cũng là những đặc điểm của đông y mà tây y, một y học suy luận ở bình diện cụ thể, không thể có và không bao giờ có. Những nguyên tắc chữa ấy dẫn đến những điều cấm kỵ mà trong đông y ai cũng biết, như tà còn ở biểu thì không được cho xổ; nếu xổ thì thuốc sẽ dẫn tà nhập lý, hoặc xổ sớm quá sẽ biến sinh những chứng như chứng tức anh ách (bĩ), chứng kết hung (hơi uất kết ở ngực). Những người không biết có thể phạm những điều cấm kỵ ấy, thí dụ người bị trúng gió mà cho thuốc bổ trường hợp này phạm vào nguyên tắc thực thì phải tả (trúng gió là thực; đáng lẽ phải tả bằng cách cho ra mồ hôi, nhưng lại cho bổ).

Đông y là một y học ở bình diện trừu tượng. Bao lâu nó còn ở bình diện trừu tượng, thì nó còn là đông y. Một khi ta cụ thể hoá nó, đem nó xuống bình diện cụ thể, nó không còn là đông y nữa. Không phải đông y không cụ thể hoá, nhưng khi cụ thể hoá nó, thì nó không còn là đông y.

Tây y cũng có những khái niệm trừu tượng, nhưng những định luật của tây y và của khoa học đều được thiết lập ở bình diện cụ thể. Trong khi đó đông y suy luận trên bình diện trừu tượng và đặt những định luật ở bình diện trừu tượng, như âm cực sinh dương, dương cực sinh âm. Những khái niệm trừu tượng của đông y một khi nối kết lại với nhau cho ra một khái niệm mới dường như không dính líu tới những nghĩa cụ thể của từng khái niệm cũ. Thí dụ Âm có thể cụ thể hoá là máu, là tạng v.v. Hư là suy kém, nhưng khái niệm Âm hư lại là bịnh chứng đặc biệt, không phải máu kém.

Do đó mà ta có thể nói đông y không thể cụ thể hoá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét